Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Làn gió mới từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao

12:12, 13/10/2018

Những trang trại, gia trại hàng hóa quy mô lớn đã và đang được sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập là thành quả ấn tượng trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Tân Kỳ. Đây được xem như một làn gió mới tạo đà cho nông nghiệp Tân Kỳ phát triển bền vững trong nhiệm kỳ 2015 -2020 và những năm tiếp theo.     

 

Nghĩa Hợp là địa phương đã chú trọng thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, xã đang quy hoạch quỹ đất để đưa mô hình chăn nuôi ra đồng, vận động nhân dân mạnh dạn đưa các giống bò mới về để phát triển, toàn xã hiện có 4 mô hình chăn nuôi bò Thái Lan, bò Úc, bò 3P với quy mô mỗi hộ có từ 10 đến 34 con. Hiện nay xã đã thành lập 1 hợp tác xã chăn nuôi với mục đích đảm bảo quyền lợi, gắn kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho các hộ trên địa bàn, tránh tình trạng rủi ro trong chăn nuôi.

“Nghĩa Hợp là địa phương có thế mạnh để phát triển các mô hình kinh tế lớn, xã đã vào cuộc kịp thời chỉ đạo nhân dân đưa các con vật nuôi mới mà hiệu quả kinh tế cao vào chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho các hộ chăn nuôi. Xã đã quy hoạch vùng bãi cao để cho bà con nông dân đưa trang trại chăn nuôi xa ở xa khu dân cư nhằm đảm bảo môi trường” - ông Nguyễn Ngọc Quý – Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Hợp huyện Tân Kỳ cho biết.

gia đình chị Lê Thị Lương ở xóm 3 xã Nghĩa Hợp đã đầu tư 600 triệu đồng mua 34 con bò Úc và bò 3P về chăn nuôi
Gia đình chị Lê Thị Lương ở xóm 3 xã Nghĩa Hợp đã đầu tư 600 triệu đồng mua 34 con bò Úc và bò 3P về chăn nuôi

Gia đình chị Lê Thị Lương ở xóm 3 xã Nghĩa Hợp là 1 trong những hộ phát triển chăn nuôi bò quy mô lớn nhất huyện Tân Kỳ. Năm 2014, gia đình đầu tư chăn nuôi bò sữa, lợi nhuận cao nhưng rủ ro cũng nhiều, giá sữa thường không ổn định nên năm nay gia đình chị quyết định đầu tư 600 triệu đồng mua thêm 34 con bò Úc và bò 3P về chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Để  chủ động được nguồn thức ăn gia đình chị đã dành 1 ha  đất để trồng cỏ, hơn 3 ha đất trồng ngô cung cấp thức ăn xanh cho đàn vật nuôi. Sau 1 thời gian ngắn chăn nuôi chị đã nhận thấy hiệu quả  từ mô hình này.

“Gia đình nuôi giống bò mới  này mới được 1 đến 2 tháng mà thấy hiệu quả rõ rệt, giống bò này ăn phàm, tạp ăn nên nhanh lớn tăng trọng nhanh, có sức đề kháng cao nên dễ chăm sóc, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao cho gia đình.”- chị Lương chia sẻ.

đồng chí Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ thăm mô hình chăn nuôi giống bò úc và bò 3P
Lãnh đạo huyện Tân Kỳ thăm mô hình chăn nuôi giống bò úc và bò 3P.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, lĩnh vực chăn nuôi được huyện Tân Kỳ đầu tư phát triển mạnh. Bà con nông dân đang chuyển dần từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, bán công nghiệp. Để đề án đi đúng hướng, mang tính đột phá, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, vận dụng linh hoạt chính sách của nhà nước các cấp để “kích cầu” các hộ chăn nuôi. Hiện tại, các xã đang xây dựng ít nhất 1 vùng chăn nuôi tập trung để chuyển chuồng ra xa khu dân cư với quy mô 1 mô hình  tối thiểu 7 con trâu bò trên 1 hộ, số hộ tham gia ít nhất 7 hộ và thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã chăn nuôi mới. Từ đó đã xuất hiện 562 mô hình kinh tế trang trại, gia trại, trong đó có 118 mô hình chăn nuôi trâu bò tập trung quy mô lớn hình thành liên kết theo chuỗi giá trị và phát triển bền vững, với mức thu nhập 1 mô hình từ 200 đến 400 triệu đồng mỗi năm.

mô hình kinh tế trang trại cá được nuôi theo hình thức bán công nghiệp
Mô hình kinh tế trang trại cá được nuôi theo hình thức bán công nghiệp.

Mục tiêu của Đề án chính là đẩy mạnh phát triển tổng đàn và nâng cao chất lượng sản phẩm vật nuôi, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm dần mà thay vào đó là các hộ đầu tư nuôi số lượng lớn, được áp dụng khoa học công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm hơn. Điển hình các trang trại chăn nuôi lớn như trang trại nuôi lợn, bò, gà, cá nuôi theo hình thức công nghiệp có sự liên doanh liên kết với nhà đầu tư từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm.

Phải thừa nhận rằng nhiệm kỳ 2015 -2020 huyện Tân Kỳ đã tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho các hộ dân, đặc biệt từ huyện đến cơ sở đã thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong đó chú trọng lĩnh vực chăn nuôi bằng cách xây dựng nhiều mô hình kinh tế quy mô lớn. Qua kiểm tra ở cơ sở, hầu hết các mô hình đều phát huy hiệu quả, mang lại giá trị thu nhập tương đối cao cho các hộ chăn nuôi. Do vậy, để ngành chăn nuôi trên địa bàn tiếp tục được phát triển ổn định và bền vững, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã tham mưu, phối hợp với các xã, thị thành lập thêm 10 Tổ hợp tác hoặc hợp tác xã  chăn nuôi và được chứng nhận VietGAHP”- ông Nguyễn Công Trung – Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ khẳng định.

Bà con nông dân đã quy hoạch diện tích đất trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.
Bà con nông dân đã quy hoạch diện tích đất trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên lĩnh vực chăn nuôi ở huyện Tân Kỳ, nhìn chung đã phát huy các thế mạnh về địa hình, đất đai, lợi thế để cơ cấu sản xuất hiệu quả, mang lại thu nhập cao, góp phần giải quyết việc làm cho người dân. Tổng đàn trâu bò cũng chính vì thế mà tăng nhanh với hơn 33.000 con năm 2013, hiện nay lên tới hơn 54.000 con. Tin tưởng rằng, với cách làm này, huyện Tân Kỳ sẽ đạt được nhiều thành công mới, tạo bước chuyển mạnh mẽ làm thay đổi căn bản nền nông nghiệp theo hướng bền chắc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiềm kỳ 2015 -2020./.

Phương Thảo – Trọng Hùng