Lương Hồng Sơn sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp ở xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn. Điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, gác lại chuyện học hành, chàng trai trẻ 9X nung nấu ý tưởng phát triển kinh tế. Ấn tượng với mô hình nuôi chim cút đẻ lấy trứng, Sơn tự tìm tòi trên sách báo và tìm đến những mô hình thành công ở một số tỉnh phía Nam để học tập kinh nghiệm. Sơn may mắn được vào làm tại một trang trại chăn nuôi chim cút, sau hơn 2 năm đã tích lũy được những kiến thức cơ bản.
Chàng thanh niên 9X người dân tộc Thái Lương Hồng Sơn thành công với mô hình nuôi chim cút để trứng. |
Năm 2018, Lương Hồng Sơn quyết định về quê nhà lập nghiệp. Với số vốn ban đầu gần 150 triệu đồng tích lũy được, Sơn đã xây dựng trang trại chăn nuôi chim cút khép kín. “Ban đầu, tôi chỉ nuôi gần 1.000 cặp để thử nghiệm. Nhận thấy chim cút dễ nuôi, cho thu nhập cao hơn so với chăn nuôi heo, gà, vịt nên đầu năm 2019, tôi quyết định đầu tư mua thêm con giống và lò ấp trứng để cung cấp trứng chim cút giống cho người dân địa phương”, Sơn chia sẻ.
Thời gian nuôi chim cút từ lúc xuất chuồng thành chim giống đến khi đẻ trứng gần 2 tháng. Mỗi lứa chim cút cho khai thác trứng trong vòng 5 - 6 tháng, nếu chăm sóc tốt hơn, chim sẽ đẻ trứng liên tục tới khoảng 9 tháng với tỷ lệ cho trứng khoảng 80%. Hết thời gian thu trứng, chim được nuôi để bán thịt.
Ngoài tuân thủ kỹ thuật trong chăn nuôi, Lương Hồng Sơn áp dụng phương pháp cho chim nghe nhạc để tăng sản lượng trứng. |
“Yếu tố quan trọng nhất để nuôi chim cút khỏe mạnh, phát triển tốt là vệ sinh môi trường. Chuồng trại cần được dọn dẹp sạch mỗi ngày. Nhiệt độ chuồng luôn đảm bảo ở mức 30 - 32 độ C, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Đồng thời, phải cung ứng đủ lượng nước sạch cho chim uống, thường xuyên kiểm tra theo dõi để sớm phát hiện các triệu chứng mắc bệnh nhằm có biện pháp xử lý kịp thời”, Sơn chia sẻ thêm về kinh nghiệm nuôi chim cút.
Trại nuôi chim cút của Hồng Sơn hiện có hơn 7.000 con, trong đó có khoảng 5.000 con đang thời kỳ sinh sản. Ngoài kỹ thuật chăn nuôi cơ bản, Sơn còn cho chim cút nghe nhạc để giảm tiếng động khiến chim giật mình, mất sản lượng trứng. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Sơn thu về 3.500 - 3.700 quả trứng. Với giá bán khoảng 4.000 đồng/chục trứng, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa thu về gần 150 triệu đồng. Ngoài ra, Sơn còn nuôi thêm chim cút thịt, làm chuồng để ấp trứng cút lộn và nhận bao tiêu sản phẩm từ chim cút cho đoàn viên cũng như bà con trong vùng.
Ấp con giống tại trại. |
Hồng Sơn đầu tư máy móc ấp trứng lộn bán ra thị trường. |
Đánh giá về chàng thanh niên năng động này, anh Lê Trung Kiên - Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn cho biết: Không những làm kinh tế giỏi, Sơn còn là một Bí thư chi đoàn thanh niên năng động, nhiệt huyết trong phong trào Đoàn. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, bước đầu, Sơn đã thành công với mô hình nuôi chim cút, đem lại thu nhập cao. Hiện đã có nhiều đoàn viên thanh niên trong và ngoài xã đến học hỏi kinh nghiệm từ mô hình kinh tế này. Chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động nhiều thanh niên khác học tập mô hình này, hướng đến tiêu thụ ra các huyện khác.
Đoàn viên thanh niên học tập kinh nghiệm tại trang trại. |
“Sắp tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô cũng như số lượng con. Bản thân sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn về con giống và xây dựng mô hình nuôi chim cút cho đoàn viên thanh niên và người dân”, Hồng Sơn bày tỏ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin