Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nhiều địa phương vẫn lơ là phòng chống dịch tả heo châu Phi

16:01, 13/05/2019
Liên quan đến một loại dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp với những tác hại khôn lường trên đàn lợn của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, sáng nay (13/5), Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành trong cả nước nhằm đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống dịch.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Tại điểm cầu Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng chủ trì.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: chưa bao giờ thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối mặt với một dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện nay. Với loại virut có tính độc dược cao, tốc độ lan truyền cực nhanh, dịch tả lợn Châu Phi đã và đang đe dọa xóa sổ ngành chăn nuôi lợn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tính đến hôm qua, 12/5, cả nước đã có 204 huyện, 2.300 xã của 29 tỉnh, thành có lợn mắc DTLCP. Số lợn tiêu hủy đến nay là hơn 1,2 triệu con. Trong đó có 29 xã của 12 tỉnh dịch đã qua 30 ngày, nhưng sau đó đã phát sinh trở lại. Đặc biệt nguy hiểm khi thời gian qua, DTLCP đã tấn công vào một số trang trại chăn nuôi lớn. Trong khi đó, tại một số địa phương có số lợn mắc dịch nhiều việc tiêu hủy đang gặp nhiều khó khăn về quỹ đất, nhân lực, kinh phí...dẫn đến gia súc chết bị bán tháo bừa bãi ra môi trường gây nguy cơ virut phát tán rộng. 

Tại điểm cầu Nghệ An.
Tại điểm cầu Nghệ An.

Đánh giá cao và biểu dương các địa phương các Bộ ngành, DN và người dân vào cuộc quyết liệt trong việc tham gia phòng chống dịch vừa qua. Tuy nhiên, trước những khó khăn, bất cập của công tác DTLCP và sự đe dọa của dịch bệnh đối với ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam, chỉ đạo tại Hội nghị, Phó TTCP Trịnh Đình Dũng khẳng định: DTLCP hiện nay ở nước ta được đánh giá rất nghiêm trọng và khó kiểm soát. Vì vậy các cấp ngành, địa phương, người dân phải tích cục, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống, ngăn chặn dịch. Trước hết, phải xác định việc phòng chống DTLCP phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Theo đó, Phó TTCP cũng đề xuất Ban cán sự Đảng phối hợp với Bộ NNPTNT hoàn thiện Chỉ thị về việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị trong việc tổ chức quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế DTLCP. Cùng với đó, Bộ NN và PTNT có phương án chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, người dân tái cơ cấu ngành chăn nuôi nói chung triển khai những sản phẩm thay thế, bù đắp sản phẩm thịt lợn để đảm bảo nguồn cung ứng nhu cầu thực phẩm cho nhân dân; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong phòng chống dịch bệnh; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc giết mổ  đạt yêu cầu về thú y, ATTP dưới sự kiểm soát của cơ quan thú y; Hướng dẫn các địa phương thành lập và xây dựng 5 trạm kiểm dịch quốc gia đảm bảo các yêu cầu kiểm soát vận chuyển động vật tại các địa phương trọng điểm trên trục quốc lộ Bắc Nam. Đi đôi với phòng chống dịch bệnh là động viên người dân bảo vệ sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng, góp phần cho sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng quán triệt ngành nông nghiệp, huyện, thị cần nghiêm túc thực hiện các văn bản, chỉ đạo của cấp trên.

Về phía tỉnh Nghệ An, ngay sau khi Hội nghị trực tuyến của Trung ương kết thúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng quán triệt ngành nông nghiệp, huyện, thị cần nghiêm túc thực hiện các văn bản, chỉ đạo của cấp trên. Đến nay, 15 ổ dịch tại 15 xã của 6 huyện chưa qua 30 ngày. Các huyện đã có dịch phải tăng cường dập dịch, không để dịch lây lan. Các huyện chưa có dịch cần chủ động nắm tình hình, kiểm soát dịch bệnh, khi xảy ra dịch phải báo cáo kịp thời để có phương án xử lý. Các cơ quan truyền thông cần tập trung tuyên truyền đúng mức về dịch bệnh để người dân biết và nắm tình tình để vừa phòng chống dịch nhưng cũng không quay lưng với sản phẩm thịt lợn sạch. Đặc biệt là khuyến nghị người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện "5 không" gồm:  không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để tránh phát tán mầm bệnh ra ngoài môi trường.
An Duyên - Hữu Song