Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Người phủ màu xanh nơi vùng đất hoang

17:23, 23/05/2018

 Đã hơn 8 năm nay, gia đình ông Lô Văn Sinh ở bản Thanh Sơn xã Châu Nga huyện Quỳ Châu rời nhà vào tận khe Lâu lập nghiệp. Tận dụng ưu thế địa hình đồi núi ở đây, gia đình ông đã phát triển kinh tế vườn rừng, kết hợp với trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất. Dưới bàn tay khối óc của ông, từ vùng đất hoang hóa năm nào một trang trại trù phú đã dần thành hình hài.

 

Trước đây, gia đình ông Lô Văn Sinh có hoàn cảnh rất khó khăn, vì vậy vợ chồng ông bàn với nhau quyết tâm vào khe Lâu, bản Thanh Sơn, xã Châu Nga lập nghiệp. Bắt tay vào trồng rừng với không ít khó khăn, không chịu lùi bước, ngày ngày, vợ chồng ông đào hố, gùi cây, chăm bón cho từng gốc keo.

Cần mẫn với rừng, 30 ha keo của gia đình ông Lô Văn Sinh phát triển tốt
 Ông Lô Văn Sinh chăm sóc cho rừng keo của gia đình

Đất chẳng phụ công người, rừng keo đã đánh bật cỏ dại, lau lách nơi vùng đất hoang, vươn lên xanh tốt. Sau nhiều năm lặn lội với rừng, đến nay, gia đình ông có 30ha rừng keo có độ tuổi từ 1-6 năm tuổi. Bình quân mỗi năm cứ 5ha keo lại cho thu hoạch, cứ như thế luân phiên quay vòng cả 30ha keo.

Màu xanh của rừng keo đã phủ kín vùng đất hoang hóa năm nào
Dưới bàn tay cần mẫn của ông, màu xanh của rừng keo đã phủ kín vùng đất hoang hóa năm nào

“Gia đình tôi hiện nay có 30 ha keo, cứ 6 năm keo lại cho khai thác một lần, mỗi năm gia đình tôi  khai thác 1 lần, 1 lần 5ha, mỗi năm cũng có thu nhập 150 triệu đồng từ trồng rừng. Nói chung gia đình tôi trước đây khó khăn lắm, vô đây trồng rừng cũng đã được 7-8 năm nay, bây giờ nhờ trồng rừng kinh tế cũng đã khấm khá hơn”- Ông Lô Văn Sinh chia sẻ.

 

Bao nhiêu vốn liếng ông dốc ra đào ao thả cá trên núi
Bao nhiêu vốn liếng ông mạnh dạn dốc ra đào ao trên núi để nuôi thả cá


Cùng với trồng rừng, tận dụng diện tích vùng khe có sẵn nguồn nước tưới, hai vợ chồng ông Sinh đào ao thả cá. Có những lần, sắp đến kỳ thu hoạch cá, lại bị lũ lụt quét trôi hết. Bao nhiêu vốn liếng dồn vào ao cá mất sạch, tưởng chừng như trắng tay sẽ làm ông bỏ cuộc. Nhưng với ý chí, sự kiên trì, vợ chồng ông lại bắt tay làm lại từ đầu, thuê máy, vét bùn, cải tạo ao, mua cá giống về thả. Đến này, số diện tích ao cá của gia đình ông đủ cung cấp thực phẩm cho bà con trong vùng.

Tham quan mô hình trang trại VACR của gia đình ông Lô Văn Sinh
Tham quan mô hình trang trại VACR của gia đình ông Lô Văn Sinh


 Rồi ông lại cùng vợ con khai hoang, phục hóa cải tạo chuyển đổi toàn bộ diện tích đất hoang sang trồng mía, trồng ngô...và các loại nông sản để phục vụ chăn nuôi cá, lợn, dê. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, từ trồng rừng kết hợp trồng trọt, chăn nuôi đã mang lại cho gia đình ông thu nhập từ 180-200 triệu đồng/năm.

.

Mô hình trồng ngô xen canh của gia đình ông rất phát huy hiệu quả trên vùng đồi núi này
Mô hình trồng mía xen canh ngô của gia đình ông rất phát huy hiệu quả trên vùng đồi núi này


Lúc đầu trang trại của gia đình ông Sinh chưa thành mô hình đâu, nhưng sau có sự cố gắng nỗ lực của hai vợ chồng ông Sinh và bà Loan, khai hoang phục hóa lại, diện tích này đã trở thành mô hình bước đầu có hiệu quả kinh tế cao. Hiện cây keo thì đang phát triển tốt, ao cá, trồng mía xen ngô cũng phát huy hiệu quả..Từ mô hình này, sắp tới chính quyển địa phương sẽ chọn một số điểm để nhân rộng những mô hình như thế này cho các hộ gia đình tại Châu Nga làm theo, nhằm mục đích XĐGN, giúp bà con có cuộc sống ổn định hơn từ việc xây dựng những mô hình này”- ông Lô Đức Khiêm - Phó chủ tịch UBND xã Châu Nga trao đổi.

Tận dụng diện tích đất đồi rộng lớn và nguồn thức ăn dồi dào, ông Sinh còn đầu tư vào chăn nuôi bò, dê
Tận dụng diện tích đất đồi rộng lớn và nguồn thức ăn dồi dào, ông Sinh còn đầu tư vào chăn nuôi bò, dê

Nhờ biết phát huy tiềm năng lợi thế đất đai của quê hương và sự quyết tâm, chịu khó tìm tòi, học hỏi cách làm ăn phát triển kinh tế phù hợp với địa phương mình, hai vợ chồng người nông dân Lô Văn Sinh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng và ngày càng khẳng định vai trò của mình trong các phong trào quan trọng ở Châu Nga, nhất là phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới./.

      Hiến Chương