Thi xong tốt nghiệp, thí sinh chuẩn bị đăng ký nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung. |
Song song với xét điểm thi tốt nghiệp THPT, như mọi năm, trường ĐH tổ chức xét tuyển sớm với nhiều phương thức như xét tuyển học bạ, ưu tiên xét tuyển, thi đánh giá năng lực... để giảm áp lực thi cử và gia tăng cơ hội vào ngành học yêu thích cho thí sinh.
Theo hướng dẫn tuyển sinh 2023 của Bộ GD&ĐT, trước 17h ngày 8/7, các trường hoàn thành công tác xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên cổng thông tin chung của Bộ; cập nhật lên hệ thống danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm. Theo đó, thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm cần rà soát lại thông tin các nguyện vọng trúng tuyển của mình trên cổng thông tin chung sau khi các trường cập nhật danh sách. Đặc biệt, theo quy chế tuyển sinh ĐH năm nay, ngoài việc đăng ký trực tiếp tại các trường, sau khi có kết quả xét tuyển, thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đợt 1 trên hệ thống chung trong khoảng thời gian từ ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7 để lọc ảo. Trong suốt thời gian đăng ký nguyện vọng này, thí sinh được quyền điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần nên có thể thao tác điều chỉnh nhiều lần so với đăng ký ban đầu.
Lưu ý, việc một thí sinh nộp hồ sơ bằng các phương thức xét tuyển sớm vào nhiều trường và cùng nhận được nhiều thông báo đủ điều kiện trúng tuyển là rất phổ biến. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất. Do đó, trong quá trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung, thí sinh cần sắp xếp các nguyện vọng xét tuyển hợp lý và thông minh theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp để đảm bảo cơ hội trúng tuyển vào đúng ngành, đúng trường mong muốn.
Những lưu ý quan trọng
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, nhắn nhủ thí sinh khi đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm sẽ nhận được thông báo của nhà trường. Trong đó, có chi tiết về việc cần làm gì ở khâu tiếp theo để đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT và đặt thứ tự nguyện vọng như thế nào để tối ưu hóa mong muốn trên cơ sở năng lực của bản thân. Ví dụ, nếu thực sự mong muốn lựa chọn nguyện vọng đã trúng tuyển thì cần đặt đây là nguyện vọng 1. Còn nếu muốn theo đuổi ước mơ tiếp thì sẽ đặt những nguyện vọng mong muốn lên trên theo chiến lược phân nhóm: cao hơn năng lực bản thân đạt được; ngang bằng năng lực bản thân; thấp hơn năng lực của bản thân. “Điều quan trọng nhất khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ là phải căn cứ trên sự yêu thích của thí sinh, chứ không phải xếp theo thứ tự khả năng trúng tuyển”, bà Hiền lưu ý.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo ĐH thực hiện các cam kết đối với thí sinh, tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định.
Ghi nhận thực tế cho thấy, thời gian qua, có thí sinh bỏ qua một số bước yêu cầu của trường đã trúng tuyển sớm. Khi phát hiện ra thì đã quá thời gian quy định.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nói rằng, thí sinh đăng ký xét tuyển phương thức kết hợp vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (từ ngày 1-30/6) bằng số căn cước công dân thì phải lên hệ thống cập nhật lại bằng số báo danh từ ngày 2-4/7. Thí sinh không được bỏ qua bước này. Vì số căn cước công dân giống như “mã số định danh” của mỗi thí sinh trong xét tuyển ĐH trên hệ thống của Bộ GD&ĐT và các trường ĐH.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin