Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An sau 5 năm thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

10:15, 10/01/2011
Đồng hành với phát triển bền vững là yếu tố bảo vệ môi trường. Đi đôi với việc phát triển sản xuất thì vấn đề ô nhiễm môi trường đang là thách thức lớn. Đây là điều không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển sản xuất công nghiệp. Có rất nhiều cách để bảo vệ và hạn chế sự ô nhiễm, sản xuất sạch hơn (SXSH) là một trong những cách mang lại hiệu quả cao cả về mặt môi trường

 

SXSH là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã được áp dụng từ lâu ở các nước phát triển như Tây Âu, Nhật Bản. Gần đây, thông qua chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch về bảo vệ môi trường, các nội dung về SXSH đã được phổ biến và áp dụng khá rộng rãi ở Việt Nam, trong đó có Nghệ An.

Theo Chương trình môi trường liên hiệp quốc: “SXSH là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.” Cụ thể, SXSH gồm các hoạt động chính như: Giảm chất thải tại nguồn, sử dụng nguyên liệu ít gây ô nhiễm; Tuần hoàn; tái sử dụng nguyên liệu phế thải; Cải tiến sản phẩm, thay đổi công nghệ sản xuất. Các lợi ích khi áp dụng quy trình SXSH chính là: Cải thiện hiệu suất sản xuất thông qua việc sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn, những phần bán thành phẩm có giá trị được tái sử dụng; Giúp doanh nghiệp giảm được chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước thải, khí thải góp phần giảm ô nhiễm. Môi trường làm việc tốt hơn, cải thiện sức khoẻ nghề nghiệp và an toàn cho người lao động; Doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn trong việc thực hiện hệ thống quản lý môi trường như ISO 14001, hoặc các yêu cầu của thị trường như nhãn sinh thái. Kết quả của quá trình này là các cơ hội mở rộng thị trường hiện có và phát triển thị trường mới, tạo nên hình ảnh về doanh nghiệp và sản phẩm  tốt hơn, thuận lợi hơn trong việc thực hiện các quy định của Luật môi trường.

Chương trình thuộc hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, là 1 trong 5 Hợp phần do chính phủ Đan Mạch tài trợ trong chương trình hợp tác phát triển về môi trường giữa 2 Chính phủ; bắt đầu triển khai từ năm 2005. Nghệ An tham gia chương trình tương đối sớm, từ năm 2005 thông qua Sở Công thương là cơ quan đầu mối để giới thiệu, tuyên truyển, phổ biến kiến thức và hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai áp dụng SXSH. Bắt đầu triển khai CPI trên địa bàn từ năm 2005. Qua 5 năm thực hiện, một số DN đã tích cực tham gia chương trình và để đạt được những kết quả đáng khích lệ trong quá trình sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường. Đến nay, đã có 09 doanh nghiệp tham gia dự án trình diễn và được Hợp phần CPI tư vấn hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như tài chính để thực hiện SXSH.

Công ty Cổ phần Giấy Sông Lam được thành lập năm 1976 với công suất 1.000 tấn giấy/năm. Sau một thời gian dài hoạt động sản xuất, các máy móc dần xuống cấp mặc dù công ty vẫn thường xuyên duy tu và bảo dưỡng. Sự tăng mạnh trong nhu cầu sử dụng và sự cạnh tranh trong các công ty sản xuất giấy bao bì đã thôi thúc công ty mở rộng sản xuất, cải tạo và đầu tư hệ thống sản xuất mới. Bằng nỗ lực của cán bộ công nhân viên cũng như ban lãnh đạo công ty, năm 1998, một dây chuyền sản xuất giấy Kraft với công suất 3.000 tấn/năm đã đi vào vận hành.

 

Hệ thống thu hồi xơ sợi và tái sử dụng nước hiệu quả CTCP Giấy Sông Lam

 

Năm 2008, công ty đã đưa vào khai thác dây chuyền sản xuất giấy Kraft với công suất 7.000 - 10.000 tấn/năm nâng công suất sản xuất của công ty lên 10.000 - 15.000 tấn giấy Kraft/năm. Trong quá trình sản xuất giấy, công ty đã tuần hoàn một phần nước trắng thông qua hệ thống các bể lắng nhằm tận thu xơ sợi. Nhưng nhược điểm của hệ thống lắng này là lắng cơ học đơn thuần do đó vừa tốn diện tích, hiệu suất lắng thấp và thời gian lưu xơ sợi trong bể lâu dẫn tới hôi thối và giảm chất lượng do xơ sợi bị phân hủy. Với sự hỗ trợ từ phía hợp phần, công ty đã tiến hành lắp đặt một hệ thống thu hồi xơ sợi và tái sử dụng nước hiệu quả. Nước thải từ công đoạn nghiền và sau xeo chứa nhiều xơ sợi theo các rãnh chảy tới bể gom nước nhằm điều hòa lưu lượng sau đó được bơm vào bể tuyển nổi. Hóa chất được bổ sung và được hòa trộn tại đáy bể tuyển nổi rồi hòa trộn với các bọt khí cấp trong bể tạo điều kiện cho các xơ sợi có thể kết hợp với nhau cùng với khí nổi lên trên. Phần xơ sợi nổi lên trên được tách ra khỏi hệ thống đi vào bể cặn nổi thu hồi lại xơ sợi. Phần nước trong được chuyển sang bể nước trong thu hồi quay vòng lại quá trình sản xuất. Hệ thống này đã thu hồi trên 90% lượng xơ sợi trong nước thải và đảm bảo hàm lượng xơ sợi cho phép trong nước thải ra môi trường. Lượng thu gom xơ sợi ước đạt 900 tấn/năm tương đương 1,3 tỷ đồng. Cùng với các giải pháp khác như: Làm mái che cho khu nguyên liệu đầu, mái che chứa bột sau nấu và than cũng như đầu tư hệ thống xử lý nước thải nấu không chỉ giúp công ty đảm bảo môi trường sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tiết kiệm chi phí gần 2 tỷ đồng mỗi năm. 

Năm 2008, với công suất sản xuất 80 tấn tinh bột/ngày, nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành có lượng chất thải rắn gồm vỏ sắn, mùn sắn thải ra từ khâu rửa và bóc tách vỏ lụa,... vào khoảng 4.055 tấn (chiếm khoảng 11% so với nguyên liệu đầu vào). Ngoài ra, lượng bã xơ có hàm ẩm cao (85 – 87%) chiếm khoảng 30% sắn củ tươi, tương ứng 145 tấn bã tươi/ngày, do lượng nước chứa trong bã rất lớn nên khi đóng bao lượng nước này chảy ra ngoài và lên men gây mùi rất khó chịu cũng như chảy ra các khu vực xung quanh khó kiểm soát. Khi mưa xuống, nước ngấm vào trong đống chất thải kéo theo một lượng lớn nước rỉ có hàm lượng BOD, COD rất cao ngấm xuống đất và chảy ra các khu vực xung quanh. Vì vậy giải pháp khả thi ở đây là xây dựng xưởng sản xuất phân vi sinh trên nền đất sẵn có với diện tích khoảng 3000 m2 gồm cả các máy móc thiết bị như máy xay, nghiền, trộn, đóng bao,… Sau khi đi vào hoạt động, xưởng sản suất phân vi sinh sẽ có công suất 20.000 tấn/năm cung cấp cho vùng nguyên liệu đảm bảo tính kinh tế vừa giải quyết được hiện trạng ô nhiễm môi trường. Do sản lượng sản xuất hàng ngày rất lớn nên lượng bã tươi thải ra hàng ngày của nhà máy cũng rất cao. Lượng bã sắn không tiêu thụ kịp nếu không xử lý ngay sẽ có mùi chua và gây hôi thối. Để giải quyết triệt để lượng bã tươi thải ra trong quá trình sản xuất, giải pháp xây dựng hệ thống máy vắt bã liên hoàn có kết hợp với sấy tận thu lại tinh bột, giảm hàm lượng ẩm xuống còn 12-15% để bán cho các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi đã được xây dựng với sự hỗ trợ từ phía hợp phần. Từ đầu ra bã thải của hệ thống chế biến tinh bột được đấu thẳng với hệ thống xử lý bã. Máy ép tách nước I lấy được 40-50% lượng nước có trong bã, sau đó ở máy  ép tách nước II độ ẩm chỉ còn 28-35% và bước sấy cuối cùng độ ẩm chỉ còn 13-16%. Sản phẩm thu được là dạng rời, tơi xốp, màu vàng trắng tự nhiên, có mùi thơm đặc trưng của mì. Nước thải từ công đoạn ép tách nước lần 1 và lần 2 mang theo từ 3 - 5% lượng tinh bột trong bã sắn. Lượng bột này sẽ theo dòng nước đi vào hệ thống xử lý thu hồi biogas. Với 2 giải pháp trên, nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành cơ bản đã giải quyết được tình trạng ô nhiễm trước đây. Bên cạnh đó, nguồn lợi nhuận từ bán phân vi sinh và bã khô còn đem lại cho nhà máy mỗi năm gần 3 tỷ đồng. 

Để triển khai áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, trong 5 năm qua, Sở Công thương Nghệ An đã phối hợp với nhiều chuyên gia tư vấn của Bộ Công Thương, Trường Đại học Bách khoa Hà nội, Sở TNMT triển khai nhiều cuộc tập huấn, hội thảo để giới thiệu, phổ biến kiến thức về SXSH trong công nghiệp đến các doanh nghiệp và các nhà quản lý. Cũng từ đây, hàng trăm DN đã tham gia, từ chỗ chưa hiểu về khái niệm SXSH trong công nghiệp đến nay hầu hết các DN trên địa bàn, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, kỹ thuật đã hiểu rõ lợi ích và phương pháp áp dụng SXSH để mang lại hiệu quả. Hiệu quả rõ rệt từ một số doanh nghiệp được thực hiện dự án hổ trợ cũng chính là những nhân tố điển hình để các DN khác học tập và áp dụng. Nhận thức của Doanh nghiệp, của những người làm công tác quản lý môi trường về sản xuất sạch hơn đã có những chuyển biến rõ rệt: đó là SXSH không chỉ nhằm mục đích bảo về môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Công ty TNHH Đức Phong là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm bằng tre nên nguyên liệu đầu vào chính là tre. Do Công ty không có các máy móc thiết bị cần thiết như máy chẻ có kích cỡ định hình nên lượng ruột tre bị vứt bỏ không sử dụng được tới 90% tương đương 2430 tấn. Lượng thải này hiện rất lớn và không tận dụng được mà phải thải bỏ một phần nhỏ dùng làm chất đốt bổ sung cho nhiên liệu đốt nồi hơi còn phần lớn bỏ không hoặc cho người dân làm chất đốt nên rất lãng phí. Đồng thời theo số liệu điều tra do mối, mọt gây hại trên nguyên liệu của Công ty Đức Phong cho thấy tỉ lệ hư hại là 10% tương đương mất 300 tấn tre/năm tương đương 900 triệu đồng/năm. Để các sản phẩm đa dạng về chủng loại và mẫu mã, Công ty có sử dụng các loại sơn, phẩm màu, keo cũng như lưu huỳnh để chống mối, mọt sau này. Được sự hỗ trợ từ Hợp phần CPI, Công ty đã đầu tư xây dựng phòng phun sơn cách ly. Việc đưa vào sử dụng hạng mục này đã giải quyết triệt để tình trạng quá trình sơn dung môi, sơn bay khắp nơi gây mùi sặc sụa và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của người công nhân. Phần dung môi bay ra đã được được hút và xử lý bằng hệ thống hấp phụ than hoạt tính. Đồng thời, sau khi đầu tư hệ thống máy chẻ kích cỡ đi vào hoạt động đã giải quyết triệt để lượng tre thải tại Công ty nên không còn tồn đọng tre thải nữa và mối, mọt không xâm nhập, gây bụi phát tán bên trong khu vực sản xuất gây ảnh hưởng đến sức khoẻ công nhân và các khu vực lân cận -Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho biết.

Để chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được tiếp tục triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 26 ngày 27/10/2009 về việc áp dụng SXSH tại các DN và ban hành “Kế hoạch hành động áp dụng SXSH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 – 2013” theo Quyết định số 5552 ngày 27/10/2007. Điều này thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan quản lý trong việc chỉ đạo áp dụng SXSH vào sản xuất, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường. Và về phía doanh nghiệp, từ nay việc triển khai áp dụng SXSH trong sản xuất vừa là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp vì một môi trường xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn.

Qua 05 năm triển khai thực hiện, việc áp dụng SXSH trong sản xuất công nghiệp, Nghệ An đã có những kết quả đáng ghi nhận. Chương trình hỗ trợ của dự án CPI sẽ kết thúc vào giữa năm 2011, với các doanh nghiệp đã được dự án tư vấn và hỗ trợ trong thời gian qua, ngoài việc tiếp tục duy trì áp dụng SXSH trong sản xuất thì cần có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan nhân rộng mô hình áp dụng để các DN trên địa bàn có thể học hỏi kinh nghiệm và áp dụng với mục tiêu trong những năm tới đây, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp về SXSH vì sự phồn thịnh của chính bản thân các doanh nghiệp cũng như vì một môi trường phát triển sản xuất bền vững.

(Xuân Hướng)