Gia đình chị Bùi Thị Thuỷ ở xóm Xuân Lý xã Tân Phú huyện Tân Kỳ có 1 ha diện tích trồng cam đã năm thứ 6, đây là vụ thứ 2 gia đình thu hái quả, xuất bán 13 tấn cam chính vụ thu về 200 triệu đồng. Hiện nay, gia đình còn một số diện tích cam muộn, ước đạt trên 3 tấn quả phục vụ thị trường tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Để đảm bảo đạt tiêu chuẩn OCOP, gia đình chị đã thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đảm bảo an toàn. Năm nay do thời tiết diễn biến phức tạp nên ảnh hưởng đến quá trình đậu quả cũng như mẫu mã sản phẩm.
Bình quân 4 quả cam đạt trọng lượng 1 kg. |
"Trong quá trình chăm sóc gia đình sử dụng bón bằng phân hữu cơ sinh học do gia đình tự ủ cá, ớt cay, tỏi, gừng lại với nhau rồi phun nên rất hiệu quả. Tuy nhiên thì do thời tiết phức tạp nắng gắt, rét đậm nên năm nay quả cam nám nhiều, mẫu mã không đẹp như mọi năm” - chị Thủy cho biết thêm.
Cam là cây trồng truyền thống có từ lâu ở xã Tân Phú huyện Tân Kỳ, là cây trồng mũi nhọn giúp người dân có thu nhập ổn định, vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo chọn cam làm sản phẩm để xây dựng thương hiệu trên diện tích 30 ha tại tổ hợp tác cam sạch Sông Con với sự tham gia của 25 hộ dân ở xã Tân Phú. Nhờ sản xuất đảm bảo quy trình, sản phẩm đạt chất lượng nên tháng 2 năm 2020, Cam Tân Phú được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao OCOP khi tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An năm 2019. Hiện nay bà con chủ yếu trồng giống cam Xã Đoài với ưu điểm ít hạt, ngọt đậm, dễ bóc tách, mẫu mã đẹp, được thị trường ưa chuộng. Bình quân mỗi ha cam cho giá trị kinh tế 300 triệu đồng.
Bà con xã Nghĩa Bình đang tiến hành khâu quay mật. |
Ông Võ Văn Tuân- Chi hội trưởng nông dân xóm Xuân Lý xã Tân Phú huyện Tân Kỳ cho biết.“Với 25 hộ sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP, hiện nay các hộ có cam muội đang chuẩn bị xuất bán dịp 23 tháng chạp và dịp tết nguyên đán Tân Sửu 2021. Tất cả các hộ tuân thủ quy trình sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng. Bởi vậy mà cam Tân Phú không chỉ xuất bán trên địa bàn huyện mà đã có mặt tại thành phố Vinh, Thành Phố Hà Nội và các tỉnh khác”.
Thời gian này bà con không quay mật mà để duy trì số lượng các đàn ong. |
Cùng với cam xã Tân Phú thì hiện nay mật mía xã Tân Hương đang được khách hàng ưa chuộng trong dịp tết. Hiện nay toàn xã Tân Hương có 28 hộ làm nghề ép mật mía, mỗi năm đem lại tổng thu nhập hơn 3 tỷ đồng. Trong quá trình sản xuất, xã Tân Hương đã chỉ đạo thành lập tổ hợp tác sản xuất mật mía, đồng thời chỉ đạo bà con sản xuất theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ thiết kế nhãn mác, nguồn gốc truy xuất rõ ràng… Nhờ vậy sản phẩm mật mía xã Tân Hương đã được người tiêu dùng ưa chuộng và được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2020.
Các hộ làm mật xã Tân Hương đang hối hả ép mía xuất bán vào dịp tết. |
Gia đình Chị Nguyễn Thị Mai là một trong những hộ gắn bó với nghề ép mật mía đã lâu năm. Để nâng cao hiệu quả sản xuất gia đình đã đầu tư mua máy ép mía và xây lò nấu, mỗi lò có từ 4 đến 5 chiếc chảo gang to nối thông với nhau. Những ngày qua gia đình đã tập trung ép mật để đủ xuất bán trong dịp tết nguyên đán Tân Sửu này. Trung bình mỗi ngày gia đình ép từ 4 đến 5 tấn mật.
Chị Nguyễn Thị Mai ở xóm Châu Nam xã Tân Hương huyện Tân Kỳ vui mừng vì vừa qua mật mía gia đình và các hộ khác trên địa bàn xã Tân Hương đạt tiêu chuẩn OCOP. Chị Mai chia sẻ:” Nghế nấu mật nhìn qua vốn đã thấy khó, khi bắt tay vào làm mới thấy khó gấp bội, nếu không có người đi trước hướng dẫn thì không bao giờ làm được mật ngon. Ngoài ra, nghề ép mật mía khá phức tạp, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, chịu khó, tỉ mỉ.. Mỗi lò mật mía muốn hoạt động liên tục thì cần có 3 - 4 lao động làm việc ăn ý với nhau. Quá trình làm phải nhanh tay, bởi trong lúc nấu mật mía, thời gian bắt đầu sôi nếu không vớt kịp bọt, làm nước bị trào thì mật sẽ có màu đen, mất sản lượng và kém thơm ngon”.
Các thành viên tổ hợp tác nuôi ong xã Nghĩa Bình trao đổi kỹ thuật nuôi ong hiệu quả. |
Để phát triển các sản phẩm OCOP, UBND huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo các phòng, ngành chức năng trực tiếp tư vấn hướng dẫn việc áp dụng thực hiện chương trình OCOP, tập huấn nghiệp vụ, hỗ trợ thiết kế nhãn mác, in ấn tem nhãn mác bao bì và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ưu tiên hoàn thiện, chuẩn hóa các sản phẩm đã có và tiếp tục nghiên cứu xây dựng các sản phẩm mới tại các địa phương trong huyện. Năm 2020, huyện Tân Kỳ có thêm 4 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh, bao gồm rượu men lá Tân Hợp, rượu cần Tiên Đồng, Mật mía xã Tân Hương và Mật ong nội xã Nghĩa Bình, nâng tổng số toàn huyện Tân Kỳ có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Hiện nay các sản phẩm đang được bà con các địa phương tập trung sản xuất đáp ứng thị trường tết nguyên đán 2021.
Dán tem truy xuất nguồn gốc trứng gà tại trang trại xã Nghĩa Hoàn đạt tiêu chuẩn OCOP, mỗi ngày xuất bán ra thị trường từ 3000 đến 5000 quả trứng. |
Đến thời điểm này các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP của huyện Tân Kỳ dồi dào sản phẩm để cung ứng thị trường tết nguyên đán Tân Sửu. Cùng với 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP thì các mặt hàng khác như nguồn thực phẩm từ chăn nuôi, thịt bò, thịt gà đạt tiêu chuẩn VietGAP, thịt lợn, thịt trâu, thịt dê… với số lượng, trọng lượng lớn để xuất bán ra thị trường" - ông Nguyễn Công Trung - Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ trao đổi.
Xây dựng “Mỗi xã một sản phẩm” phấn đấu đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương của huyện Tân Kỳ khẳng định được thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền, giúp các hộ sản xuất an tâm khâu tiêu thụ sản phẩm, có nguồn thu nhập ổn định, đón tết nguyên đán Tân Sửu 2021 thêm đủ đầy, vui tươi, kỳ vọng trong năm mới cuộc sống sung túc hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin