Hoạt động NTV

Huyện Tương Dương trả lời phản ánh của NTV về vụ việc phá rừng tại bản Huồi Tố, xã Mai Sơn

17:37, 05/03/2024
Liên quan đến vụ việc phá rừng tại tiểu khu 512, bản Huồi Tố 1, xã Mai Sơn được Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An phát sóng vào ngày 29/02/2024, sau khi chỉ đạo, kiểm tra, xác minh, UBND huyện Tương Dương đã có văn bản trả lời. Theo đó, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An đã phản ánh kịp thời vụ việc giúp địa phương chỉ đạo khắc phục và xử lý.

Ngày 4/3/2-224, UBND huyện Tương đã có công văn số 74/BC-UBND trả lời về vụ việc phá rừng trái phép tại tiểu khu 512 thuộc bản Huồi Tố 1, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương theo phản ánh của Đài PTTH Nghệ An phát trên bản tin thời sự ngày 29/02/2024.

Nội dung cụ thể như sau:
1. Diễn biến vụ việc

Thực hiện Chương trình số 01/CTr-UBND.NL ngày 22/01/2024 về Chương trình công tác Lâm nghiệp năm 2024 và Phương án số 01/PA-UBND ngày 24/01/2024 của UBND huyện Tương Dương về phương án chống chặt phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến lâm sản, động vật rừng trái phép năm 2024. Ngày 25/01/2024, Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND xã, phối hợp với các lực lượng liên quan trên địa bàn tổ chức kiểm tra các vùng rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra tình trạng chặt phá trên địa bàn xã Mai Sơn. Qua kiểm tra đã phát hiện vụ việc nêu trên. Kiểm lâm địa bàn và UBND xã đã tiến hành lập biên bản ban đầu, đồng thời xác minh đối tượng chặt phá. Theo đó khu vực có các cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt phá thuộc lô 17 khoảnh 3 tiểu khu 512, địa giới hành chính xã Mai Sơn, huyện Tương Dương.
Tuy nhiên, thời điểm trên gần với Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, chính quyền địa phương đang tập trung lực lượng để chăm lo cho các hộ nghèo đón Tết, nên việc xác minh, xử lý chưa được thực hiện kịp thời.
Như vậy, nội dung phản ánh của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An về tình trạng phá rừng tại tiểu khu 512, bản Huồi Tố 1, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương là có cơ sở.
Ủy ban nhân dân huyện Tương Dương xin trân trọng cảm ơn Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An đã phản ánh kịp thời vụ việc để địa phương chỉ đạo khắc phục và xử lý.

Khu vực có rừng bị chặt phá thuộc khoảnh 3, 12, tiểu khu 512 thuộc địa bàn xã Mai Sơn, huyện Tương Dương.

2. Kết quả ban đầu về kiểm tra, xác minh và xử lý vụ việc
Ngay sau khi có phản ánh của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An và các cơ quan báo chí, vào ngày 01/3/2024, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với Công an huyện, chính quyền xã Mai Sơn kiểm tra, xác minh tại hiện trường, kết quả cụ thể như sau:
- Tổng diện tích bị chặt phá 0,652 ha. Đối chiếu với kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2023 thì phần diện tích bị chặt phá có trạng thái là rừng tự nhiên hỗn giao tre nứa - gỗ (HG2) thuộc quy hoạch rừng sản xuất, thuộc lô 17 khoảnh 3 tiểu khu 512, chủ rừng là UBND xã Mai Sơn quản lý.
- Về khối lượng gỗ đo đếm tại hiện trường: Tổng số cây bị chặt hạ là 142 cây bao gồm các loài Săng lẻ, Dẻ... có đường kính gốc trung bình từ 10 cm đến 20 cm. Tổng khối lượng đo đếm được tại hiện trường khoảng 11,57 m3.
- Về đối tượng chặt phá: Bước đầu xác định có 04 người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn bản Huồi Tố 1 khai nhận đã thực hiện việc chặt phá diện tích nói trên. Các cơ quan chức năng trên địa bàn đã triệu tập liên quan và lập các hồ sơ ban đầu liên quan đến các hành vi vi phạm.
- Thời điểm xảy ra việc chặt phá rừng trái phép: Theo lời khai ban đầu của 4 người dân thì việc chặt phá rừng diễn ra từ thời gian trước Tết Nguyên đán năm
2024.
- Mục đích của việc chặt phá rừng: Theo lời khai của 4 người dân, việc chặt phá rừng nhằm mục đích lấy đất để sản xuất nông nghiệp (trồng Sắn).
Về quá trình quản lý và sử dụng phần diện tích khu vực bị chặt phá: Phần diện tích khu vực bị chặt phá thuộc quy hoạch rừng sản xuất đang được giao cho UBND xã Mai Sơn quản lý. Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ Ban quản lý bản Huồi Tố 1, xã Mai Sơn cho biết: toàn bộ diện tích bị chặt phá trên và diện tích đất dọc tuyến đường Quốc lộ 16 tính từ mép ta luy dương lên 100m từ nhiều năm trước đây Ban quản lý bản Huồi Tố 1 đã có quy ước riêng của Bản là cho người dân trong bản làm vườn, sản xuất nông nghiệp. Việc làm này là trái với mục đích sử dụng nhưng liên quan đến phong tục, tập quán của người dân bản địa nên lâu nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng người dân sản xuất canh tác nông nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp.
Đến giai đoạn từ những năm 2000 thực hiện Chương trình phát triển kinh té - - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998, các hộ dân đã được nhà nước hỗ trợ trồng cây Mét trên phần diện tích nói trên. Trải qua quá trình nhiều năm, cây Mét không phát triển, các cây gỗ (Săng lẻ, Dẻ, Đinh...) tái sinh tự nhiên nhiều, hàng năm người dân vẫn sản xuất nông nghiệp, trồng Sắn, trồng Xoan và Keo xen lẫn.
Tại hiện trường, ngoài các cây gỗ tự nhiên tái sinh bị chặt hạ thì phần diện tích xung quanh cơ bản là diện tích người dân đã và đang trồng Sắn, xen lẫn Keo, Xoan và nhiều gốc Mét còn sót lại.
Đến thời điểm này, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với Công an huyện, Viện Kiểm sát và UBND xã khám nghiệm hiện trường, điều tra, xác minh các đối tượng, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ phá rừng nói trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Diện tích bị chặt phá thống kê được là 0,6ha gồm các loại cây thân gỗ tự nhiên lâu năm. 

3. Nguyên nhân xảy ra vụ việc

3.1. Nguyên nhân chủ quan
Mặc dù vụ việc đã được phát hiện sớm, song quá trình chỉ đạo phối kết hợp trong việc xử lý của chính quyền địa xã với các lực lượng chức năng chưa thực sự quyết liệt và kịp thời.
- Chính quyền xã chưa quản lý tốt đối với diện tích rừng được nhà nước giao cho UBND xã quản lý; còn có ý thức trông chờ, ỷ lại trách nhiệm bảo vệ rừng cho các ngành chức năng.
3.2. Nguyên nhân khách quan
- Đời sống nhân dân xã biên giới Mai Sơn nói riêng và toàn huyện Tương Dương nói chung còn rất nhiều khó khăn, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào rừng nên tạo áp lực lớn cho công tác bảo vệ rừng.
- Trong những năm gần đây, Sắn là cây trồng nông nghiệp chủ lực, mang lại giá trị tương đối cao hơn so với những loại cây trồng khác trên địa bàn, giá thu mua năm sau tăng hơn so với năm trước. Vì vậy nhu cầu mở rộng sản xuất trồng Sẵn hàng năm của người dân là rất lớn trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp quá ít, dẫn đến tình trạng nhân dân sản xuất nông nghiệp lấn vào rừng tự nhiên.
- Địa bàn quá rộng, cách xa trạm Kiểm lâm địa bàn, giao thông đi lại khó khăn; khoảng cách từ trạm Kiểm lâm địa bàn đến xã phụ trách hơn 120 km và phải đi qua địa bàn huyện Kỳ Sơn nên khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát cũng như tham mưu của cán bộ Kiểm lâm địa bàn tại xã.
4. Một số giải pháp trong thời gian tới
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, UBND huyện Tương Dương xác định một số giải pháp như sau:
- Giải pháp trước mắt là chỉ đạo các ngành liên quan trên địa bàn, chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ phá rừng trái phép tập trung điều tra, xác minh hoàn thiện hồ sơ để xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật; xem xét kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ phá rừng nói trên. Đồng thời mở rộng kiểm tra trên địa bàn nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng người dân phát, đốt rừng tự nhiên để trồng Sắn, sản xuất nương rẫy.
- Tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị địa phương thực hiện nhất quán quan điểm về công tác bảo vệ rừng theo tinh thần Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị làm rõ vụ việc phá rừng tại Tương Dương tại buổi kiểm tra ngày 1/3.

- Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ rừng đối với mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. - Phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp bảo vệ rừng giữa các đơn vị gồm Hạt Kiểm lâm, Công an, các đồn Biên phòng, các chủ rừng và UBND xã; tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng đặc biệt là những diện tích rừng tự nhiên do UBND xã, cộng đồng quản lý, vùng giáp ranh biên giới Việt – Lào.
- Tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, chính sách về lâm nghiệp nhằm từng bước nâng cao đời sống của người dân, để người dân thực sự yên tâm gắn bó với cộng tác bảo vệ rừng, sống được nhờ rừng, hạn chế tình trạng phá rừng để sản xuất nông nghiệp góp phần giảm áp lực trong công tác bảo
vệ rừng.
- Chỉ đạo nâng cao hiệu lực hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ của các các lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn: Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các đơn vị chủ rừng, các tổ bảo vệ rừng cấp xã...Tăng cường, bố trí lực lượng hợp lý thường trực tại các trạm Kiểm lâm địa bàn, trạm, chốt bảo vệ rừng nhất là trong thời gian cao điểm, thời vụ gieo trồng sản xuất nương rẫy của người dân để chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, nhằm ngăn chặn người dân, súc vật kéo vào rừng khai thác, chặt phá rừng trái phép để sản xuất nương rẫy, khai thác lâm sản.
UBND huyện Tương Dương báo cáo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An và các cơ quan chức năng cấp tỉnh biết và tiếp tục có sự chỉ đạo địa phương trong thời gian tới./.

PV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện