Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, một cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện với sự tham gia của 1.545 người Canada trong thời gian từ ngày 8-10/10 cho thấy phần lớn người dân nước này có quan điểm khá thận trọng khi sử dụng Facebook - "người khổng lồ" trong lĩnh vực truyền thông xã hội.
Đại đa số cho rằng Facebook khuếch tán ngôn từ kích động thù địch, lan truyền tin giả, làm tổn hại sức khỏe tâm thần của cá nhân và gây rủi ro cho trẻ em cũng như thanh thiếu niên.
Đa số người dân Canada cho rằng Facebook khuếch tán ngôn từ kích động thù địch, lan truyền tin giả. (Ảnh: Getty Images) |
Tuy nhiên, có tới hơn 75% số người tham gia khảo sát tin rằng mạng xã hội này giúp họ kết nối với những người thân yêu của mình và hơn 50% nói rằng đó là kênh hiệu quả để chia sẻ thông tin.
Phó Chủ tịch điều hành công ty nghiên cứu thị trường-thăm dò dư luận Leger, ông Christian Bourque nhận định người dân Canada vẫn đang phụ thuộc vào Facebook, nhưng không quá yêu thích nền tảng này. Ông nhấn mạnh "Facebook thực sự có vấn đề về hình ảnh doanh nghiệp."
Tuần trước, người tố giác Facebook, Frances Haugen, đã làm chứng trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ rằng các sản phẩm của tập đoàn gây hại cho trẻ em và kích động tình trạng phân cực tại Mỹ.
Lời tố cáo này đã chồng chất thêm gánh nặng đối với một tập đoàn đang bị chao đảo vì những lo ngại về ngôn từ kích động thù hận, sự phổ biến của thuyết âm mưu và vụ bê bối khai thác dữ liệu Cambridge Analytica vào năm 2018.
Facebook Canada tuyên bố công ty tiếp tục đầu tư xử lý những thông tin sai lệch và nội dung có hại. Theo công ty này, người dân Canada tìm đến với Facebook để kết nối với những người thân yêu, phát triển doanh nghiệp và chia sẻ những điều quan trọng với họ.
Nền tảng này cũng đã cấm một số tổ chức gây thù hận ở Canada và thiết lập quan hệ đối tác với một trung tâm thuộc Đại học Công nghệ Ontario nhằm thúc đẩy nghiên cứu về sự lan truyền của những nhân tố gây thù hận, thành kiến và chủ nghĩa cực đoan trên không gian mạng.
Với khoảng 2,9 tỷ người dùng hoạt động hằng tháng, Facebook cũng sở hữu các ứng dụng di động Messenger, Instagram và WhatsApp, mỗi ứng dụng có ít nhất 1,3 tỷ người dùng.
Trong chiến dịch tranh cử liên bang vào tháng trước, đảng Tự do đã cam kết ban hành luật trong vòng 100 ngày kể từ khi nội các mới tuyên thệ nhậm chức (dự kiến trong tháng 10/2021) để xử lý những phát ngôn gây thù hận và nội dung kích động bạo lực trên không gian mạng.
Lời hứa này được công bố sau khi chính phủ đảng Tự do đưa ra một dự luật vào tháng 11/2020 nhằm "điều chỉnh" Facebook, YouTube và các nền tảng khác, nhưng dự luật này đã "chết yểu" tại Thượng viện sau khi cuộc bầu cử được kích hoạt.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin