Bước chân vào xóm Bích Thái nơi có nhiều gia đình sản xuất miến gạo truyền thống lâu năm, không khí hoạt động sản xuất, mua, bán miến gạo diễn ra sôi động. Tất cả các khoảng đất trống cạnh nhà đều được các hộ thiết kế giàn đỡ để phơi cho được nắng. Sản phẩm miến gạo tại xóm Bích Thái, xã Nghĩa Thái huyện Tân Kỳ được biết đến chính nhờ chất lượng mà người sản xuất đưa vào sản phẩm, đó cũng chính là yếu tố then chốt để chinh phục người tiêu dùng hiện nay.
Gia đình anh Nguyễn Văn Kỳ có 30 năm gắn bó với nghề làm miến gạo - nghề truyền thống của ông bà truyền lại. |
Gia đình anh Nguyễn Văn Kỳ xóm Bích Thái đã có 30 năm gắn bó với nghề làm miến gạo. Đây là nghề truyền thống từ thời ông bà để lại với thương hiệu “Miến Bà Tài". Để có sợi miến dẻo, ngon thì gạo sau khi ngâm, xay và cho vào máy để cán phải luôn đảm bảo sạch sẽ, miến sau khi cắt sẽ được phơi tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời, sau đó đóng gói cẩn thận. Bình quân mỗi ngày gia đình anh sản xuất gần 150 kg gạo, cho ra thành phẩm miến khoảng 93% khối lượng gạo.
Đang rửa những sợi miến được ủ từ đêm qua anh Nguyễn Văn Kỳ cho biết “Sợi miến sau khi được cán ra và ủ 12 tiếng xong thì đưa ra rửa sạch bằng nước giếng trong nhằm mục đích cho sợi miến tơi ra và được sạch sẽ, đảm bảo khách hàng sử dụng đảm bảo an toàn vệ sinh”.
Còn gia đình chị Thái Thị Cúc ở cùng xóm cũng là một trong những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề làm miến. Chị Cúc cho biết, để có được sợi miến ngon thì gạo dùng làm miến là gạo quê do chính người dân trong làng Bích Thái sản xuất ra, nước rửa gạo phải là nước giếng, ngoài ra không bỏ thêm chất phụ gia nào khác. Mỗi tháng gia đình chị sản xuất được khoảng 900 kg Miến, với giá bán dao động từ 18 – 20 nghìn đồng/kg thì mỗi tháng gia đình chị thu về nguồn lãi ròng trên 10 triệu đồng. Dịp cuối năm, mọi quỹ thời gian đều được gia đình dồn vào việc làm miến để kịp phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết.
Gạo được dùng làm miến là gạo do chính người dân trong làng Bích Thái sản xuất, không bỏ thêm chất phụ gia nào khác. |
Chị Thái Thị Cúc tâm sự: “Chúng tôi chọn gạo làm miến phải là gạo khang dân, gạo Q5 để làm ra sản phẩm ngon hơn và dai, ăn vào không bị bở, ngoài ra chúng tôi không bỏ bất kỳ chất phụ gia nào cả”.
Những năm gần đây, người làm Miến ở xã Nghĩa Thái huyện Tân Kỳ đã chủ động đầu tư máy móc vào một số công đoạn sản xuất nên năng suất cao hơn, thu nhập vì thế cũng được cải thiện đáng kể. Theo những người làm nghề nơi đây, nguyên liệu duy nhất của miến là bột gạo thường, không dùng thêm một chất phụ gia nào khác, đồng thời các hộ làm Miến đều cam kết với chính quyền địa phương không sử dụng chất bảo quản, chất làm trắng, luôn bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới xây dựng Miến gạo Nghĩa Thái huyện Tân Kỳ đạt sản phẩm 0COP.
Do nhu cầu thị trường tăng cao nên vào mỗi dịp Tết, khách bán buôn từ các nơi cũng phải đến đây gom hàng và đặt trước từ tháng 10 âm lịch. Hiện nay, ngoài sản xuất Miến gạo trắng truyền thống, nhiều hộ gia đình tại xóm Bích Thái còn đa dạng thêm các sản phẩm khác như kẹo cu đơ, các loại bánh quê nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng.
“Xã đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo bà con sản xuất Miến tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm can toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngoài thị trường, xã sẽ đăng ký sản phẩm Miến gạo Nghĩa Thái đạt sản phẩm OCOP vào năm 2021” - ông Bùi Đình Cảnh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái huyện Tân Kỳ trao đổi.
Bình quân mỗi ngày các gia đình sản xuất gần 150 kg gạo. |
Mỗi năm, vào dịp Tết đến, công việc của người dân ở làng nghề truyền thống làm miến gạo càng thêm bận bịu, vất vả nhưng ai cũng cảm thấy vui mừng, phấn khởi bởi đây là mùa cao điểm, tăng thêm nguồn thu nhập. Với họ, khi việc sản xuất thuận lợi, hàng hóa đến tay người tiêu dùng nghĩa là một mùa Xuân ấm áp, Tết sung túc, đầm ấm đang đến mọi nhà.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin