Việc đánh bắt các loài hải sản kết hợp ánh sáng bóng đèn được ngư dân huyện Quỳnh Lưu thực hiện từ hàng chục năm qua. Lúc đầu bà con chỉ sử dụng một số ít bóng đèn với công suất thấp để tìm cá. Sau đó, dùng ánh sáng để lôi cuốn, tập trung luồng cá, mực đến quanh tàu thuyền. Nhờ đó, bà con đánh bắt được nhiều loại hải sản, nâng cao thu nhập.
Hiện nay, đội ngũ tàu thuyền của Quỳnh Lưu ngày càng gia tăng về số lượng và phát triển theo hướng hiện đại hóa nên cùng với mua sắm các thiết bị điện tử thì ngư dân bỏ ra chi phí từ hàng trăm đến 1 tỷ đồng để lắp đặt dàn bóng đèn trên tàu. Anh Hà Đức Ngọc thôn Tiến Mỹ, xã Tiến Thủy cho biết: ánh sáng bóng đèn rất quan trọng trong việc dẫn dụ đàn cá, do vậy trong 2 năm nay anh đã trang bị cố định 2 bên mạn và đuôi tàu của mình 250 bóng đèn siêu và đèn Led, tổng công suất 250 nghìn kw, tăng 150 bóng so với trước đây. Với chi phí đầu tư 2 triệu đồng/ bóng đèn siêu và 4,3 triệu đồng/ bóng đèn Led. Với cường độ mạnh, ánh sáng tập trung kết hợp với kỹ thuật, kinh nghiệm trong khai thác nên anh Ngọc và các thuyền viên gặp nhiều thuận lợi trong việc thả lưới kéo những mẻ cá. Nhờ đó, 1 chuyển sản lượng tàu của anh đạt nhất từ 3 – 5 tấn cá hố và mực xuất khẩu, thu về từ 300 – 400 triệu đồng. So với trước đây tăng từ 1 – 2 tấn/ chuyến.
Đối với tàu của anh Hồ Quốc Việt ở xã Tiến Thủy đóng mới từ năm 2013, công suất 800CV, trị giá hơn 4 tỷ đồng. Nhưng ở thời điểm này, tàu của anh chỉ mới trang bị 40 quả bóng đèn. Nhận thấy việc khai thác đạt được hiệu quả cao thì cần rất nhiều yếu tố nhưng ánh sáng là một phần rất quan trọng, chính vì thế năm 2016 anh đã đầu tư kinh phí hơn 580 triệu đồng để lắp thêm 70 bóng đèn Led và 140 bóng đèn siêu. Đồng thời, sử dụng 2 máy phát điện chạy bằng dầu để đánh bắt cá cơm, cá hố, mực. Từng có kinh nghiệm trong nhiều năm gắn bó với nghề biển, anh Việt chia sẻ: ánh sáng đối với con cá có ý nghĩa như là tín hiệu thức ăn, sự tạo đàn, định hướng di chuyển. Ban đêm các loài cá thường nổi lên mặt nước, khi đàn cá có mật độ dày đặc, chúng thường chuyển động vòng tròn quanh nguồn sáng. Ánh sáng càng tốt thì thu hút được đàn cá về phía tàu của mình sẽ nhiều hơn. Lúc này, áp dụng các công nghệ trong khai thác hải sản, tàu của anh thả được những mẻ lưới nặng trĩu cá. Một tháng nếu thời tiết thuận lợi, gặp may mắn thì tàu của anh vươn khơi từ 2 – 4 chuyến ở vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, tổng giá trị đạt 500 triệu đồng. Sau khi tất cả các khoản chi phí, 12 thuyền viên trên tàu của anh có thu nhập 7 triệu đồng/ người/ tháng.
Toàn huyện Quỳnh Lưu có gần 1.200 phương tiện tàu thuyền, công suất bình quân 260CV/tàu. Nhờ từng bước đầu tư các trang thiết bị hiện đại, lắp đặt thiết bị hàng hải và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác nên sản lượng đánh bắt hải sản toàn huyện hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, tổng giá trị đạt từ 1.350 – 1.500 tỷ đồng. Có được kết quả này thì công nghệ ánh sáng đóng góp một phần quan trọng. Bởi trước đây các tàu chỉ có từ 30 – 50 bóng đèn siêu thì đến nay có tàu nhiều lắp đến 500 bóng đèn, trung bình thì từ 200 – 300 bóng trên một tàu. Nhờ đó, tạo ra một vùng ánh sáng lớn để tập trung nguồn cá. Đặc biệt trong 3 năm gần đây, Quỳnh Lưu đã có 30 tàu chủ yếu ở xã Tiến Thủy và Quỳnh Nghĩa mạnh dạn đầu tư lắp đặt từ 50 - 100 bóng đèn Led. Mặc dù, chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng loại bóng này trong quá trình sử dụng đã mang lại nhiều ưu điểm như đỡ tốn chi phí nhiên liệu dầu, giảm tác hại của ánh sáng đối với sức khỏe của các lao động, tuổi thọ đèn cao hơn, độ sáng tốt nên giúp ngư dân thu lại hiệu quả cao từ nghề.
Ông Bùi Xuân Trúc – Phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: Đặc thù nghề ở Quỳnh Lưu là khai thác hải sản kết hợp với ánh sáng, cho nên các tàu thường lắp đặt nhiều bóng đèn, nhất là bóng đèn Led. Một con tàu nếu lắp đặt hoàn thiện hệ thống bóng Led cần chi phí 1 tỷ đồng. Đèn Led có nhiều ưu điểm nhưng chi phí đầu tư lớn nên hiện ngư dân Quỳnh Lưu đầu tư loại bóng này đang còn hạn chế. Hiện tại, ở huyện có một số mô hình của Sở khoa học công nghệ nên các tàu được hỗ trợ lắp đặt 50% giá trị bóng nhưng cũng giới hạn trong vòng từ 50 – 100 bóng. Còn phía huyện đang đề xuất với tỉnh trong chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào khai thác hải sản thì bổ sung thêm chính sách lắp đặt bóng đèn Led, nhằm giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao năng suất lao động cho người dân.
Ngư trường khai thác hải sản của ngư dân Quỳnh Lưu rất rộng, trong khi phương tiện tàu thuyền ở nước ta khá lớn, do vậy để cạnh tranh được việc khai thác với tàu ở các tỉnh khác thì việc đầu tư vào hệ thống ánh sáng là điều cần thiết. Chính vì thế, hy vọng các cấp sớm có chính sách hỗ trợ giúp bà con ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác, góp phần phát triển mũi nhọn kinh tế thủy sản ở Quỳnh Lưu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin