Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp

12:04, 28/05/2018

Vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu để đảm bảo phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Thị trường vật tư nông nghiệp phong phú, nhiều mẫu mã, chủng loại như hiện nay, việc tăng cường quản lý chất lượng các sản phẩm này là một yêu cầu bức thiết.

Cùng trên 1 cánh đồng, ra giống trùng thời điểm nhưng các thửa ngô của nông dân xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương phát triển không đồng đều, thậm chí có nơi phải nhổ bỏ bởi không thể ra bông. Tình trạng này đã xảy ra tại một số vùng trong tỉnh vài năm trở lại đây và người nông dân băn khoăn không biết nguyên nhân là do giống, phân bón hay do thuốc bảo vệ thực vật.

a
Xuống giống cùng thời điểm nhưng có những diện tích ngô tại xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương phát triển không đồng đều.

Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hương – Người dân xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương: “Ngô xuống giống cùng 1 thời điểm nhưng có diện tích ngô không có ngọn, nếu có thì cũng còi cọc không thể đơm bông, dù đã phun thuốc nhưng không cải thiện được tình hình”.

a
Ngô không lên ngọn hoặc còi cọc không có khả năng đơm bông khiến người dân phải nhổ bỏ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết ở xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn chia sẻ thêm: “Người dân quan tâm đến phân bón, giống cây. Chỗ nào chuẩn nhãn mác, uy tín thì người dân sẽ gắn bó lâu dài, còn cửa hàng nào một lần bán vật tư không đảm bảo chất lượng người dân sẽ không quay lại lần 2”.

Vật tư nông nghiệp là lĩnh vực kinh doanh khá hấp dẫn. Do đó, trên thị trường không tránh khỏi tình trạng xuất hiện các lúa giống ngoài danh mục hoặc vi phạm bản quyền, nhái thương hiệu. Đơn cử như vụ việc nhái bao bì AC5 cách đây 3 năm ở xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, 1 tấn lúa giống hàng nhái giả danh thương hiệu lúa AC5 của Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa để bán cho dân. Mặc dù số lúa trên đã được thu hồi trước khi xuống giống, nhưng qua đó địa phương cũng có thêm bài học về công tác quản lý vật tư nông nghiệp.

a
Hạn chế trong việc kiểm định chất lượng vật tư nông nghiệp ở cấp xã khiến công tác quản lý không được chặt chẽ. 

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Cao Đồng – Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Sơn, huyện Đô Lương cho biết: “Việc quản lý vật tư nông nghiệp đã được cấp trên giao nhiệm vụ cho UBND xã làm tốt quản lý giống, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời là người cung cấp vật tư nông nghiệp trên địa bàn để đảm bảo chất lượng cho người nông dân”.

Không riêng gì đối với Hòa Sơn mà hiện nay công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Cấp cơ sở không thể kiểm tra bởi chưa đủ trình độ, năng lực chuyên môn, địa bàn rộng, nhiều điểm kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật nhỏ lẻ... là thực trạng đang diễn ra ở Nghệ An, dẫn đến tình trạng không kiểm soát được chất lượng vật tư nông nghiệp.

Nói về những khó khăn trong công tác quản lý, ông Nguyễn Văn Khoa – Trưởng ban Nông nghiệp xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương cho biết: “Rất khó bởi ngành chức năng xã chỉ quản lý giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục, còn để kiểm định chất lượng chưa thể làm được”.

Ông Lê Viết Hùng - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Hưng Nguyên chia sẻ thêm: “Vì Hưng Nguyên là vùng phụ cận với thành phố Vinh nên các ốt kinh doanh vật tư nông nghiệp mọc lên nhiều, trong khi sự phối hợp, vào cuộc của chính quyền một số đơn vị chưa có sự đồng nhất. Bên cạnh đó, quân số lực lượng của ngành mỏng nên việc kiểm tra chưa sát sao”.

Với tổng diện tích trồng cây hàng năm trên 243.000ha, các vùng chuyên canh cây chè, cây ăn quả, cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh khá lớn. Nhu cầu sử dụng phân bón hàng năm ước tính trên 600 triệu tấn phân bón vô cơ và khoảng 300 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại.

s
Hầu hết chất lượng vật tư nông nghiệp chỉ được kiểm định khi người dân đã sử dụng lên cây trồng, gây thiệt hại đến tình hình sản xuất.

Người nông dân trong quá trình sản xuất vừa phải chịu tác động từ điều kiện thời tiết lại còn phải đối mặt với những rủi ro khi thị trường giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được quản lý chặt. 70% tổng chi phí đầu tư cho trồng trọt nằm ở khâu vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật nhưng lại rất khó để phân biệt được chất lượng của các loại vật tư này, chỉ khi nào sử dụng lên cây trồng mới thấy được hiệu quả hay tác hại.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: “Đối với công tác quản lý của ngành, nhưng năm qua đã tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm quy định Nhà nước, các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ phải được cấp chứng chỉ chuyên môn, ký cam kết. Thời gian tới, Chi cục sẽ tham mưu cho Sở, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các địa phương vào cuộc nhằm hạn chế thấp nhất vi phạm của các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp”.

Cần tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp để hạn chế thấp nhất rủi ro cho người nông dân.
Cần tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp để hạn chế thấp nhất rủi ro cho người nông dân.

Để công tác quản lý việc kinh doanh giống cây trồng, phân bón hiệu quả, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm. Đồng thời, người dân cần mua vật tư nông nghiệp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh có uy tín.

Thuý Vinh - Trường Ca