Bao phen "lên bờ xuống ruộng"
Hành trình đi tìm “giống lúa thuần Việt” của cựu binh Phan Văn Hoà - Giám đốc Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa - trầy trật bao phen “lên bờ xuống ruộng”. Ông kể về hành trình "lột xác" của hạt gạo được ông trồng trên vùng "đất cũ" quê mình. Để được gọi là gạo sạch, gạo an toàn, cựu binh Phan Văn Hòa đã làm nên những kỳ tích trên vựa lúa huyện Yên Thành.
Ông Phan Văn Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa (người đứng bên trái) trên cánh đồng lúa thảo dược |
Ngược thời gian gần 15 năm trở về trước, ở vùng trũng Yên Thành, ông Hoà cũng như người dân bao đời sống dựa vào cây lúa. Với tư duy làm nông truyền thống, hạt lúa làm ra chất lượng không cao, giá bán trên thị trường thấp nên đời sống cứ mãi bấp bênh, luẩn quẩn với việc hết mùa lúa cũ bà con lại đổi lấy một giống lúa mới. Để phá bỏ lối mòn trong sản xuất và tìm hướng đi mới cho cây lúa, ông ấp ủ "giấc mơ" áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng lúa hữu cơ, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, với hành trình "lột xác" hạt gạo, ông Hoà bảo: "Không dễ như tôi tưởng".
Ông Hoà nhớ lại, khi cố giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, nguyên Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, nói với ông: “Nghệ An là vùng đất khắc nghiệt, làm nông nghiệp rất khó khăn. Nhưng đừng buồn, chính cái khắc nghiệt ấy sẽ kết tinh nên nhiều dưỡng chất quý cho cây trái, nhất là cây lúa…”. Với lời khích lệ của cố giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, ông Hoà đã làm nên những kỳ tích trên vựa lúa huyện Yên Thành. Năng suất giống lúa AC5 cao hơn hẳn Tạp giao, Khang dân… để rồi khi nói đến gạo chất lượng cao, người ta lại nhắc đến AC5 Vĩnh Hòa - gạo Xứ Nghệ. Chính ông đã thay đổi tư duy, áp dụng phương pháp hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình gieo trồng. Thành công từ giống lúa giống lúa AC5 đã mở ra cho ông Hòa một con đường mới, thành lập công ty khoa học công nghệ để nghiên cứu và sản xuất giống lúa thuần Việt.
Thất bại hết lần này đến lần khác nhưng ông không hề nản. Trời không phụ lòng người, hơn 10 năm trời, mày mò nghiên cứu, nhân giống thành công các giống lúa chất lượng như AC5, lúa tím thảo dược, lúa thảo dược 1, 2, 3… Lúa có màu tím và là giống lúa duy nhất cho hàm lượng omega 3, omega 6 và omega 9. Các giống lúa này được bảo hộ nhãn hiệu, có mặt trên các đồng ruộng khắp mọi miền Tổ quốc, được nông dân đón nhận tích cực bởi năng suất cao, gạo thơm dẻo và chứa nhiều dưỡng chất. Không chỉ được nhân rộng ở nhiều địa phương trong nước mà “lúa tím ông Hòa” còn được mang sang Lào nhuộm tím cả trời Muang Khong (Champasak, Lào).
Tìm ra chất kháng ung thư trong lúa tím
Giống lúa tím mà ông Hòa đặt tên là “Thảo dược Vĩnh Hòa” bắt đầu vượt khỏi lãnh thổ Việt Nam là khi được các giáo sư, các nhà khoa học trong và ngoài nước tìm đến với ông sau nhiều cuộc hội thảo bàn về lúa - gạo. Và từ gợi ý của 3 giáo sư đến từ Đại học Harvard (Mỹ) đã tạo thêm niềm tin, nghị lực cho ông đi tìm các kháng chất phòng, chống ung thư. “Các giáo sư nói với tôi, những loại nông sản có màu tím rất có thể có các chất kháng tế bào ung thư, nhất là giống lúa ở Nghệ An sinh trưởng trong thời tiết hết sức khắc nghiệt”, ông Hòa nhớ lại.
Cựu binh Phan Văn Hoà muốn tạo nên bước đột phá khác từ du lịch nông nghiệp. Ông cùng các cộng sự đã tạo ra ruộng lúa độc đáo có hình bản đồ đất nước Việt Nam với những vệt màu khác biệt vào dịp giải phóng miền Nam năm 2016. |
Và hành trình đi tìm các chất Anthocyanin, Genistein; GABA trong lúa tím của ông lại bắt đầu. Háo hức mang gạo đi kiểm nghiệm, mãi đến cuối tháng 3/2019, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã có Thông báo số 4424/PKN-VKNQG, rằng hàm lượng các chất kháng tế bào ung thư lần lượt là: Anthocyanin 0,20; Genistein 0,74 và GaBa 33,4.
Sau khá nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm về lúa gạo trong và ngoài nước, như một cơ duyên, năm 2018, ông lại được các giáo sư người Mỹ ghé thăm và “mách nước” cách chiết xuất các kháng chất quý giá kháng ung thư bằng phương pháp nấu cao truyền thống của Việt Nam.
Một năm trời mày mò chưng cất khi cao đã lên khuôn, nhưng liệu có giữ được hàm lượng của các kháng chất ở trong cao không? Lại thêm một dấu hỏi lớn, lại thêm một lần người cựu binh già "khăn gói" ra Viện Sinh học thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Đến tháng 3/2020, cao lúa thảo dược Vĩnh Hòa của ông được Viện này khẳng định: “Đã thể hiện hoạt tính trên các dòng tế bào ung thư...”, niềm vui vỡ oà nhớ lại mắt vẫn rưng rưng. Cũng theo ông Hòa, chính ông cũng gặp may, vì Viện Công nghệ sinh học đang còn 3 mẫu tế bào ung thư cuối cùng của Mỹ, là các dòng tế bào ung thư vú, ung thư gan và ung thư phổi để thử nghiệm.
Xây dựng thuơng hiệu gạo Việt
"Tính trừ chi phí xong bà con vẫn có lời. Nhưng không nhiều, thương bà con vẫn quyết tâm bám trụ với cách thức trồng lúa hữu cơ để có sản phẩm gạo an toàn, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng…”, ông nói.
Nghĩ là làm - ông lại đầu tư máy móc, nhà xưởng, thu mua bao tiêu sản phẩm AC5, lúa thảo dược Vĩnh Hòa cho bà con với giá cao và chế biến, đóng gói thành các sản phẩm như: Gạo sạch, trà gạo thảo dược, bột dinh dưỡng, bánh nổ gạo thảo dược và cao lúa gạo thảo dược… Gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ, tạo nên chuỗi giá trị đã góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho nhiều hộ nông dân. Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm “Trà gạo thảo dược Vĩnh Hòa” của ông Hoà đã được tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP năm 2020.
Để nâng cao giá trị lúa gạo, ông mày mò, nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm từ gạo đã qua chế biến: trà gạo, cốm gạo, cao gạo… |
"Phân khúc thị trường sản phẩm gạo hữu cơ của chúng tôi làm ra đã có mặt không chỉ ở trong nước mà còn xuất khẩu sang tận Hàn Quốc… Hiện Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa và bà con đều làm theo đơn đặt hàng của đối tác và doanh nghiệp. Tới đây, công ty dự kiến sản xuất thêm một số sản phẩm gạo an toàn với nhiều loại giá để đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng", ông Hoà nhấn mạnh.
Đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, hiện công ty của cựu binh Phan Văn Hoà đang đầu tư xây dựng máy, công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại để sản xuất đại trà và tiêu thụ rộng rãi trên cả nước, mở hướng xuất khẩu sang các nước khác với sản phẩm “cao thảo dược chống ung thư” thay vì nấu cao thủ công. “Với công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến thì giá thành của mỗi lượng cao được giảm xuống rất nhiều, lúc đó sẽ có nhiều người, nhất là người bệnh nghèo có cơ hội sử dụng loại cao lúa thảo dược này…”, ông Phan Văn Hòa chia sẻ.
Khi chia tay, chúng tôi gọi ông là nhà khoa học, ông xua tay cười xoà tự nhận mình “nhà khoa học của nhà nông” - trước đây dân mình từ “ăn no” giờ chuyển qua “ăn ngon”, thực phẩm không chỉ đảm bảo dinh dưỡng mà còn là dinh dưỡng theo nhu cầu, đương nhiên, cây lúa cũng phải chuyển mình theo, ông Hoà nói. Ông tâm đắc thương hiệu gạo đã có, doanh nghiệp xuất khẩu sẵn sàng thu mua, nông dân khao khát làm giàu chính đáng, thương hiệu “gạo ông Hoà lúa tím” đã hội đủ điều kiện để đưa nông dân ra biển lớn.
Theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Quates 1) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam và Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, giống lúa này có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, trong đó: Hàm lượng canxi (mg/100g) đạt 16,6; hàm lượng sắt đạt 1,1; và hàm lượng vitamin A đạt 57,0. Đặc biệt hơn nữa, chất omega quý hiếm có trong thành phần dinh dưỡng của giống lúa tím này, với hàm lượng Omega 9 là 1.290,0, và hàm lượng Omega 6 là 6,5. Tiếp đến ra đời các giống lúa: Vĩnh Hòa 2, Vĩnh Hòa 3, Vĩnh Hòa 4 tiêu biểu là các vi chất Omega 3, 6, 9.
Đặc biệt, năm 2018, ông nghiên cứu, phát hiện và chiết xuất thành công cao gạo thảo dược Vĩnh Hòa có tác dụng ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, nhất là ung thư tuyến giáp, dạ dày và ung thư đường ruột.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin