Đại học Quốc gia Hà Nội lọt top đại học trẻ hàng đầu của THE. Ảnh: VNU. |
4 trường của Việt Nam được xếp hạng bao gồm: Đại học Duy Tân (hạng 101-150), Đại học Tôn Đức Thắng (hạng 101-150), Đại học Quốc gia Hà Nội (hạng 351-400), Đại học Quốc gia TP.HCM (hạng 501+).
So với năm 2022, thứ hạng của các trường có sự thay đổi. Đại học Duy Tân từng được xếp hạng 98 vào năm 2022 nhưng hiện chỉ đứng trong nhóm 101-150. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tụt từ hạng 301-350 xuống hạng 351-400. Tương tự, Đại học Quốc gia TP.HCM từng xếp vào nhóm 401+ thay vì nhóm 501+ như năm nay.
Đây là năm thứ tư Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng đại học trẻ và là năm thứ hai có đến 4 đại diện lọt top. Trước đó, vào năm 2021, cả nước chỉ có 2 trường được xếp hạng là Đại học Quốc gia Hà Nội (hạng 251-300) và Đại học Quốc gia TP.HCM (hạng 401+). Năm 2020, Đại học Quốc gia TP.HCM là trường duy nhất được xếp hạng với vị trí 351-400.
Thứ hạng và điểm số của các trường đại học Việt Nam. |
Xếp hạng đại học trẻ của Times Higher Education được đặt ra nhằm đánh giá các trường có tuổi đời chưa đến 50 năm. Năm 2023, xếp hạng có sự góp mặt của 605 cơ sở giáo dục đại học đến từ 78 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm ngoái, xếp hạng này chỉ có 539 trường.
Ngoài các trường được xếp hạng, thêm 358 cơ sở giáo dục đại học khác được liệt kê trong danh mục "các trường đã báo cáo". Nghĩa là các trường này cung cấp đủ dữ liệu cho THE nhưng lại không đáp ứng đủ điều kiện để được xếp hạng.
Trong xếp hạng năm nay, Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore lại đứng đầu sau khi tụt xuống vị trí số 2 vào năm 2022. Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Hong Kong, Trung Quốc) vươn lên vị trí thứ hai, trong khi trường dẫn đầu năm ngoái là Paris Science et Lettres (Pháp) tụt xuống vị trí thứ ba.
Theo thống kê của THE, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có nhiều đại diện lọt top nhất, với 47 tổ chức giáo dục đại học. Theo sau đó là Ấn Độ (45 trường) và Iran (39 trường). Đại học Humanitas của Italy là trường mới được xếp hạng trong năm nay nhưng đạt thứ hạng khá cao, vị trí 29.
Xếp hạng đại học trẻ tốt nhất thế giới của THE đánh giá dựa trên 13 chỉ số, nhóm lại theo 5 lĩnh vực giống với xếp hạng đại học hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, các trọng số đã được điều chỉnh để phù hợp với xếp hạng.
Cụ thể, các nhóm đánh giá bao gồm: Đào tạo (chất lượng môi trường học tập và giảng dạy) 30%; nghiên cứu (khối lượng, thu nhập và danh tiếng) 30%; trích dẫn (ảnh hưởng nghiên cứu) 30%; danh tiếng quốc tế (thu hút giảng viên, sinh viên và nghiên cứu quốc tế) 7,5%; nguồn thu từ hợp tác với doanh nghiệp (hiệu quả chuyển giao tri thức) 2,5%.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin