Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An thiếu hụt nguồn nhân lực bảo vệ rừng

20:30, 13/05/2018

Theo Nghị định 119/2006 và Quyết định 17/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về hoạt động kiểm lâm, quy chế quản lý rừng phòng hộ, hiện Nghệ An đang thiếu khoảng 550 người để bảo vệ rừng. Thực tế này đang gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ rừng trên địa bàn.

Quản lý 86.000ha rừng, nhưng Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương chỉ có 45 cán bộ, lao động. Ban có 9 trạm, nhưng mỗi trạm chỉ có 2 người tham gia trực tiếp bảo vệ rừng. Lực lượng này quá mỏng so với diện tích rừng cần được giao quản lý, bảo vệ.

Ông Ngũ Văn Trị - Trưởng ban quản lý bảo vệ rừng Tương Dương chia sẻ thêm: “Đơn vị cũng đã đề xuất với Sở cho bổ sung ít nhất mỗi trạm 4 người, có nghĩa là hiện cũng tôi thiếu khoảng 10 người nữa. Bởi mỗi lần đi rừng phải mất 2 -3 ngày mới về được nên người đi phải có người trực trạm. Chúng tôi mong cấp trên quan tâm tạo điều kiện”.

Ở một số đơn vị diện tích rừng lớn nhưng lực lượng mỏng gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng.
Ở một số đơn vị diện tích rừng lớn nhưng lực lượng mỏng gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng.

Cũng có hoàn cảnh tương tự, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt quản lý 85.000ha rừng với 65 cán bộ. Nếu theo quy định của chính phủ thì đơn vị đang thiếu khoảng 12 người tham gia bảo vệ rừng.

Chia sẻ những khó khăn khi lực lượng mỏng, ông Nguyễn Văn Sinh – Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết: “Diện tích rừng rộng, số lượng người thiếu nên chúng tôi rất khó khăn trong công tác bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách cũng khiến lượng lượng này gặp rất nhiều khó khăn”.

a
Công việc vất vả nhưng thu nhập thấp, chế độ chính sách bất cập.

Nếu theo Nghị định 119 năm 2006 về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm, cứ 1.000ha rừng/1 kiểm lâm viên; Quyết định 17/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý rừng phòng hộ quy định 700ha rừng có 1 biên chế, thì hiện toàn tỉnh đang thiếu khoảng 550 người.

Ông Nguyễn Trọng Độ - Trưởng trạm Bảo vệ rừng Cao Vều, Ban quản lý rừng phòng hộ Anh Sơn chia sẻ: “Bản thân chúng tôi rất trăn trở vì hiện nay tình trạng phá rừng đang có chiều hướng gia tăng, nhưng lực lượng quá mỏng, các chế độ chưa kịp thời, lương không đúng thời hạn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ rừng”.

Một thực tế hiện nay đó là tình trạng bảo vệ rừng chuyên trách xin nghỉ việc đang gia tăng. Chỉ riêng ban quản lý rừng phòng hộ huyện Anh Sơn trong thời gian qua đã có gần 10 cán bộ xin nghỉ việc. Nguyên nhân chính là do chế độ lương không kịp thời. Bởi vậy hiện nay các trạm bảo vệ của ban quản lý rừng phòng hộ Anh Sơn chỉ còn lại ít người và phần lớn đã cao tuổi.

a
Nguồn nhân lực bảo vệ rừng đang bị già hóa do những bất cập trong chế độ, chính sách.

Trao đổi về vấn đề này, ông Chu Trọng Lưu – Cán bộ bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Anh Sơn cho biết: “Vừa rồi có một loạt đồng chí bỏ việc là do bất cập chế độ tiền lương. Thu nhập thấp, công việc vất vả nên những người trẻ tuổi không xác định gắn bó với công việc này. Như chúng tôi đây gần như cả đời gắn bó với công việc này rồi, chỉ còn ít năm nữa là về hưu nên phải cố gắng”.

Những bất cập này Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã biết từ lâu, nhưng vẫn chưa có cách để giải quyết do cơ chế chính sách về lâm nghiệp. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh hiện vừa thiếu vừa phập phù, thiếu tính chuyên nghiệp trong công tác phân bổ tài chính. Hiện một số đơn vị xảy ra tình trạng cán bộ bỏ việc để tìm việc khác là điều chúng tôi đoán trước và cảnh báo cách đây 3 năm”.

Do áp lực về biên chế nên các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chủ yếu là hợp đồng 2B (hợp đồng không xác định thời hạn) để bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do nguồn lực thiếu nên các đơn vị đều gặp khó khăn. Từ đầu năm đến nay, cán bộ lao động nhiều ban quản lý bảo vệ rừng chưa có lương. Kinh phí để đảm bảo công tác bảo vệ rừng mỗi năm toàn tỉnh phải có khoảng 200 tỷ đồng, nhưng năm 2017 chỉ được cấp khoảng 28 tỷ và đầu năm 2018 được cấp 50 tỷ.

Ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm: “Nếu chúng ta không khắc phục được thực trạng này sẽ rất khó bảo vệ rừng bền vững. Bởi lực lượng bảo vệ rừng đóng vai trò nòng cốt của các chủ rừng, còn lực lượng kiểm lâm thực thi thi hành pháp luật chứ họ không bám rừng. Vì vậy cần phải có sự quyết liệt trong sửa đổi chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng”.

Nghệ An là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn trong cả nước. Việc thiếu hụt lực lượng bảo vệ rừng gây khó khăn cho công tác bảo
Nghệ An là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn trong cả nước. Việc thiếu hụt lực lượng bảo vệ rừng gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng.

Thiếu nguồn lực nhân lực, thiếu kinh phí hoạt động, nếu không sớm điều chỉnh cơ chế, chính sách bảo vệ rừng hợp lý thì lĩnh vực này thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn./.

Sỹ Đức – Ngọc Mai – Hữu Song