Thời điểm này năm ngoái, gia đình bà Lê Thị Lạc ở xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) huy động nhân công ra vườn chăm bón, kích thích cho hơn 1.200 gốc thanh long để vào khoảng tháng 5 là sẽ cho thu hoạch quả. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng Covid- 19 khiến thanh long ở các tỉnh miền Nam khó xuất khẩu sang Trung Quốc nên khắp thị trường tràn ngập thanh long. Nhận thấy việc kích thích cho cây ra quả trong thời điểm này sẽ gây bất lợi, ảnh hưởng đến kinh tế nên gia đình bà ngừng mọi công đoạn.
Bà Lạc cho biết, nếu bây giờ kích hoa thì khoảng sau 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch quả. Trường hợp thanh long ở miền Nam chưa thể xuất khẩu được và buộc phải vận chuyển về các địa phương để bán với giá rẻ. Nếu gia đình kích thanh long ra quả để thu hoạch trong giai đoạn này thì rất khó cạnh tranh bởi giá cả chênh lệch.
“Như các năm, thời gian này gia đình thuê khoảng 5 công nhân chăm sóc, đến khoảng tháng 5 – 6 là thu hoạch quả. Sau đó tiếp tục chăm sóc và kích quả để thu hoạch liên tục từ tháng 5 – hết tháng 8 dương lịch. Mỗi năm gia đình thu về khoảng gần 10 tấn thanh long. Với giá bán 15.000 đồng/kg, gia đình thu về hơn 100 triệu đồng” - bà Lạc nói.
Theo bà Lạc, ngoài việc sử dụng thuốc sinh học kích ra quả thì gia đình bà đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt trạm biến áp, mua bóng đèn giăng khắp vườn để kích quả. Tuy nhiên, do chưa cần thiết nên gia đình bà ngừng các công đoạn này nhằm đối phó với dịch Covid- 19, bảo toàn vốn đầu tư chăm sóc.
Còn tại vườn thanh long bạt ngàn của gia đình ông Đàm Duy Từ ở xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu) cũng chưa vội vàng kích quả do thị trường đang khó tiêu thụ vì ảnh hưởng dịch Covid – 19. Với hơn 1.000 gốc thanh long trong vườn, những ngày này gia đình ông tăng cường phun tưới nhỏ giọt để tạo ẩm cho đất, tránh cây ra hoa kết trái.
Ông Từ cho biết, thanh long là cây nhiệt đới, thích hợp khí hậu nắng nóng, chịu hạn giỏi, không chịu được úng. Nếu chăm bón tốt thì rất dễ bung hoa và cho năng suất cao. Tuy nhiên vì không muốn cây ra quả sau 1 – 2 tháng tới nên gia đình tăng công suất tưới lên 3 – 4 lần/ngày để cho cây giảm nhiệt, hạn chế sự đâm mầm, trổ hoa. Ngoài ra, gia đình cũng điều chỉnh lượng phân bón phù hợp, không bón nhiều phân mà chỉ bổ sung phân hữu cơ vi sinh thay vì phân chuồng để cây duy trì sinh trưởng.
“ Vụ thanh long này, gia đình đầu tư 500 triệu lắp đặt hệ thống tưới phun nhỏ giọt. Mặc dù chi phí đầu tư theo phương pháp tưới nhỏ giọt ISRAEL ban đầu khá cao, song chi phí đầu vào giảm được 3 lần so với tưới tràn trong điều kiện thời tiết nắng hạn. Nếu thuận lợi thì gia đình đã tiến hành xử lý thuốc ra hoa nhưng do ảnh hưởng của dịch nên gia đình không dám mạo hiểm đầu tư nhiều mà chỉ tăng cường phun tưới nước, đồng thời tỉa bớt cành già, cành bệnh, vệ sinh vườn sạch sẽ, chăm sóc lứa chồi hiện có chờ dịp thuận lợi sản xuất trở lại”, ông Từ cho hay.
Quỳnh Lưu hiện có khoảng gần 10 ha diện tích trồng thanh long tập trung ở các xã Quỳnh Tam, Quỳnh Đôi, Quỳnh Thuận.. với khoảng trên 3.000 gốc. Ngoài vụ ra trái tự nhiên vào khoảng tháng 5-8 dương lịch, các hộ còn xử lý cho thanh long ra trái nghịch vụ bằng kỹ thuật chong đèn ban đêm - một năm ba lứa (một lứa ba tháng). Chi phí đầu tư cao, thanh long chong đèn phải có giá 13.000 - 14.000 đồng một ký trở lên, nông dân mới lãi. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid – 19 đang phức tạp nên người dân chỉ còn cách chờ đợi, không dám đầu tư để tránh thiệt hại.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin