Khoa học công nghệ

Tiểu hành tinh dài 50m có khả năng đâm vào Trái Đất

17:15, 28/03/2023
Theo cảnh báo của NASA, tiểu hành tinh 2023 DW dài 50 m có thể đâm vào Trái Đất vào tháng 2/2046.

LiveScience dẫn thông báo của NASA đầu tháng 3 cho biết một tiểu hành tinh mới phát hiện mang tên 2023 DW có thể bay cực gần Trái Đất hôm 14/2/2046. Khả năng thiên thạch này đâm trực tiếp vào hành tinh là 1/600.

Tuy 1/600 là mức nguy cơ cao hơn trung bình đối với tiểu hành tinh gần Trái Đất nhưng khả năng va chạm vẫn rất nhỏ. Dự kiến nguy cơ rủi ro sẽ giảm khi có những quan sát rõ hơn về tiểu hành tinh 2023 DW.

Tiểu hành tinh trên được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 27/2/2023 và đặt tên là "2023 DW". Nó có đường kính khoảng 50m hoặc gần bằng chiều dài của một bể bơi tiêu chuẩn Olympic. 

Vị trí giữa tiểu hành tinh 2023 DW và Trái Đất tính đến ngày 9/3. (Ảnh: NASA)
Vị trí giữa tiểu hành tinh 2023 DW và Trái Đất tính đến ngày 9/3. (Ảnh: NASA)

Theo Văn phòng điều phối phòng thủ hành tinh của NASA, từ 8/3 đến nay, khả năng va chạm trực tiếp giữa 2023 DW và Trái Đất giảm xuống từ 1/625 còn 1/1.584. Điều này có nghĩa đến 99,87% nó bay qua Trái Đất mà không xảy ra va chạm.

"Thông thường khi vật thể mới được phát hiện lần đầu tiên, cần vài tuần xử lý dữ liệu để giảm sự không chắc chắn và dự đoán quỹ đạo của chúng trong tương lai. Các nhà phân tích quỹ đạo sẽ tiếp tục theo dõi tiểu hành tinh 2023 DW và cập nhật dự đoán khi có thêm dữ liệu", NASA cho biết.

Va chạm trực tiếp với thiên thạch như vậy không gây ra thiệt hại lớn nhưng tiểu hành tinh 12 km từng khiến khủng long tuyệt chủng, đâm vào Trái Đất cách đây 66 triệu năm. Tuy nhiên, 2023 DW vẫn có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng nếu rơi gần thành phố lớn hoặc khu dân cư đông đúc.

Một thiên thạch nhỏ hơn một nửa so với 2023 DW phát nổ phía trên Chelyabinsk, Nga, vào năm 2013, tạo ra sóng xung kích phá hủy hàng nghìn tòa nhà và khiến 1.500 người bị thương.

Dù va chạm với 2023 DW ít có khả năng xảy ra, các nhà khoa học đang nhanh chóng phát triển phương pháp bảo vệ Trái Đất khỏi tiểu hành tinh nguy hiểm.

Trước đó, một nhóm nhà khoa học NASA công bố 4 nghiên cứu xác nhận nhiệm vụ Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) thay đổi thành công đường bay của một tiểu hành tinh nhỏ sau khi tàu vũ trụ đâm trực tiếp vào nó. Các nhiệm vụ nối tiếp đang diễn ra hiện nay sẽ tìm cách tăng tính hiệu quả của kỹ thuật phòng thủ hành tinh này.

NASA đang theo dõi các vị trí và quỹ đạo của khoảng 28.000 tiểu hành tinh có quỹ đạo bay gần Trái Đất, toàn bộ quá trình này được thực hiện bởi Hệ thống cảnh báo cuối cùng về tác động trên mặt đất (ATLAS) - hệ thống với bốn kính viễn vọng có khả năng thực hiện quét toàn bộ bầu trời đêm một lần mỗi 24 giờ.

NASA cho biết bất kỳ vật thể không gian nào đến có quỹ đạo bay trong phạm vi 193 triệu km với Trái Đất là "vật thể gần Trái Đất" và phân loại bất kỳ vật thể lớn nào trong phạm vi 7,5 triệu km của hành tinh chúng ta là "có khả năng gây nguy hiểm". "

Về cơ bản NASA đã ước tính quỹ đạo của tất cả các vật thể gần Trái Đất đến hết thế kỷ này, do đó hành tinh của chúng ta sẽ không gặp nguy hiểm nào từ vụ va chạm tiểu hành tinh trong ít nhất 100 năm tới.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện