Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Giá quả cọ miền núi Nghệ An tăng gấp đôi, cung không đủ cầu

09:17, 05/12/2018

Vào mùa đông, ở nhiều địa bàn miền Tây Nghệ An người dân đang bước vào mùa thu hoạch quả cọ. Đây cũng là công việc giúp người dân miền núi kiếm thêm nguồn thu nhập, nhất là thời điểm giá trái cây đặc sản này tăng gấp đôi.

 

Cọ thường được người miền núi trồng thành từng vườn, trồng quanh nhà hoặc trên đồi với mục đích dùng lá cọ lợp mái nhà. Tuy nhiên, quả cọ cũng là thức ăn ưa thích vào mùa lạnh ở những bản làng người Thái. Ngoài việc giúp cho người dân có thu nhập từ việc bán lá cọ, thì nay người dân Con Cuông lại đang có thêm nguồn thu từ quả cọ.

Cọ được người dân Con Cuông trồng nhiều ở các xã Yên Khê, Bồng Khê, Chi Khê... Hộ trồng nhiều có trên 2 ha
Cọ được người dân Con Cuông trồng nhiều ở các xã Yên Khê, Bồng Khê, Chi Khê... Hộ trồng nhiều có diện tích trên 2 ha.

Gia đình anh Lô Huỳnh Lan ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, có diện tích đất rừng được giao khoán 1,5 ha. Ngoài việc trồng các cây lâu năm, anh đã trồng xen 150 cây cọ. Đến nay, diện tích cọ đã cho quả là 100 cây.

"Năm nay do thời tiết thuận lợi nên cọ được mùa, trung bình mỗi cây được 10 - 20 kg quả, tùy vào từng cây, thời điểm này một số cây cọ đã chín, do cọ đầu mùa đang ít nên bán cũng được giá, mỗi cân 30 ngàn đồng. Đây là mức giá khá cao so với thời điểm này của năm 2017, chỉ có giá từ 10 - 15 ngàn đồng/kg"- anh Lan cho biết.

Cọ thường được người miền núi trồng thành từng vườn, trồng quanh nhà hoặc trên đồi với mục đích dùng lá cọ lợp mái nhà. Tuy nhiên, quả cọ cũng là thức ăn ưa thích vào mùa lạnh ở những bản làng người Thái.
Cọ thường được người miền núi trồng thành từng vườn, trồng quanh nhà hoặc trên đồi với mục đích dùng lá cọ lợp mái nhà. Tuy nhiên, quả cọ cũng là thức ăn ưa thích vào mùa lạnh ở những bản làng người Thái.

Theo ước tính của anh Lan, nếu thu hoạch cả mùa được trên 1 tấn quả, cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Đối với một hộ dân miền núi thì khoản thu như vậy là đáng kể.

Cọ là cây dễ trồng, ít công chăm sóc lại phù hợp với đất đai, khí hậu miền núi nên  được coi là một cây giúp cải thiện thu nhập của nhiều hộ dân nơi đây.

Gần đây, quả cọ trở thành mặt hàng giúp chị em phụ nữ trong các bản làng kiếm thêm thu nhâp.
Gần đây, quả cọ trở thành mặt hàng giúp chị em phụ nữ trong các bản làng kiếm thêm thu nhâp.

Gia đình chị Lương Thị Hoa, bản Nưa, xã Yên Khê, gia đình có 10 cây cọ, đến nay đang cho thu hoạch quả. Chị Hoa cho biết, năm nay ở bản Yên Khê, năng suất quả cọ thấp hơn so với năm trước nhưng bù lại được giá nên cũng có nguồn thu khá từ bán quả cọ. Ngoài ra, người dân còn hái lá cọ để bán.

Khe Rạn xã Bồng Khê là bản nằm bên phía tả ngạn sông Lam, có 100% là đồng bào dân tộc Thái. Ngoài phát triển các cây trồng chủ lực như mét, keo thì bản Khe Rạn còn được biết là địa phương có diện tích trồng cây cọ lớn nhất huyện Con Cuông.

Người dân bản Khe Rạn xã Bồng Khê thu hoạch quả cọ.
Người dân bản Khe Rạn xã Bồng Khê thu hoạch quả cọ.

"Toàn bản hiện có 160 hộ thì hầu hết các hộ đều trồng cây cọ với tổng diện tích 150 ha. Cọ là cây có nguồn thu nhập kép từ quả và lá nên đã giúp nhiều hộ dân trong bản cải thiện được đời sống hàng ngày" -  ông Lô Văn Thắng, trưởng bản Khe Rạn trao đổi.

Quả cọ om là món ăn đặc trưng vào mùa đông của người Thái ở các địa bàn miền núi.
Quả cọ om là món ăn đặc trưng vào mùa đông của người Thái ở các địa bàn miền núi.

Cứ vào mùa cọ, anh Nguyễn Văn Thọ trú ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn lại cất công đi lùng tìm mua để bán sỷ cho các địa bàn miền xuôi. Anh Thọ cho biết, hiện tại nhu cầu thị trường về thứ trái cây miền núi này đang tăng. Mỗi ngày anh có thể bán ra khoảng nửa tấn quả. Lá cọ cũng như quả cọ đang là mặt hàng bán rất chạy và rất dễ bán, các thương lái thường trực tiếp thu mua tại nhà. Tuy nhiên, lượng cung thường không đáp ứng được cầu.

Bá Hậu - Hữu Vi