Theo lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, 3 trường được dự kiến thành lập vào năm 2024-2025 là Trường Điện - Điện tử, Kinh tế quản lý và Công nghệ thông tin truyền thông.
Trước đó, vào tháng 12/2021, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch. Đây là trường đầu tiên được thành lập trong Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, trên cơ sở nhập Khoa Ngoại ngữ và Khoa Du lịch. Đến tháng 8/2023, Trường Cơ khí - Ô tô được thành lập trên cơ sở sáp nhập và phát triển khoa Cơ khí và khoa Công nghệ ô tô. Việc thành lập các trường này nằm trong kế hoạch chuyển đổi mô hình lên đại học với đa lĩnh vực, ngành đào tạo vào năm 2025.
TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong lộ trình chuyển đổi, bài toán của nhà trường là tái cấu trúc các khoa sẵn có chứ không phải là tăng quy mô.
“Theo yêu cầu phát triển thực tiễn, việc nâng cấp từ trường đại học lên thành đại học sẽ là cơ hội để nhà trường đổi mới cấu trúc và hệ thống quản trị bên trong, từ đó giúp tinh gọn hơn bộ máy quản lý, tập trung”, lãnh đạo trường cho biết.
Ngoài Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng dự kiến chuyển thành ĐH Kinh tế Quốc dân trong năm 2025.
Cụ thể, chia sẻ với báo chí, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết nhà trường đang chuẩn bị các điều kiện hoàn thiện hồ sơ, tiến hành các thủ tục để đề nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt, chính thức chuyển đổi nhà trường thành ĐH Kinh tế Quốc dân vào năm 2025.
Trong giai đoạn 2025-2030, ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến phát triển và xây dựng mới môn/khoa có liên quan nhiều đến công nghệ như: Công nghệ thông tin (khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo); Du lịch và khách sạn (quy hoạch du lịch, kiến trúc khách sạn, công nghệ vận hành khách sạn); Công nghệ môi trường (xử lý nước thải, khí thải, ứng phó biến đổi khí hậu). Đồng thời, ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ thành lập mới 2-3 trường trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu, phát triển cơ sở 2 ngoài Hà Nội.
Để làm được điều đó, trường đã xây dựng các lộ trình cụ thể. Hiện tại, trường đã hoàn thành việc xây dựng và chuyển đổi mô hình tổ chức thành đại học với 3 cấp, gồm: đại học, các trường trực thuộc, các khoa. Bên cạnh các đơn vị này là hệ thống đơn vị chức năng, dịch vụ, hỗ trợ công tác đào tạo.
Ngoài 2 trường nói trên đã đưa ra mốc thời gian cụ thể về việc chuyển đổi lên đại học, một số trường khác cũng đã có kế hoạch cho việc này.
Tại lễ khai giảng năm học mới diễn ra ngày 26/9/2023, GS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội - cho biết năm học mới 2023-2024 sẽ đi cùng với nhiều chủ trương và hoạt động lớn của trường, như thực hiện tự chủ đại học, chuẩn bị đề án phát triển thành ĐH Y Hà Nội, đổi mới căn bản và toàn diện chương trình đào tạo bác sỹ y khoa giai đoạn 3, đổi mới chương trình đào tạo sau đại học; chuẩn bị cho các hoạt động kiểm định chương trình đào tạo...
Theo ông Tú, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 của nhà trường là thực hiện chuyển đổi số, tăng cường quản trị đại học hiệu quả. Đây là điều kiện quan trọng đối với cải tiến chất lượng sau kiểm định, để thực hiện thành công tự chủ trong những năm tới, nâng cao vị thế và phát triển trường trở thành ĐH Y Hà Nội với ít nhất 3 trường thành viên.
Còn trước đó, tại lễ khai giảng năm học 2022-2023, Trường ĐH Cần Thơ cũng đã công bố thành lập 4 trường, 1 khoa và 1 viện mới trên cơ sở các đơn vị hiện có. Đó là các Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Khoa Giáo dục Thể chất, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm.
Tiếp sau, trường đã thành lập 2 phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng. Theo lãnh đạo nhà trường, đây là những bước tiến quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2030, chuyển Trường ĐH Cần Thơ trở thành ĐH Cần Thơ.
Tới ngày 10/7/2023, GS.TS Nguyễn Thanh Phương, chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ, đã ký nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển Trường ĐH Cần Thơ thành ĐH Cần Thơ. Dự kiến trường sẽ thành lập bốn trường thuộc ĐH Cần Thơ gồm: Trường Kinh tế trên cơ sở khoa kinh tế, Trường Bách khoa trên cơ sở khoa công nghệ, Trường Nông nghiệp trên cơ sở khoa nông nghiệp, Trường CNTT và truyền thông trên cơ sở khoa CNTT và truyền thông.
Theo Luật Giáo dục Đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trong khi đại học sẽ đào tạo trên nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có nhiều ngành. Do đó, đại học sẽ bao gồm các trường đại học. Hiện nay cả nước có 7 đại học gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM. Trong đó, ĐH Kinh tế TP.HCM mới chuyển từ trường đại học thành đại học vào tháng 10/2023. |
Điều kiện chuyển từ trường đại học lên đại học Theo Nghị định 99, để chuyển từ trường đại học thành đại học, cần phải đáp ứng 3 điều kiện. Thứ nhất, trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp. Thứ hai, cần có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người. Thứ ba, cần có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin