Thị trường

Nghệ An đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu ổn định thị trường Tết Canh Tý

09:15, 14/01/2020

Căn cứ vào tình hình thị trường và sản xuất kinh doanh, ngay từ tháng 11 năm 2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn số 8273 thực hiện giải pháp bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Canh Tý 2020 trên địa bàn. Theo đó, đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm, thu gom khối lượng hàng hóa nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, trong mức giá không biến động.

Tập trung dự trữ hàng hóa

Là một trong những doanh nghiệp kinh doanh lương thực lớn tại Nghệ An, Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh đã bám sát thực tế của thị trường tiêu dùng trên địa bàn để xây dựng kế hoạch dự trữ và bán hàng thời điểm trước, trong, sau tết nguyên đán 2020. Hiện tại, khối lượng lương thực gồm: gạo tẻ, gạo nếp các loại tại kho chứa của công ty là trên 1.200 tấn. Trong đó, số lượng thực bổ sung thực hiện giải pháp tránh biến động khan hiếm là 700 tấn. Nguồn hàng chủ yếu được nhập từ Thái Lan và vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long.

 
Doanh nghiệp chủ động trữ hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường Tết.

Bà Trương Thị Hòe - Phó Giám đốc, Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh chia sẻ: Theo chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An và Sở Công Thương thì như mọi năm các doanh nghiệp, trong đó có Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh dịp tết nguyên đán có chương trình bình ổn phục vụ nhân dân trước, trong, sau tết. Năm nay cũng vậy, mặc dù không có hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh, nhưng doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị lượng hàng lớn.  

Theo dự tính của Sở Công Thương về lương thực, nhu cầu tiêu dùng của cả tỉnh thường nằm trong khoảng 26.000 tấn/tháng. Nguồn cung cấp chủ yếu vẫn là từ các Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty CP XNK nông sản Nghệ An, Công ty Thành Sang..., cùng mạng lưới chi nhánh đại lý và cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Còn xét tại khu vực nông thôn thì phần lớn người dân tiêu dùng lúa gạo tự sản xuất, chiếm 40% mức tiêu thụ chung của tỉnh.

Để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm Tết, các công ty lương thực cũng đã xây dựng quầy hàng sản phẩm và niêm yết giá theo cam kết. Quầy hàng bình ổn, nằm trên con phố Nguyễn Phong Sắc, TP Vinh, theo bà Trần Diêu Nguyên - khách hàng: Gạo tẻ và nếp mua ở đây chất lượng, giá cả thấp hơn thị trường chung.

 
 

Bên cạnh dự trữ, cung cấp nguồn lương thực, hiện nay, tại các trung tâm thương mại, siêu thị quy mô, nhóm thực phẩm, gồm: thịt gia súc, đặc biệt là thịt lợn, thịt bò, thịt gà có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các đơn vị kinh doanh này nhập về khối lượng lớn hơn. Siêu thị BigC Vinh đang thực hiện kí kết với các công ty chăn nuôi giết mổ để đảm bảo cung ứng sản lượng thịt theo kế hoạch phục vụ thị trường Tết và sau Tết.

 
Các siêu thị cung ứng đủ nguồn hàng phụ vụ Tết Nguyên Đán 2020.

Theo ông Lê Hữu Phương - Trưởng ngành hàng tiêu thụ mạnh: Để phục vụ nhân dân sắm Tết, siêu thị sẽ mở cửa đến 12 giờ trưa ngày 30 tháng Chạp. Hiện BigC Vinh đã chuẩn bị rất nhiều sản phẩm thực phẩm tiêu dùng. Riêng thịt lợn, đã chuyển về 5 tấn, thịt gà 15 tấn, bò 3 tạ, thủy sản 15 tấn.

Đảm bảo nguồn cung

Năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát khiến tổng sản lượng thịt lợn sụt giảm, khan hiếm nghiêm trọng trong những tháng qua. Giá thịt lợn đã tăng gấp đôi, từ 80-90 nghìn đồng/kg, lên 160-180 nghìn/kg. Để góp phần cung cấp thịt lợn cho nhu cầu thực phẩm của người dân, từ huyện, thị đến thành phố Vinh, hệ thống các cửa hàng, quầy hàng kinh doanh theo mô hình tiện dụng mua sắm như Vinmart, thực phẩm xanh Bibigreen,… đã nhập thịt lợn và các sản phẩm từ thịt nhiều hơn so với nhóm hàng khác. “Trước Tết một tháng hàng về nhiều, tập trung các loại thịt lợn, thịt gà, bánh chưng. Lượng hàng bán ra tăng hơn ngày thường. Trước Tết Nguyên đán tầm 10 ngày, chúng tôi nhận đặt hàng cho khách”, chị Lê Thị Hằng Nga – Nhân viên cửa hàng thực phẩm Xanh, thị xã Thái Hòa cho biết. 

Bà Phan Thị Soa - khách mua sắm tại Vinmart Phan Đình Phùng, TP Vinh chia sẻ thêm: Hôm nay được ngày tranh thủ đi mua sắm Tết. Hàng hóa đa dạng, giá cả phải chăng nên tôi cũng thấy vui lòng.

 
 

Xét theo chỉ số tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, song song với các loại thịt gia súc, gia cầm thì nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản tháng Tết sẽ rơi vào 3000 tấn. Chỉ riêng mặt hàng này, các doanh nghiệp khai thác, chế biến của Nghệ An không những cung cấp đủ trong tỉnh, mà còn đáp ứng cho thị trường các tỉnh thành khác.

Theo anh Hồ Mạnh Hoàn – Giám đốc Công ty CP Biển Quỳnh, Thị xã Hoàng Mai: Công ty đã kí hợp đồng với tàu thuyền khai thác hàng năm nên nguồn gốc, số lượng và giá cả ổn định. Công ty hiện đang giữ trữ hàng hóa phục vụ Tết là 50 tấn hải sản.

Bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết thêm: Để kiểm soát cân đối cung cầu, chống đầu cơ tích trữ, tăng giá, ngành công thương đã triển khai một số giải pháp ngày từ đầu tháng cao điểm. Ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp ngành liên quan, Sở đã đốc thúc, chỉ đạo các đơn vị đầu mối thương mại cam kết xây dựng kế hoạch tập kết, chuẩn bị hàng hóa đảm bảo về số lượng, giá cả; khuyến khích các đơn vị, tổ chức doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, khuyến mại để kích cầu thị trường; sở ngành thường xuyên kiểm soát thị trường để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

 
Người tiêu dùng mua hàng bình ổn thị trường tại hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Vinh.

Thị trường Tết cổ truyền dân tộc, hơn lúc nào hết, là thị trường của sự “chọn lựa” đến từ đông đảo khách hàng, với mức độ mua sắm tăng cao và đa dạng so với ngày thường. Bởi vậy, cùng sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành chức năng trong kiểm soát, bình ổn thị trường; sự chủ động trong sản xuất, dự trữ hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp, các siêu thị, mạng lưới kinh doanh theo chuỗi hệ thống đồng giá. Tin rằng, thị trường lương thực, thực phẩm tiêu dùng Nghệ An dịp Tết và sau Tết Nguyên đán Canh Tý sẽ vẫn ổn định về giá cả và cân đối giữa cung và cầu.

Dương Cầm

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện