Kinh tế

Nghề nuôi tằm Đô Lương vững vàng trong đại dịch Covid-19

09:20, 26/03/2020
Bãi bờ sông Lam mùa này xanh ngút ngắt, những hàng dâu và ngô xen canh vươn lên đầy sức sống. Khi cây dâu tỏa cành đầy lá cũng là dịp người dân ở Đô Lương bắt đầu vụ nuôi tằm đầu năm. Vụ nuôi tằm năm nay khác với nhiều năm trước, bà con sản xuất trong đại dịch Covitd- 19, sản phẩm làm ra phải chờ hết dịch mới xuất bán. 
 
Bãi bờ sông Lam ngút ngắt màu xanh của dâu.

Ông Trần Văn Đông ở xóm 3 xã Đặng Sơn, Đô Lương làm nghề nuôi tằm đã được 24 năm, kể từ khi ông xuất ngũ trở về địa phương năm 1996. Đợt nuôi tằm đầu tiên của năm nay, gia đình thu được 25 kg kén. Bên cạnh việc sản xuất kén, ông còn thu mua kén của bà con trong xóm để sản xuất tơ. 

 
 Xưởng ươm tơ của gia đình ông Trần Văn Đông, ở xóm 3 xã Đặng Sơn, Đô Lương.

Xưởng ươm tơ của gia đình ông hoạt động rộn rã đã được 1 tuần, mỗi ngày tạo được 9 kg tơ. Từ đầu vụ đến nay gom lại được 50kg.  Nếu như theo giá thị trường năm ngoái, tơ sẽ được bán 840 ngàn/kg.

“Theo truyền thống của nghề, chúng tôi vẫn sản xuất, chứ làm ra chưa bán được do dịch Covid-19, để hết dịch xem giá cả thị trường thế nào rồi mới bán..” - ông Đông chia sẻ.
Do là nghề truyền thống, đã thành thói quen, đến mùa là lao động sản xuất, toàn xã Đặng Sơn hiện có trên 55 hộ duy trì nuôi tằm, tập trung nhiều nhất ở xóm 5. Một số hộ còn nhận vòng trứng về cho bà con sản xuất, điển hình như hộ ông Đông nhận lấy vòng trứng cho 15 hộ, chị Loan lấy vòng trứng cho 40 hộ. Nhiều hộ đã sản xuất được lứa tằm thứ 3. Giá kén năm nay cũng có giảm chỉ còn 90 ngàn đồng/kg, so với năm ngoái 105 ngàn đồng/kg.

 
 Tơ được người dân xã Đặng Sơn- Đô Lương phơi nắng, chờ hết dịch Covid- 19 sẽ xuất bán.

Ngoài xã Đặng Sơn, thì một số xã trên địa bàn huyện Đô Lương cũng duy trì sản xuất kén tằm như: Ngọc Sơn, Thuận Sơn, Trung Sơn…Riêng xã Lưu Sơn bà con đã chọn cách nuôi tằm thương phẩm, xem ra rất hợp trong mùa đại dịch Covid- 19 này. Bởi vừa quay vòng nhanh sản xuất, khi con tằm đủ độ chín sẽ được đưa ra chợ bán làm nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho người dân.

“Lứa nuôi tằm đầu năm nay rất thuận lợi, trứng tằm nở đều và phát triển tốt. Trong quá trình nuôi nguồn lá dâu cũng rất đảm bảo. Theo tính toán, việc sản xuất tằm cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi lứa tằm thu được 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/ 1 vòng trứng, nếu nuôi nhiều hơn nữa có thể gấp 2 lần” - ông Trần Đình Trung, Bí thư chi bộ xóm Lưu Thọ cho biết thêm.

 
Bà con cho biết giá kén năm nay giảm 15 ngàn đồng/kg.

Toàn xã Lưu Sơn năm nay có khoảng trên 40 hộ nuôi tằm, diện tích trồng dâu được duy trì 7,6 ha. Nhân dân Lưu Sơn nuôi tằm chủ yếu ở xóm Hồng Phong và Phú Thọ cũ, nay sáp nhập lại là xóm Lưu Thọ.

“Nhân dân nuôi tằm chủ yếu để bán cho bà con trên địa bàn xã và các địa phương khác. Khi đầu ra kén không thể đáp ứng được, thì bà con bán tằm thương phẩm. Tằm thương phẩm có nhiều ưu điểm, đó là xoay vòng được đồng vốn, không mất công sức quá nhiều, đảm bảo vệ sinh môi trường. Mỗi kg tằm chín, bà con bán với giá 50 ngàn đồng/kg” - ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương trao đổi.

 
Ông Trần Đình Trung, Bí thư chi bộ xóm Lưu Thọ đang chăm sóc lứa tằm vừa mới nở. Theo ông cho biết như lứa tằm này sẽ phát triển được 5 nống tằm lớn. 

Giữa đại dịch Covitd- 19 đã tác động không nhỏ đến đời sống nhân dân, song song với việc phòng dịch, bà con duy trì lao động sản xuất là một việc làm đáng ghi nhận. 
"Nuôi lợn ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng"…Tuy nghề nuôi tằm có vất vả, có lúc thăng, lúc trầm, nhưng bà con nhân dân Đô Lương vẫn kiên trì giữ vững nghề truyền thống, bởi dẫu sao nghề này cũng cho thu nhập khá hơn so với việc trồng lúa, nuôi sống biết bao thế hệ trưởng thành.

Ngọc Phương

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện