Khá nhiều kho cấp đông hải sản trên địa bàn thị xã Hoàng Mai còn tồn hàng do xuất khẩu gặp khó vì dịch. |
Sốt ruột với hơn 2.000 tấn hải sản còn trữ trong kho lạnh, những ngày này ông Lê Hội Hưng - Giám đốc hợp tác xã (HTX) Đoàn kết - tại xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) như ngồi trên đống lửa: "Lao động vất vả trên biển giờ lại cơ cực với nỗi lo hải sản tồn kho có nguy cơ hư hỏng, nợ nần chi phí cho chuyến biển. Cả HTX có 30 kho đông lạnh, chuyên cấp đông các mặt hàng hải sản; cá cơm, cá đốm, mực... với trữ lượng 3.000 tấn. Toàn bộ hải sản cấp đông của HTX trước đây phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc".
Ông Hưng xác nhận, lâu nay hải sản nơi đây xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc chiếm hơn 80%. Tuy nhiên, từ khi có dịch Covid-19 đến nay, phía Trung Quốc dừng nhập khẩu hải sản, khiến hàng đông lạnh bị tồn kho với số lượng ngày càng nhiều. Mặc dù HTX tìm mọi giải pháp để tiêu thụ hải sản nội địa, nhưng số lượng tồn kho vẫn lớn.
"Từ trước đến nay, chưa bao giờ hải sản đông lạnh tồn kho nhiều đến thế. Hàng không xuất khẩu được, buộc phải tìm cách tiêu thụ nội địa, giá chấp nhận giảm xuống 20 - 25%" - ông Hưng cho hay.
Theo ngư dân xã Quỳnh Lập, những năm trước tàu vừa cập bến, thương lái thu mua hải sản đưa đi xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và một số nước lân cận. Còn năm nay do dịch các nước này bất ngờ không nhập khẩu nữa. Trước tình hình này, hàng loạt tàu cá hành nghề đánh bắt đành phải "nằm bờ" do hải sản rớt giá và không có thương lái thu mua.
Mực đông lạnh xuất khẩu tồn kho khá nhiều ở TX Hoàng Mai. |
Cùng cảnh ngộ lao đao với ngư dân, một số kho cấp đông hải sản ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) cũng khốn khó. Chủ kho đông lạnh Hoa Hoàn than thở, kho cấp đông của gia đình có thể chứa được gần 300 tấn hải sản. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, nên việc xuất khẩu hải sản của gia đình tồn kho nhiều ngày chưa thể bán được.
Do xuất khẩu hải sản đang gặp khó, các cơ sở cấp đông luôn trong tình trạng đầy kho, khiến hải sản giảm giá trong thời điểm tàu cá về nhiều. "Lâu nay chúng tôi bán hải sản chủ yếu sang thị trường Trung Quốc nhưng giờ thì tắc nghẽn khiến ai cũng khóc dở mếu dở", vị này chia sẻ.
Hiện trên địa bàn Nghệ An có hơn 300 kho cấp đông hải sản, tập trung ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TX. Hoàng Mai, TX. Cửa Lò... tổng công suất lưu chứa hàng chục nghìn tấn. Cũng theo một số chủ kho cấp đông thì tại cơ sở cấp đông chuyên tiêu thụ nội địa mức độ tồn kho không lớn, còn đối với những cơ sở cấp đông chuyên xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên khó tiêu thụ, lượng hàng hóa tồn kho quá lớn, hiện các chủ kho đông lạnh chưa có hướng giải quyết.
Theo ông Bùi Xuân Trúc - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu: Để chia sẻ khó khăn cùng ngư dân địa phương, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương lái, chủ tàu tổ chức lại quy trình sản xuất, thu mua, chế biến theo chuỗi giá trị để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nước nhập khẩu. Về lâu dài, chính các doanh nghiệp trong nước cần phải chế biến sâu các mặt hàng từ hải sản khô để giúp ngư dân có thể tiêu thụ được sản phẩm trong chính thị trường nội địa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin