Kinh tế

Anh Sơn: Trồng khoai lang trên đất ruộng cho thu nhập cao

10:17, 10/04/2021
Nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm gần đây bà con nông dân xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi đưa giống cây khoai lang vào trồng đại trà trên đất ruộng và một số diện tích đất vệ ở vùng Cồn Kè. Nhờ phù hợp với chất đất nên chất lượng củ khoai bở, ngon ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao được người tiêu dùng ưa chuộng.

Gia đình bà Trương Thị Hiền ở thôn 2 xã Phúc Sơn có kinh nghiệm trồng khoai lang đã nhiều năm. Năm nay gia đình bà đưa vào trồng trên diện tích 1,5 sào đất ruộng ở vùng Cồn Kè. Vừa nhặt những củ khoai to, căng tròn, bà Hiền vừa chia sẻ: "Vùng đất Cồn Kè rất thích hợp với trồng khoai lang, người dân ở đây trồng khoai chủ yếu vào vụ đông xuân, bắt đầu từ tháng 11 âm lịch xuống giống khoai và đến tháng 2 âm lịch thu hoạch".

Gia đình bà Trương Thị Hiền ở thôn 2 xã Phúc Sơn có kinh nghiệm trồng khoai lang đã nhiều năm.

Theo bà Hiền, điều khác biệt của đặc sản khoai lang ở vùng này là giống được bà con tự để từ mùa này sang mùa khác nên chất lượng của nó vừa bột vừa có vị ngọt. Đặc biệt trồng khoai lang trên đất ruộng hiệu quả cao hơn trồng các loại cây khác, ít tốn công và ít chi phí vật tư hơn. Khoai được trồng sau thời gian 4 tháng cho thu hoạch, 1 sào khoai lang cho năng suất đạt 6-7 tạ.

Hiện nay, khoai lang đã trở thành một thứ quà bình dân được người dân ưa chuộng nên cũng dễ bán, với giá loại củ to nhất 15.000 đồng/kg, loại nhỏ từ 7-10 nghìn đồng/kg, mỗi sào cho thu nhập 5 triệu đồng. 

Thời điểm này bà con nông dân Anh Sơn đang ra đồng thu hoạch khoai lang.

Đang tranh thủ đào 5 yến khoai gửi đi cho khách ở Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thơ thôn 2 xã Phúc Sơn cho biết: Gia đình chị có 2 sào đất ruộng không chủ động được nguồn nước, những năm trước chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, rồi bỏ ruộng hoang chờ vụ khác. 5 năm trờ lại đây, sau khi thu hoạch lúa vụ mùa xong, gia đình chị dành 1 vụ để làm khoai lang. Năm nay kể từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch thời tiết không mấy thuận lợi, rất ít mưa nên khoai củ không được to nhưng bù lại cũng được giá. Khoai lang đỏ sau khi thu hoạch được chị Thơ loại bỏ cồi và phân ra thành 2 loại, trong đó loại 1 là những củ khoai to không bị “lỗi”, bán với giá 12- 15 nghìn đồng/kg, còn loại 2 bán với giá 7- 8 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình chị thu về trên 10 triệu đồng.

Khoai được trồng sau thời gian 4 tháng cho thu hoạch.

Theo chị Thơ, giống khoai lang này ăn một lần nhớ mãi bởi hương vị, chất lượng và giá trị dinh dưỡng nên thu hoạch tới đâu, thương lái mua tới đó. Dù cả làng trồng thứ cây này nhưng không bao giờ lo ế, thậm chí có những thời điểm không có khoai mà bán. Thị trường tiêu thụ khoai lang Cồn Kè hiện nay không chỉ trong huyện mà hiện đã mở rộng ra các tỉnh lân cận. 

Bình quân 1 sào khoai lang cho năng suất đạt 6-7 tạ.

Ông Nguyễn Sỹ Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn huyện Anh Sơn cho biết: "Những năm gần đây bà con nông dân xã Phúc Sơn đã chuyển đổi những diện tích lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng khoai lang và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khoai lang ở Phúc Sơn chủ yếu được trồng ở vùng Cồn Kè bởi đất ở đây rất phù hợp. Nhờ chất đất nên khoai có độ bở, bùi của tinh bột, ngọt của chất đường và hương vị thơm ngon hiếm thấy, đặc biệt càng để lâu khoai càng có vị ngọt".

Niềm vui được mùa của bà con nông dân.

Riêng vụ trồng khoai lang năm nay toàn xã Phúc Sơn có 15 ha tập trung ở vùng Cồn Kè thuộc thôn 2, thôn 3 và thôn 4. Hộ trồng nhiều 5 sào, hộ ít 1- 2 sào. Hiện tại đang là thời điểm thu hoạch, tính trung bình 1 ha các hộ thu về từ 80-90 triệu đồng. Với chất lượng khoai lang Cồn Kè nổi tiếng nên những năm gần đây, ngoài tiêu thụ trên địa bàn huyện, còn được khách hàng ở Vinh, Hà Nội đặt làm quà.

Huyện Anh Sơn tiếp tục duy trì và và khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây khoai lang.

Ngoài sản phẩm khoai lang Cồn kè ở xã Phúc Sơn, năm nay toàn huyện Anh Sơn đã chuyển đổi được hơn 60 ha đất không chủ động được nước sang trồng khoai lang nhằm thay thế dần những cây trồng kém hiệu quả. Hầu hết diện tích trồng khoai lang chủ yếu tập trung ở các xã Phúc Sơn, Đức Sơn, Vĩnh Sơn, Tào Sơn. Từ hiệu quả cây khoai lang trên đất ruộng mang lại, thời gian tới, huyện Anh Sơn sẽ cùng với các địa phương tiếp tục duy trì và khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây khoai lang theo hướng hàng hóa trong vụ đông.

Thái Hiền

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện