Lưới điện an toàn hơn khi ngầm hóa
Ngày 7/1/2021, cây cột điện trên đường Minh Khai, TP. Vinh (Nghệ An) bất ngờ bốc cháy ngùn ngụt khiến nhiều người hoảng loạn. Tại hiện trường, cụm dây điện lưới và điện vô tuyến bốc cháy dữ dội. Chỉ sau ít phút, lực lượng PCCC đã dập tắt được đám cháy.
Hay mới đây, vào ngày 5/3, nhiều người đi đường Thành Thái (phường Hưng Phúc, TP. Vinh, Nghệ An), hốt hoảng khi hệ thống dây điện trên đường bốc cháy rừng rực. Theo Điện lực TP. Vinh, sau 10 phút, các lực lượng chức năng đã dập tắt đám cháy. Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người nhưng đã làm hệ thống điện sinh hoạt bị hư hỏng gây mất điện cục bộ tại các xóm dân cư liên quan. Quá trình xử lý sự cố này gây gián đoạn cung cấp điện trong thời gian ngắn với hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng.
Cột khói bốc cao khi xảy ra vụ cháy trên đường Thành Thái, TP. Vinh (Nghệ An) vào ngày 5/3 vừa qua. |
Hay trước đó, một vụ cháy hi hữu vào ngày 29/6/2020, cẩu đá vào bên trong công trình xây dựng ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Khi di chuyển qua đoạn đường này phần trên cần cẩu vướng vào dây điện cạnh trạm biến áp Yên Thịnh. Do điện phóng bất ngờ nên tài xế tử vong tại chỗ. Hai người làm cùng may mắn chạy thoát ra ngoài. Bước đầu, cơ quan điều tra nhận định trong lúc thi công, nhóm công nhân trên bất cẩn không quan sát khoảng cách giữa cần cẩu và đường dây điện dẫn đến vụ phóng điện gây ra vụ cháy.
Từ các sự cố vừa nêu là một trong nhiều sự cố không lường trước đối với lưới điện nổi trên địa bàn thành phố, nhất là vào mùa mưa bão sắp tới. Ông Lê Quang Thanh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An (PC Nghệ An) cho biết, có một thực tế là lưới điện nổi dù thi công, lắp đặt đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật nhưng không tránh khỏi những sự cố bất ngờ... như 2 trường hợp cháy trên cột ở khu vực thành phố là do cháy chập ở hệ thống dây viễn thông “gá” trên cột điện.
Các sự cố có thể kể đến như: sét đánh trúng trạm biến áp; cây xanh bật gốc ngã đổ đè lên đường dây điện; xe tải quá khổ vướng cáp viễn thông kéo ngã cột điện. Hệ thống trụ điện trên địa bàn Nghệ An hiện nay không chỉ đỡ hệ thống dây điện truyền tải, mà còn phải cõng thêm hàng chục, hàng trăm loại cáp viễn thông. "Thực tế đã có không ít trường hợp hệ thống cáp viễn thông này bỗng dưng phát cháy, ảnh hưởng đến cả lưới điện", ông Thanh nói.
Anh Lê Anh Đức - đường Ngư Hải (TP. Vinh - Nghệ An), bày tỏ sự lo lắng khi con hẻm nơi anh sống có hệ thống điện, dây cáp viễn thông quá chằng chịt. Hệ thống đường dây truyền tải điện nổi dù thi công đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt đến đâu cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bởi thực tế, đây là tuyến đường có nhiều cây xanh, các sự cố như sét đánh, bão lũ làm cây gãy đổ không thể lường trước được.
Ngầm hóa được gần 61% đường dây trung thế
Theo ông Phạm Văn Nga - Giám đốc Điện lực TP. Vinh, trong điều kiện lưới điện nổi còn chiếm phần lớn thì ngành điện cần tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao độ an toàn lưới điện hơn nữa. Thời gian qua, khi đầu tư mới ngành điện không đầu tư phần điện nổi nhưng phần lịch sử thì khó mà thực hiện.
Ông Nga cho biết thêm, chi phí đầu tư các dự án ngầm hóa lớn gấp từ 4 - 5 lần so với lưới điện nổi. Ngành điện hiện chưa có nguồn vốn để đầu tư hạng mục này. Kế đến là khó khăn trong việc phối hợp đồng bộ với các đơn vị quản lý dây thông tin và quản lý hạ tầng đô thị. Do đó, việc phối hợp thực hiện ngầm hóa đồng bộ với các đơn vị trên, nhất là các đơn vị quản lý dây thông tin gặp rất nhiều khó khăn. "Theo lộ trình của thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025, sẽ hạ ngầm các tuyến chính của TP. Vinh như: Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hồ Tùng Mậu, Minh Khai…", ông Nga nói.
Lưới điện chằng chịt tại đường Ngư Hải, TP. Vinh. |
Ông Lê Quang Thanh - Phó Giám đốc PC Nghệ An - cũng cho biết, đến nay ở TP. Vinh đã được ngầm hóa 277,83km trên tổng số 454km đường dây trung thế, chiếm 61% tỷ lệ cáp ngầm.
Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, khi triển khai ngầm hóa lưới điện trung thế bên cạnh những mặt hữu ích như, vận hành an toàn, đảm bảo mỹ quan đô thị, tổn thất sẽ giảm hơn so với lưới nổi do cáp có tính chất dung kháng nên có khả năng tự bù… thì không ít những khó khăn gặp phải như, chi phí đầu tư lớn, xử lý sự cố chậm, công tác kiểm tra vận hành khó đòi hỏi có thiết bị chuyên dụng, cải tạo nâng cấp còn gặp nhiều khó khăn…
Trong cuộc làm việc giữa UBND tỉnh Nghệ An với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về một số nội dung liên quan đến tình hình cung ứng điện và công tác đầu tư xây dựng lưới điện ngày 18/3 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - ông Nguyễn Đức Trung - đánh giá cao PC Nghệ An trong việc tiên phong thực hiện ngầm hóa lưới điện, qua đó đã đem đến lợi ích cho tất cả mọi đối tượng từ thành phố đến doanh nghiệp, người dân. Hệ thống dây thông tin được ngầm hóa đồng bộ với lưới điện tạo thành hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại, tạo điều kiện môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu như kế hoạch đề ra, ông Trung đề nghị EVN tiếp tục quan tâm bố trí đầu tư và chỉ đạo cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện trung hạ thế; cải tạo, dần loại bỏ hệ thống lưới điện 10kV trên địa bàn; có chỉ đạo kế hoạch về hạ ngầm lưới điện trên địa bàn TP. Vinh, thị xã Cửa Lò theo đúng lộ trình đã đề ra.
Hiện EVN có 10 công trình 500kV và 220 kV trên địa bàn Nghệ An, với tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng. Trong đó, đặc biệt là đường dây đấu nối để giải tỏa công suất của Nhà máy điện Nghi Sơn 2. Bên cạnh đó, EVN đang triển khai thực hiện 11 công trình lưới điện 110kV, với tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, Nghệ An có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm đạt 13,78%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước (9%). Riêng trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của cả nước là 3%, nhưng Nghệ An tăng đến 10%.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin