Những ngày này, gia đình chị Lầu Y Dìa cùng nhiều hộ dân trong bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy, Kỳ Sơn, phải gác lại những trò chơi truyền thống của ngày xuân năm mới để cùng nhau vào rừng tìm hái măng đắng về bán kiến thêm thu nhập. Chị Y Dìa cho biết: “Vào mùa măng đắng là cơ hội cho người dân vùng cao có thêm thu nhập từ tiền bán măng”.
Theo người dân xã Đoọc Mạy huyện Kỳ Sơn, mùa măng kéo dài từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch hàng năm. Đầu mùa, măng đắng tuy ít nhưng ngon và ngọt hơn măng cuối mùa. Để lấy được những củ măng non và ngọt đầu mùa, người dân vùng cao phải dùng cuốc, xuổng đào sâu vào lòng đất, khi những búp măng chưa kịp nhú lên khỏi mặt đất. Về cuối mùa, măng nhú càng cao càng đắng.
Trước đây, khi cuộc sống của người dân miền núi còn nhiều khó khăn, măng đắng là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của người dân nơi đây mùa giáp hạt. Với vị đắng nhạt pha lẫn vị ngọt giòn, hiện măng đắng đã trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng tìm mua. Bởi thế, măng đắng đã trở thành hàng hóa được trao đổi mua bán trên thị trường mang lại thu nhập thời vụ cho người dân miền núi mỗi khi vào mùa.
“Đường giao thông đi lại thuận lợi, người dân khai thác về bán cho các thương lái. Có những hộ đông lao động, một mùa bán được từ 7 đến 10 triệu đồng, hộ ít lao động cũng thu được từ 3 đến 5 triệu. Mỗi mùa măng đắng, người dân trong xã rất phấn khởi”, ông Gìa Chồng Nênh - Bí thư Đảng ủy xã Đoọc Mạy, Kỳ Sơn chia sẻ thêm.
Những ngày này, từ trung tâm chợ huyện sầm uất đến các chợ cóc bên đường, măng đắng cũng được bày bán khá nhiều. Giá một kilogam măng đắng đầu mùa khoảng 10.000 đồng đến 15.000 đồng, ra đến trung tâm huyện giá bán thể đắt hơn từ 20.000 – 30.000 đồng nhưng vẫn được nhiều người mua.
Các món ăn chế biến từ măng đắng cũng khá đa dạng, như: xào, nấu canh, măng lộc chấm chẻo hoặc chấm ruốc, nhưng món măng đắng nướng lửa bếp giữ được mùi thơm đặc trưng của măng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin