Kinh tế

Những mô hình kinh tế hiệu quả ở vùng cao Tân Kỳ

11:22, 23/05/2020
Phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương về diện tích đất rộng, nguồn lao động nông thôn dồi dào nên những năm gần đây huyện Tân Kỳ đã khuyến khích bà con phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại và đã phát huy được hiệu quả. Điển hình tại xã vùng cao Tân Hợp đã xuất hiện nhiều mô hình đem lại thu nhập khá cho người dân.

Tân Hợp là xã vùng cao có 90% dân số là đồng bào dân tộc Thổ sinh sống, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung của huyện Tân Kỳ. Bởi vậy xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nên hàng năm UBND xã đã ban hành các chương trình đề án khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại.

Diện tích đất đồi rộng thuận lợi phát triển chăn nuôi dê.

Gia đình anh Trương Văn Đại ở xóm Tân Lập xã Tân Hợp hiện là chủ trang trại tổng hợp có quy mô khá. Nhận thấy diện tích đất đồi núi rộng nên gia đình anh đã nhận khoán 55 ha để phát triển kinh tế, trong đó gia đình đã quy hoạch trồng 20 ha keo nguyên liệu, chăm sóc bảo vệ diện tích rừng tái sinh. Số diện tích còn lại anh đã khoanh vùng để phát triển chăn nuôi 10 con bò sinh sản và 50 con dê, cải tạo ao để nuôi cá. Bằng ý chí nghị lực giám nghĩ giám làm, không ngại khó ngại khổ, sau bao năm vất vả hiện nay mô hình kinh tế tổng hợp đã đem lại giá trị kinh tế cho gia đình anh hơn 300 triệu đồng/ năm.

Đàn bò của gia đình anh Trương Văn Đại ở xóm Tân Lập xã Tân Hợp.

“Trước đây gia đình trồng rừng và nuôi lợn rừng nhưng 2 năm trở lại đây đã đầu tư nuôi thêm bò và dê cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhất là con dê phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây và thức ăn chủ yếu của dê là lá rừng nên chi phí đầu tư không cao mà nhanh cho lợi nhuận” - anh Đại chia sẻ.

Còn gia đình anh Lại Văn Sơn ở xóm Yên Hòa xã Tân Hợp lại chọn phát triển mô hình trang trại trồng cây ăn quả. Trên diện tích 3,2 ha đất ven đồi năm 2016 gia đình anh đã dày công cải tạo, biến vùng đất hoang vu sỏi đá để trồng 1000 gốc cam, 100 gốc bưởi, 200 gốc quýt, chanh và chăn nuôi thêm gia cầm. Đây là những cây trồng khó tính, bởi vậy anh luôn kiên trì tìm hiểu, học hỏi qua sách báo, ti vi, qua tham quan trực tiếp các mô hình hiệu quả để trồng, chăm sóc đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Hiện nay diện tích cam chính vụ cho sai quả hứa hẹn đem lại thu nhập khá cho gia đình.

Anh Lại Văn Sơn( Áo xanh) đang chăm sóc vườn cam.

“Trước đây trồng sắn, ngô không hiệu quả nên gia đình quyết định đầu tư trồng cây ăn quả, bước đầu thấy rất phù hợp và gia đình tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi và cam”- anh Sơn vui mừng bày tỏ.

Gia đình anh Trương Văn Đại và anh Lại Văn Sơn chỉ là hai trong số nhiều hộ dân xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng, trồng cây ăn quả, trong đó có 7 hộ chăn nuôi dê hàng hóa với tổng đàn mỗi hộ từ 50 con trở lên. Nhờ biết chọn nuôi những con vật phù hợp với điều kiện tự nhiên, được thị trường ưa chuộng và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên hiện nay có 15 trang trại, gia trại đã phát huy hiệu quả, bình quân mỗi trang trại cho giá trị kinh tế từ 200 triệu đồng trở lên/ năm. Đây là hướng đi mới giúp bà con xã vùng cao Tân Hợp thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa đem lại thu nhập khá cho gia đình.

Vườn cam, bưởi của gia đình anh Lại Văn Sơn cho năng suất cao.

“Xã tiếp tục tập trung phát triển kinh tế trang trại gia trại, quy hoạch vùng tập trung chăn nuôi ngoài đồng, tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận được các nguồn vốn vay và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, cho bà con đi tham quan các mô hình trang trại hiệu quả trong huyện và các huyện lân cận” - bà Nguyễn Thị Khuyên, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp trao đổi.

Đàn dê của gia đình anh Trương Văn Đại ở xóm Tân Lập xã Tân Hợp.

Với chủ trương sát đúng, chính sách kích cầu phù hợp trong phát triển kinh tế của cấp ủy chính quyền địa phương, nhất là người dân chịu thương chịu khó, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất nên từ 1 xã đặc biệt khó khăn, xã Tân Hợp đang vươn lên khởi sắc, nhanh chống đẩy lùi nghèo đói, tỷ lệ hộ nghèo từ 30,72% năm 2015 giảm xuống còn 8,91% cuối năm 2019. Đây là cơ sở, nền tảng vững chắc giúp người dân xã vùng cao Tân Hợp tiếp tục phát triển sản xuất, cải thiện nâng cao đời sống, sớm thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Kỳ.

Cẩm Tú- Trọng Hùng

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện