Người dân Thanh Chương thu lãi cao từ tôm càng xanh
Thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, thời gian qua Trạm khuyến nông huyện Thanh Chương đã xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Thành công của mô hình đã mở ra hướng đi mới trong phát triển thủy sản của địa phương.
Nhiều ngày nay, anh Phan Đình Thịnh ở xóm Thanh Hồ, xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương rất vui mừng, bởi lần đầu tiên anh thực hiện thành công mô hình nuôi tôm càng xanh. Với diện tích 3 sào mặt nước, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư 20 triệu đồng để mua 10 vạn con tôm giống từ Càu Mau về nuôi. Sau 4 tháng, tôm cho thu hoạch với số tiền thu được 70 triệu đồng, trừ các khoản chi phí gia đình anh thu lãi 40 triệu đồng chưa kể khoản thu từ việc nuôi cá kết hợp.
Anh Thịnh cho biết thêm: “Nuôi tôm có hiệu quả cao hơn nhiều so với nuôi cá, nhu cầu lớn không đủ để đáp ứng. Thời gian tới, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích nuôi”.
Tôm càng xanh mở hướng đi mới cho người dân Thanh Chương trong phát triển kinh tế. |
Cùng với gia đình anh Phan Đình Thịnh, nhận thấy hiệu quả của mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất hai lúa sau nhiều năm nuôi thử nghiệm, ông Trần Văn Hải đã mở rộng diện tích nuôi trên ruộng lúa với 1,5ha.
Theo ông hải, ưu điểm của việc nuôi tôm trên ruộng lúa đó không chỉ mang lại giá trị thu nhập cao mà còn góp phần hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tính bền vững trong sản xuất. Sau 4 tháng nuôi trồng, đến nay gia đình ông đã có tôm thu hoạch. Loại to đạt 6 con/kg, loại trung bình từ 10-15 con/kg. Với giá bán bình quân 220.000 đồng/kg, gia đình ông đã thu về 235 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi 100 triệu đồng, chưa kể tiền thu về từ 2 vụ lúa. Ông Hải khẳng định: “Mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa là hướng đi mới hiệu quả. Gia đình sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho ai muốn phát triển nghề nuôi tôm càng xanh”.
Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh đơn giản, thời gian sinh trưởng ngắn cho hiệu quả kinh tế cao. |
Trong những năm qua trên địa bàn huyện Thanh Chương nói chung và xã Thanh Hưng nói riêng, nghề nuôi trồng thủy hải sản đã có bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên các mô hình nuôi cá truyền thống cho hiệu quả không cao. Từ thực tế đó, năm 2017, Trạm khuyến nông huyện Thanh Chương đã tham mưu, tổ chức xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tại xã Thanh Hưng. Sau 1 năm triển khai thực hiện, đến nay mô hình đã phát huy hiệu quả.
Ông Trần Đình Bình - Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Thanh Chương cho biết: Sau thời gian triển khai xây dựng mô hình có hiệu quả ở xã Thanh Hưng, năm 2018, chúng tôi tiếp tục xây dựng mô hình ở xã Thanh Lĩnh. Qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy đây là đối tượng nuôi mới nhưng nó phù hợp với điều kiện thời tiết của huyện Thanh Chương. Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi đơn giản nên mô hình cho hiệu quả cao.
Chia sẻ thêm, ông Phan Đình Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng nói: Việc con em xã đi làm nghề nuôi tôm ở các tỉnh Ninh Thuận, An Giang, Cà Mau là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình tại địa phương. Bước đầu cho thấy, các mô hình cho hiệu quả cao. Ngoài tôm càng xanh, người dân đang thử nghiệm phát triển giống tôm thẻ chân trắng. Đây là loại tôm có thời gian nuôi ngắn nhưng hiệu quả kinh tế lại cao.
Việc phát triển nghề nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa và mặt ao ở Thanh Chương đã mở hướng đi mới hiệu quả cho người dân, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích và khai thác có hiệu quả các chân ruộng trũng trên địa bàn huyện./.
Hữu Thịnh - Đài TTTH Thanh Chương