Ngày 18/4, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế công bố ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống COVID-19.
Bluezone là ứng dụng mới hỗ trợ người dân và cơ quan chức năng phòng, chống, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh dựa trên công nghệ định vị Bluetooth (BLE) các tính năng đột phá. Các smartphone được cài đặt ứng dụng Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu.
Nếu có F0, cơ quan y tế có thẩm quyền nhập dữ liệu F0 vào hệ thống. Hệ thống sẽ gửi dữ liệu F0 đến tất cả các smartphone trong cộng đồng Bluezone. Khi đó, lịch sử tiếp xúc với F0 sẽ được Bluezone trên máy phân tích, so sánh. Nếu có sự trùng khớp, ứng dụng sẽ lập tức cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp. Bluezone cũng có thể giúp cảnh báo người thuộc nhóm F2 (tiếp xúc gần với F1). Điều này giúp kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của virus. Cơ quan chức năng có thể phản ứng nhanh, chính xác và kịp thời với tình hình trong khi người dân yên tâm với cuộc sống sinh hoạt bình thường, loạt bỏ tâm lý e ngại, hoang mang không cần thiết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi khai trương tại điểm cầu Bộ TT&TT |
Ứng dụng cũng tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân. Thông tin chỉ được lưu giữ trong điện thoại của người dân, được mã hoá bảo vệ. Mã nguồn ứng dụng sẽ được công bố dưới dạng nguồn mở để tạo sự minh bạch đối với xã hội.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ý tưởng này ở Việt Nam được hình thành từ sớm. Nhóm Memozone ở TP.HCM đưa ra ý tưởng dùng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (BLE) gần như cùng lúc với nhiều nước trên thế giới.
Sản phẩm ra mắt là tập hợp được trí tuệ từ nhiều nhóm phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gồm: Memozone, VNPT, MobiFone và BKAV.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam không phải quốc gia đầu tiên giới thiệu giải pháp này, nhưng phần mềm Việt Nam đã giải quyết được cơ bản các trường hợp bỏ sót hoặc chưa hoạt động tối ưu mà một số phần mềm tương tự trước đây mắc phải.
Đơn vị phát triển sản phẩm cũng chia sẻ, nguyên tắc của ứng dụng Bluezone là bảo mật, ẩn danh và minh bạch. Ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên điện thoại của người dùng, không chuyển lên hệ thống cũng như không thu thập vị trí của người dùng.
Mọi người tham gia cộng đồng Bluezone đểu ẩn danh với những người khác. Chỉ cơ quan y tế có thẩm quyền mới biết những người nhiễm và người nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19.
Trang chủ ứng dụng Bluezone (Ảnh chụp màn hình) |
Bộ Y tế và Bộ TT&TT khuyến khích mọi người dân sử dụng Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ người thân và những người xung quanh mình, bảo vệ cộng đồng, chung tay chống dịch.
Trong một vài ngày tới, sau khi App Store và Google Play đưa Bluezone lên hệ thống của mình, người sử dụng có thể cài đặt ứng dụng này.
Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa cũng được ra mắt trong hôm nay. Nền tảng do Viettel phát triển đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa theo quy định của Bộ Y tế ban hành, gồm: Tư vấn y tế từ xa; hội chẩn tư vấn khám chữa bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo chuyển giao kỹ thuật KCB từ xa.
Nền tảng giúp triển khai đồng loạt hệ thống khám chữa bện từ xa tại hàng ngàn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu, vì vậy, hết sức có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đối số trong lĩnh vực y tế.
Các bệnh viện khi triển khai thêm kênh khám chữa bện từ xa sẽ giúp giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm bệnh nhân dồn về tuyến trên, giúp xã hội và ngành y tế tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Người dân ở bất kỳ đâu cũng được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất.
Khi phổ cập công nghệ 5G tại Việt Nam với khả năng kết nối vạn vật và xử lý thời gian thực, nền tảng sẽ còn phát triển khả năng phẫu thuật từ xa. Bác sĩ giỏi nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân ở tại Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin