Các chủ tàu cần nhận thức đúng về khai thác hải sản hợp pháp
Tại cảng cá Lạch Vạn, Diễn Châu, hàng ngày có gần 110 tàu cập cảng, trong đó có trên 30 tàu có công suất từ 90 CV trở lên; trước đây, một số chủ tàu chưa nhận thức đúng, thờ ơ với tầm quan trọng của việc khai thác hợp pháp, có báo cáo; việc ghi, nộp sổ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, dè dặt, thiếu hợp tác với Ban quản lý cảng cá. Sau ngày có quy định mới, lực lượng chức năng phải rất vất vả để hướng dẫn cho ngư dân thực hiện. Đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra việc ghi chép nhật ký khai thác, mua bán hải sản của tàu sau mỗi chuyến ra khơi.
Tại cảng cá Lạch Quèn, xã Tiến Thủy, Quỳnh Lưu, tại đây, trung bình mỗi ngày có trên 25 tàu ra vào cảng cá. Việc ghi chép nhật ký khai thác trên biển cơ bản được các thuyền trưởng thực hiện đầy đủ đối với từng mẻ lưới, từng chuyến biển và nộp cho tổ công tác liên ngành tổng hợp.
Tuy nhiên, việc kê khai nguồn gốc, xuất xứ thủy, hải sản của các tàu cá khác trong vùng khi cập cảng cá Lạc Quèn cũng gặp nhiều khó khăn bởi phần lớn ngư dân còn mang tâm lý giấu ngư trường, không muốn lộ vị trí đánh bắt của mình.
Qua kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng ghi nhận những cố gắng của các tổ công tác liên ngành trong việc tuyên truyền, quản lý, truy xuất nguồn gốc hải sản; những vấn đề tồn tại mà đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp đã chỉ ra trong đợt kiểm tra tại Nghệ An vào cuối năm 2018, đến nay cơ bản đã được khắc phục. Dự kiến trong tháng 5/2019, ủy ban Châu Âu vào kiểm tra tại các tỉnh Miền Trung, trong đó có Nghệ An về khắc phục khai thác hải sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng yêu cầu, các ngành chức năng cùng các địa phương ven biển, tiếp tục triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân về Luật Thủy sản 2017 và các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề về khai thác IUU. Để các đội tàu của tỉnh tiếp tục vươn khơi bám biển, đánh bắt thủy, hải sản, khai thác đúng ngư trường để làm giàu cho quê hương, đất nước.
Huy Cung – Hữu Dũng