Thông tin trên được đưa ra sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi với một số đại học lớn nhằm xem xét quyền lợi của thí sinh đạt 27 điểm thực trở lên (tính tổng 3 môn, chưa cộng điểm ưu tiên) nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào. Việc xét tuyển bổ sung sẽ căn cứ vào nguyện vọng, số điểm của thí sinh và điểm chuẩn của từng ngành học cụ thể.
Hiện Bộ chưa thông tin là đã làm việc cụ thể với đại học nào.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp 2021 tại trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP HCM). |
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ xét tuyển vừa qua, số thí sinh đạt 27 điểm trở lên (chưa tính điểm ưu tiên) nhưng trượt đại học là 165, trong đó 3 em có tổng điểm trên 28.
Trong số này có 51 em đăng ký xét tuyển vào trường khối dân sự, 114 em vào trường công an, quân đội (gồm cả 61 em đạt từ 29,5 điểm trở lên, đã cộng điểm ưu tiên, nhưng trượt đại học như Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 19/9).
Trong 114 em đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội, có 97 em chỉ đăng ký một nguyện vọng. Với 51 em đăng ký vào các trường khối dân sự, có 10 em cũng làm tương tự.
Ngày 15-16/9, hơn 200 đại học công bố điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. So với năm ngoái, điểm chuẩn tăng mạnh, phổ biến 1-3, nhiều trường tăng 5-10. Nhiều thí sinh đạt 27 điểm nhưng vẫn trượt cả chục nguyện vọng do điểm nhiều trường trong cùng khối ngành sàn sàn nhau.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng "rất đáng tiếc" cho những thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt đại học. Ông Sơn lý giải điểm chuẩn tăng một phần do số thí sinh xét tuyển đại học tăng trong khi chỉ tiêu giữ nguyên. Ngoài ra sự dịch chuyển trong xu hướng lựa chọn ngành nghề, điểm thi tốt nghiệp THPT cao cũng tác động đến mức điểm trúng tuyển.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin