Giáo dục

Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực tháng 12

07:37, 28/11/2021
Nới lỏng điều kiện thăng hạng giảng viên đại học; Chương trình Giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành; quy định về việc biên soạn, thẩm định và lựa chọn tài liệu để sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non... là những chính sách mới về giáo dục chính thức có hiệu lực trong tháng 12 này.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Nới lỏng điều kiện thăng hạng giảng viên đại học

Điểm mới nhất theo Thông tư 31 có hiệu lực từ ngày 26/12 là thay đổi về tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng giảng viên đại học.

Cụ thể, trước đây, giảng viên phải được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 3 năm liên tục thì mới được thi/xét thăng hạng.

Tuy nhiên, theo quy định mới, giảng viên chỉ cần xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề, tức chỉ cần xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 1 năm trước khi thi/xét thăng hạng.

Ngoài thay đổi trên, các tiêu chuẩn, điều kiện về thăng hạng giảng viên đại học hầu như không quá khác biệt so với quy định cũ.

Mặt khác, trước đây, điểm trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng giảng viên đại học được xét theo điểm công trình khoa học của giảng viên.

Trong đó, giảng viên trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng II phải có điểm công trình khoa học đạt tối thiểu 6 điểm; xét thăng hạng giảng viên cao cấp hạng I phải đạt tối thiểu 16 điểm.

Tuy nhiên, theo quy định mới tại Điều 9 Thông tư 31, việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng sẽ không chỉ dựa vào điểm công trình khoa học nữa mà thay bằng điểm kết quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ như kết quả hướng dẫn nghiên cứu sinh, sách đào tạo đã được xuất bản…

Cụ thể, người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng giảng viên sẽ được xác định như sau:

- Người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng giảng viên chính hạng II (V.07.01.02) là viên chức được Hội đồng xét thăng hạng xác định đạt tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng, trong đó điểm kết quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ quy đổi đạt tối thiểu 3,5 điểm.

- Người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng giảng viên cao cấp hạng I (mã số: V.07.01.01) là viên chức được Hội đồng xét thăng hạng xác định đạt tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng, trong đó điểm kết quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ quy đổi đạt tối thiểu 8,0 điểm.

Người trúng tuyển lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp được giao.

Chương trình Giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành

Thông tư 28 của Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12.

Mục tiêu của Chương trình là người học có kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh để sử dụng theo nhu cầu; giao tiếp thành thạo tiếng Anh thông qua bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết...

Người học cần đạt yêu cầu về năng lực đặc thù theo 6 bậc và theo bốn kĩ năng giao tiếp trên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Nội dung dạy học trong Chương trình được thiết kế theo kết cấu đa thành phần theo các phương pháp: dạy học cá nhân hóa; dạy học tích hợp; phát triển năng lực tự học; ứng dụng công nghệ trong dạy học.

Giáo viên phải đạt chuẩn năng lực tiếng Anh, năng lực sư phạm, đồng thời sẽ được hướng dẫn đầy đủ về nội dung và cách thức triển khai chương trình này.

Thẩm định và lựa chọn tài liệu để sử dụng trong trường mầm non

Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT quy định về việc biên soạn, thẩm định và lựa chọn tài liệu để sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 21/12.

Theo đó, tài liệu dành cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non phải đáp ứng các yêu cầu:

- Phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

- Nội dung, hình thức của tài liệu phù hợp với văn hoá, lịch sử, địa lý, đạo lý, thuần phong mỹ tục. Đồng thời đảm bảo tính khoa học, sư phạm, thẩm mỹ, đảm bảo Quyền trẻ em…

- Phù hợp với mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục mầm non.

- Các thuật ngữ, các khái niệm, định nghĩa, sự kiện, hình ảnh bảo đảm tính chính xác, khách quan, nhất quán; các hình ảnh, sự kiện, số liệu có nguồn gốc rõ ràng.

- Hình thức trình bày tài liệu cân đối, hài hoà, hệ thống ký hiệu, biểu tượng, kiểu chữ, cỡ chữ, tranh, ảnh, bản đồ, hình vẽ phù hợp với nội dung giáo dục và quy định của pháp luật Việt Nam.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện