Kinh tế

Các làng nghề ở Quỳnh Lưu nhộn nhịp sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường tết 

21:07, 01/01/2021
Thời gian qua,  do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 nên tình hình sản xuất kinh doanh của các cơ sở trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu bị ảnh hưởng rất lớn, nhiều đơn hàng bị tạm hoãn, dây chuyền sản xuất bị đình trệ. Tuy nhiên khắc phục khó khăn, hiện nay các nhà xưởng, nhà máy và các làng nghề đang đẩy mạnh sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm phục vụ tết Nguyên đán cũng như tăng thu nhập cho người lao động.

Cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ của anh Nguyễn Văn Thành xóm 13 xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, mỗi năm chế biến cưa xẻ khoảng 1.000m3 gỗ và chế tạo hơn 300 sản phẩm mộc nội thất. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các đơn hàng bị tạm hoãn, cùng với đó thực hiện 2 đợt cách ly xã hội nên xưởng của anh cũng đóng cửa cho công nhân nghỉ. Chính vì vậy, doanh thu giảm hơn 2/3 so với năm 2019. Hiện nay, bước vào những tháng cuối năm khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát, các hợp đồng sản xuất đồ gỗ nội thất  tăng trở lại, anh Thành đã động viên công nhân làm tăng ca, thêm giờ, đồng thời mua sắm thêm các loại thiết bị máy móc hiện đại  để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đơn hàng. 

 Các làng nghề ở Quỳnh Lưu nhộn nhịp sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường tết

Anh Nguyễn Văn Thành- Chủ cơ sở mộc mỹ nghệ Thành Anh xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: "Đầu năm gặp dịch bệnh nên rất khó khăn, mất 6 tháng xưởng mộc đóng cửa nghỉ dịch nên cũng vất vả. Tuy nhiên 3 tháng cuối năm thì các đơn hàng tăng lên, công nhân quay trở lại làm việc bình thường để phục vụ nhu cầu thị trường tết. Hiện nay xưởng đang tăng công suất sản xuất các sản phẩm nội thất gia đình như bàn ghế, tủ thờ, tủ quần áo, ông thần tài và chạm trỗ khoảng 3 cái nhà thờ để khách dựng nhà vào cuối tháng 12 âm lịch".

Dự kiến trong dịp trước và sau tết Nguyên Đán 2021 cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ Thành Anh xóm 13 xã Quỳnh Thạc, huyện Quỳnh Lưu phải hoàn thành  gần 100 đơn hàng gồm bàn thờ, bàn ghế, giường, tủ  và tượng ông thần tài,  phục vụ  khách hàng trang trí nhà cửa. Ngoài ra, anh còn ký 10 hợp đồng nhận thiết kế thi công nhà gỗ, nhà thờ tam cấp  với  giá trị  khoảng 6 tỷ đồng. Để hoàn thành khối lượng công việc đó thì ngoài 20 thợ mộc thường xuyên anh phải thuê thêm 10 công nhân thời vụ tăng ca từ nay đến tết Nguyên đán với hy vọng hoàn thành các đơn hàng và tăng thêm doanh thu vào dịp cuối năm. Chị  Nguyễn Thị Thủy, công nhân đánh giấy nhám tại xưởng mộc Thành Anh phấn khởi cho hay, cuối năm công việc ở xưởng bắt đầu nhiều hơn nên công nhân phải làm việc tăng ca để kịp hoàn thành sản phẩm cho khách hàng. Mặc dù thời tiết rét đậm nhưng khi đã tăng ca thì mức lương cũng tăng lên nên tất cả công nhân đều phải cố gắng để có thu nhập lo một cái tết đầy đủ.

Công nhân tăng ca sản xuất tại xưởng mộc Thành Anh .

Còn đối với làng nghề  chế biển hải sản thì thời điểm cuối năm là dịp làm ăn nhộn nhịp nhất. Toàn huyện Quỳnh Lưu có 5 làng nghề và làng có nghề chuyên chế biến hải sản truyền thống gồm cá khô, mực khô, nước mắm, ruốc biển thu hút hơn 5.000 hộ làm nghề. Trung bình một năm bà con xuất bán ra thị trường khoảng  65 nghìn tấn cá mực và 10 triệu lít nước mắm, mắm tôm. Thế nhưng từ đầu năm đến nay công việc sản xuất của bà con có phần ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng hóa tiêu thụ chậm. Để  vực dậy  nghề truyền thống cũng như tăng thu nhập , thời điểm này các hộ sản xuất nước mắm, cá khô, các kho cấp đông hải  sản trên địa bàn  huyện đang tập trung công nhân đẩy mạnh sản xuất, đóng gói, phân phối hàng hóa. Do các thị trường nước ngoài đang gặp khó cho nên để tăng đơn hàng tiêu thụ trong nước, các cơ sở kinh doanh, đại lý tăng cường quảng bá qua mạng xã hội, hội thảo trưng bày sản phẩm với mong muốn có thêm nguồn thu nhập vào dịp cuối năm.

"Hiện nay, chuẩn bị hàng tết nên cơ sở chúng tôi phải thuê thêm 10 công nhân là chị em phụ nữ trong thôn để chắt nước mắm, đóng chai và đóng hàng. Hiện nay nước mắm Dũng Loan xuất hàng chủ yếu đi thị trường Hà Nội, Sài Gòn, các tỉnh miền tây. Công suất làm việc phải đẩy nhanh tiến độ từ tháng 9 âm lịch" - chị Đàm Thị Hậu, cơ sở sản xuất nước mắm Dũng Loan huyện Quỳnh Lưu cho hay.

Không khí lao động cuối năm tại công ty gạch Tuynen xã Quỳnh Thắng huyện Quỳnh Lưu.

Tính đến thời điểm này, huyện Quỳnh Lưu có 44 làng nghề và làng có nghề, gần 200 công ty, doanh nghiệp tập trung sản xuất chế biến mộc mỹ nghệ, hải sản, mây tre đan,  bún bánh, vật liệu xây dựng tạo việc làm cho gần 15  ngàn lao động với mức thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc sản xuất kinh doanh gặp khó tuy nhiên nhờ sự quan tâm chỉ đạo của huyện Quỳnh Lưu nên hầu hết các doanh nghiệp và làng nghề vẫn duy trì hoạt động. 

"Từ nay đến dịp tết Nguyên đán huyện Quỳnh Lưu sẽ có các biện pháp hỗ trợ kích cầu sản xuất, đồng thời chỉ đạo 33 xã thị trấn có kế hoạch định hướng phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề năm 2021. Trong đó tập trung quy hoạch đất mở rộng các làng nghề, làng có nghề tập trung theo hướng chuyên nghiệp, xa khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Ngoài ra  chú trọng hỗ trợ thủ tục hành chính, vay vốn, cấp phép cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể nhằm đa dạng các loại hình kinh tế góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn" - ông Nguyễn Văn Quý, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu trao đổi.
 
 

Như Thủy 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện