Giáo dục

Bộ GD&ĐT đề xuất và lý giải cần thiết phải xây dựng Luật Nhà giáo

15:22, 14/12/2022
Việc xây dựng Luật Nhà giáo sẽ nâng cao vị thế, vai trò nhà giáo, tạo hành lang pháp lý và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích nhà giáo.

Bộ GD&ĐT vừa có dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo.

Luật Nhà giáo áp dụng đối với nhà giáo, người thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục trong công lập, ngoài công lập của hệ thống giáo dục quốc dân, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác; tổ chức và cá nhân liên quan đến xây dựng và phát triển đội ngũ.

Luật Nhà giáo sẽ thể hiện rõ vị trí, vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo; tiêu chuẩn, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế trong phát triển nhà giáo; chế độ, chính sách đối với nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến cuối năm học 2021-2022, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập.

Tuy nhiên, cơ cấu đội ngũ giáo viên còn tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn mất cân đối. Việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động, giáo viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục còn nhiều vướng mắc. Việc thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung gặp nhiều khó khăn đối vì đặc điểm nghề nhà giáo là dạy học, giáo dục theo cấp học, môn học. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương chưa phù hợp với vị trí, vai trò nhà giáo. Ngoài ra, còn thiếu cơ chế để thu hút người giỏi thi tuyển vào ngành sư phạm và chưa có đủ chế tài để quản lý nhà giáo ngoài công lập.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Từ năm 2018, Bộ GD&ĐT đã giao cho các viện nghiên cứu, trường đại học tổ chức nghiên cứu 4 đề tài khoa học cấp Nhà nước liên quan đến đội ngũ nhà giáo. Các đề tài nghiên cứu đã cho thấy sự cần thiết phải xây dựng luật riêng về nhà giáo.

Căn cứ thực tiễn, việc xây dựng Luật Nhà giáo cũng hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp, Nghị quyết của Quốc hội và các chính sách, chủ trương của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, phát triển đội ngũ. Qua đó, tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đồng thời phân cấp mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam mở cửa, việc xây dựng Luật Nhà giáo sẽ phù hợp với các cam kết quốc tế.

Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ nâng cao vị thế, vai trò nhà giáo, tạo hành lang pháp lý và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích nhà giáo. Bên cạnh đó, luật này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tạo bình đẳng giữa nhà giáo khu vực công lập và ngoài công lập…

Dự kiến dự án Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2024), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2024). Thời gian Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện