Hiệu quả của việc ứng dụng thiết bị KHCN vào sản xuất ngói Cừa
Đường vào làng nghề ngói Cừa
|
Tân Kỳ là một trong những huyện miền núi Nghệ An có nhiều tài nguyên, khoáng sản, trong đó chủ yếu là nguyên liệu đất sét dùng để sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói. Với lợi thế thuận lợi đó nên trong những năm qua, đã có nhiều tổ chức, cá nhân của huyện tham gia sản xuất gạch ngói tại nhiều xã như: Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn, Tân Long... với trên 170 lò ngói, mỗi năm sản xuất hơn 60 triệu viên bán ra thị trường.
Làng nghề sản xuất ngói Nghĩa Hoàn được cấp bằng công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp năm 2005 theo Quyết định số 956/QĐ-UBND.CN của UBND tỉnh Nghệ An. Nằm tại trung tâm xã, trên trục đường 545 (Tân Kỳ - Nghĩa Đàn), lại có vùng nguyên liệu đất sét dọc bờ Sông Con với chất lượng đất tốt nhất Nghệ An và nhiều ưu điểm nổi bật hơn chất đất ở những địa phương khác trên cả nước như đất không bị nhiễm mặn, độ keo dính trong đất cao nên dễ tạo độ bóng đẹp và bền cho sản phẩm nên hàng năm, làng nghề ngói Nghĩa Hoàn sản xuất được hơn 50 triệu viên ngói, 30 triệu viên gạch, với tổng thu nhập xấp xỉ 60 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 2 tỷ đồng. Đồng thời, sản phẩm ngói Cừa cũng đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa theo QĐ số 4068/QĐ-SHTT do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 10/4/2007.
Tuy nhiên, do sử dụng phần lớn là các lò thủ công nên nhiều khâu trong quy trình sản xuất tại làng nghề ngói Nghĩa Hoàn chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến chất lượng viên ngói khi ra lò không cao. Như trong công đoạn ủ đất, do không theo đúng quy trình nên nguyên liệu sản xuất ngói chưa được lọc hết sạn, sỏi và không đạt độ tơi, dẻo, độ mịn như ý muốn. Hay việc sử dụng máy dập thủ công dẫn đến độ nén của viên ngói không đạt tối đa, dễ xảy ra tình trạng co ngót, cong vênh, thậm chí bị nứt sau khi nung. Bên cạnh đó, năng suất lao động tại làng nghề cũng đạt thấp khi phải vận chuyển thủ công bằng sức người... Những hạn chế của quy trình sản xuất ngói theo công nghệ cũ trên đã khiến giá thành của sản phẩm ngói Nghĩa Hoàn thấp hơn nhiều so với một số loại ngói khác trên thị trường như: ngói Giếng Đáy - Quảng Ninh, ngói Phú Phong - Bình Định, ngói Đồng Nai… Vì vậy, làm thế nào để tận dụng được những ưu thế của vùng nguyên liệu địa phương sẵn có, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của ngói Cừa với các sản phẩm ngói khác trên thị trường trong, ngoài nước đã được Sở KH-CN và HTX làng nghề hết sức quan tâm.
Trước thực tế đó, năm 2008, dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng TBKHCN sản xuất ngói chất lượng cao tại làng nghề Nghĩa Hoàn - Tân Kỳ” đã được triển khai thực hiện với mục tiêu giúp Hợp tác xã tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới, từ đó tổ chức sản xuất thử các loại sản phẩm ngói chất lượng cao với công suất 3 vạn viên/lò theo quy trình công nghệ - kỹ thuật tiên tiến từ khâu ủ đất nguyên liệu cho đến khâu phối trộn than, tạo hình, phơi và sấy nung sản phẩm. Đây cũng là bước đi phù hợp với chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh về việc xóa bỏ lò đốt bằng thủ công, chuyển sang sản xuất gạch ngói đốt bằng lò Tuynel, góp phần sử dụng hiệu quả sức lao động nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân làng nghề và người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Một cơ sở sản xuất thuộc HTX làng nghề ngói Cừa |
Thông qua đánh giá về hiện trạng sản xuất ngói trên địa bàn huyện Tân Kỳ, dự án đã thiết kế xây dựng các hạng mục công trình liên quan như nhà xưởng, lò cải tiến, máy móc trang thiết bị và chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất ngói chất lượng cao cho HTX làng nghề Nghĩa Hoàn bao gồm: công nghệ ủ đất và gia công nguyên liệu; công nghệ phối trộn than vào nguyên liệu đất; công nghệ tạo hình sản phẩm; công nghệ phơi sản phẩm; công nghệ sấy nung sản phẩm; công nghệ ra lò và sắp xếp sản phẩm.
Theo đó, đất sét sau khi khai thác từ vùng nguyên liệu, được tập kết trong kho chứa để ngâm ủ, phong hoá trong khoảng từ 3-5 tháng. Quá trình ngâm ủ thường xuyên tưới nước thích hợp để tăng tính dẻo, đồng nhất độ ẩm cho các hạt sét, đồng thời phân huỷ các tạp chất hữu cơ, làm tăng chất lượng của đất, có khả năng chủ động nguyên liệu sản xuất trong những ngày mưa. Khi nguyên liệu đạt độ phong hoá nhất định sẽ được đưa vào kho có mái che, rồi đưa vào cấp liệu thùng, qua hệ thống cắt thái để đất được thái nhỏ, là tơi và rơi xuống băng tải cao su trũng số 1. Từ đây, sau khi được ép phá vỡ cấu trúc ban đầu, đất được đưa vào máy cán thô và xuống máy nhào trộn 2 trục có lưới lọc để giữ lại tạp chất như cỏ rác, sỏi, sạn...
Cùng với việc nghiền đất thì việc pha than được tiến hành song song. Than cám được nghiền mịn cỡ 0.8mm, được máy pha than tự động rải đều vào máy nhào trộn với đất tạo thành phối liệu. Sau khi pha than, phối liệu được đưa sang máy cán mịn bằng băng tải cao su số 2 với khe hở giữa hai quả cán nhỏ hơn 3mm để được phá vỡ cấu trúc lần nữa, sau đó chuyển sang máy nhào đùn liên hợp có hút chân không bằng băng tải số 3. Nhờ hệ thống bơm chân không, không khí được hút ra khỏi phế liệu làm tăng độ rắn chắc của nguyên liệu mộc, tạo ra cường độ ban đầu nhất định, tránh không bị biến dạng trong quá trình vận chuyển đem đi phơi.
Nguyên liệu từ máy đùn liên hợp được phân phối đến các chủ lò để thực hiện tạo hình theo khuôn mẫu của viên ngói trên máy dập thủ công. Do được vận hành qua hệ thống máy cắt tự động nên sản phẩm tạo ra có tạo hình đúng như theo kích thước, hình dáng đã định. Sản phẩm ngói hoàn chỉnh được vận chuyển đến nhà phơi bằng xe cải tiến, thao tác nhẹ nhàng và đặt phơi khô tự nhiên theo quy định trên các dãy dàn phơi trong nhà, sau đó được đưa vào sấy, nung tại lò cải tiến. Lò cải tiến được được thiết kế đặc biệt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nhiệt tối đa, giảm thời gian sấy hoả, tiết kiệm 1/3 nguyên liệu chất đốt mà vẫn đảm bảo nhiệt độ quy định.
Sau 2 năm áp dụng thành công quy trình sản xuất mới tại làng nghề Ngói Cừa đã cho thấy hiệu quả sản xuất lớn mà công nghệ sản xuất ngói chất lượng cao mang lại. Những nhược điểm của công nghệ cũ được khắc phục, tạo ra sản phẩm ngói bền, đẹp, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, giá bán tăng cao gấp 2-2,5 lần, đồng thời hạ giá thành sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn việc sản xuất bằng lò thủ công.
Trong quá trình thực hiện dự án, HTX cũng đã tiến hành tổ chức đốt thử 3 lần với tổng số gạch mộc sản xuất được là 108 ngàn viên, nung thành công và cho ra lò 103.320 viên (số gạch đạt loại A là 96,3%, gạch đạt loại B là 3,7%). Tính riêng trong đợt 3, số gạch đạt loại A chiếm 97-98%. So với sản xuất gạch bằng công nghệ cũ thì lò cải tiến cho tỷ lệ gạch loại A cao hơn từ 3-6%. Bên cạnh đó, thời gian đốt trong lò cải tiến chỉ 13 giờ trong khi lò thủ công cũ là 20-22 giờ, dẫn đến tiết kiệm được nhiên liệu cung cấp cho quả trình sản xuất ngói. Tính riêng giai đoạn sản xuất thử, lãi ròng thu được từ 10 vạn viên ngói được sản xuất theo công nghệ mới cao hơn sản xuất theo công nghệ cũ tới hơn 47 tỷ đồng.
Dự án không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mang lại hiệu quả xã hội lớn đó là quy trình công nghệ mới đã tiết kiệm và tận thu triệt để nguyên nhiên vật liệu, năng lượng, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh hàng hoá trên thị trường. Thông qua dự án, trình độ nhận thức về KHCN của người lao động cũng được chuyển biến rõ rệt; thu nhập cho người lao động được cải thiện, góp phần đưa nền kinh tế địa phương phát triển. Ứng dụng công nghệ mới còn giảm được nguyên liệu như củi, than góp phần tích cực trong việc giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ rừng. Mô hình sản xuất ngói chất lượng cao ở HTX làng nghề Tân Kỳ sẽ là điểm để các doanh nghiệp sản xuất ngói trong và ngoài địa bàn học tập, áp dụng.
Không chỉ mang lại hiệu quả cao về kinh tế, mà sản xuất ngói theo công nghệ tiên tiến đã đưa thương hiệu Ngói Cừa lên ngang tầm với những sản phẩm khác. Ngói Cừa trở thành niềm tin của nhiều công trình, nhiều gia đình trong và ngoài tỉnh.
Có thể nói, với ưu thế tuyệt đối về chất đất nguyên liệu, HTX làng nghề ngói Cừa đã và đang dần khẳng định được thương hiệu của mình. Nghề sản xuất ngói đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính, đưa nền kinh tế địa phương phát triển mạnh trong những năm gần đây. Hàng năm thu nhập từ nghề làm ngói đã chiếm tới 60% thu nhập bình quân toàn xã. Bộ mặt nông thôn Nghĩa Hoàn đã đổi thay từng ngày. Những con đường những công trình đẹp đẽ khang trang mọc lên san sát. Và điều đặc biệt nhất là trên tất cả những ngôi nhà ấy, người dân đều sử dụng ngói cừa - một sản phẩm truyền thống từ làng nghề quê hương.
Song để đổi mới hoàn toàn công nghệ sản xuất ngói, góp phần đưa thương hiệu Ngói Cừa trở thành một trong những thương hiệu ngói truyền thống hàng đầu Việt Nam không chỉ cần sự nhanh nhạy của các thành viên HTX làng nghề mà cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp và Liên Minh HTX Nghệ An để HTX làng nghề và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đổi mới toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất ngói thủ công bằng dây chuyền công nghệ cao từ lò Tuynel. Như vậy mới có thể đa dạng hoá các loại sản phẩm với nhiều mẫu mã chủng loại khác nhau và chất lượng ngói được đảm bảo để dễ dàng cạnh tranh với những sản phẩm gạch ngói khác. Và có lẽ điều quan trọng nhất dẫn đến sự thành công trong việc đưa sản phẩm ngói Cừa quê hương vươn xa trên khắp các địa bàn trong và ngoài nước là thực hiện thành công câu khẩu hiệu: “Không nên làm nhiều sản phẩm để bán, mà nên làm thế nào để bán được nhiều sản phẩm”.
(Khánh Ly)