Hướng đi mới từ trồng dâu nuôi tằm trên đất bãi sông Lam
Trong quá trình chuyển đổi cây trồng, nông dân ở nhiều xã dọc sông Lam, huyện Thanh Chương đã mạnh dạn chuyển đổi một số diên tích ngô, mía kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Mô hình phát triển kinh tế này giúp nhiều hộ thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.
Hai mươi năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Minh ở xóm 11, xã Thanh Tiên đã mạnh dạn đấu thầu 3 sào đất bãi ở ngay trước cửa nhà để trồng dâu, nuôi tằm. Nhờ có kinh nghiệm trong nghề nên dù “Nuôi tằm ăn cơm đứng” có vất vả, mỗi tháng gia đình bà vẫn có một lứa tằm thu về khoảng 2,5 triệu đồng, góp phần nâng cao đời sống.
Người nuôi tằm trồng dâu trên đất bãi để chủ động nguồn nguyên liệu. |
Bà Minh vui vẻ cho biết: “Khi nuôi tằm, nếu chịu khó tuân thủ các nguyên tắc, tỷ lệ thành công cao. Hiện nay mỗi kg kén dao động từ 110.000 – 120.000 đồng/1kg, người thu mua kén tìm đến tận nơi, không phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm”.
Từ hiệu quả mô hình trồng dâu nuôi tằm của hộ bà Nguyễn Thị Minh, nhiều hộ trong thôn đã đến học tập kinh nghiệm. |
Kén tằm được các cơ sở đến tận nơi thu mua, giá cả luôn ổn định. |
Từ kết quả của hộ gia đình chị Minh, hiện tại, nhiều người dân ở thôn 11 và các thôn 9, 12 của xã Thanh Tiên cũng đã đầu tư nuôi tằm với số lượng khoảng 50 hộ nuôi thường xuyên. Theo người nuôi tằm cho biết, họ được một số cơ sở ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương bán giống và thu mua kén. Ngoài các cơ sở này còn có cơ sở dâu - tằm - tơ ở xã Thanh Giang cũng tham gia thu mua. Nhờ có sự cạnh tranh nên người nuôi tằm không lo đầu ra và giá cả luôn ổn định. Bình quân mỗi năm mỗi hộ nuôi 8 - 9 lứa tằm, mỗi lứa 25 ngày, bình quân mỗi lứa thu khoảng 2 triệu đồng/hộ.
Cùng với xã Thanh tiên hiện nay phong trào trồng dâu nuôi tằm cũng đã lan rộng ra nhiều xã có diện tích đất bãi. Ở thôn Lĩnh Thủy, xã Thanh Lĩnh việc trồng dâu nuôi tằm đã được hội phụ nữ đưa vào chương trình hành động và đứng ra làm trung gian để cung ứng giống, bán sản phẩm, tư vấn kỹ thuật cho chị em hội viên. Nhờ hoạt động có tổ chức, phát giống và thu mua sản phẩm cùng thời điểm nên đã hình thành được sự liên kết thuận lợi cho chị em.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm trên đất bãi sông Lam được các thôn nhân rộng, khuyến khích người dân tham gia. |
Chị Nguyễn Thị Viên - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Lĩnh Thuỷ cho biết: “Cây dâu dễ trồng, ít sâu bệnh, sản phẩm tằm cho thu nhập tốt. Hiện toàn thôn đã có 30 chị tham gia. Trong thời gian tới, chi hội sẽ tiếp tục vận động hội viên, nhân dân mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm, đồng thời nhân thêm các mô hình để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và từng bước làm giàu”.
Dù còn khiêm tốn nhưng có thể thấy thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm cao hơn so với trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, đậu… trong khi chi phí sản xuất cho nghề này lại thấp, vốn đầu tư ban đầu không cao. Thêm vào đó, tằm dễ nuôi, thời gian quay vòng vốn nhanh, do vậy hiệu quả kinh tế cao hơn so với các ngành nghề nông nghiệp khác. Đây cũng là một hướng làm mới, đang được nhiều xã nghiên cứu học hỏi để áp dụng./.
Đình Hà – Đài TTTH Thanh Chương