Một năm làm muối được... 2,5 triệu đồng
Nghề truyền thống và cũng là nghề chính của bà con 4 xã Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Ngọc huyện Diễn Châu (Nghệ An) là làm muối. Cả huyện Diễn Châu hiện có tổng diện tích 120ha làm muối. Nhưng những năm gần đây các ruộng muối ở đây đã bị giảm diện tích chỉ còn khoảng 80ha, nguyên nhân là do muối làm ra không còn nuôi nổi diêm dân.
Nghề muối là nghề truyền thống lâu đời - nhưng những năm gần đây diện tích các ruộng muối của huyện Diễn Châu (Nghệ An) đang dần thu hẹp lại. |
Chúng tôi về đồng muối xã Diễn Kim giữa cái nắng nóng như đổ lửa, cánh đồng muối thưa thớt bóng người. Hầu như không còn lớp trẻ làm muối. Những người đang “phơi lưng cho trời bán mặt cho đất” dưới nắng hè gay gắt lại chủ yếu là những người đã có tuổi. Họ không còn biết làm nghề gì hoặc do tuổi cao không thể đi làm ăn xa. Ngày ngày, họ cần mẫn với nước biển, với cát, nắng và gió để tạo ra những hạt muối trắng, mặn mòi.
Gặp bà Trương Thị Xuân trên đồng muối xã Diễn Kim - huyện Diễn Châu. Bà nói, “gia đình tôi có 4 người tham gia làm muối, làm quần quật một năm được trên dưới 10 triệu đồng. Nếu chia bình quân thì mỗi người được khoảng 2,5 triệu/năm tiền thu từ làm muối. Mỗi tạ muối làm ra chỉ bán được 130 ngàn đồng, chẳng đủ ăn”.
Giá muối đang rớt xuống rất thấp trước sự cạnh tranh khốc liệt của muối miền Nam. Nhưng, người diêm dân này vẫn say sưa với công việc làm muối của mình cho dù thu nhập từ làm muối chẳng thể đảm bảo cuộc sống. Bởi theo Phạm Văn Nam ở xóm Nam Liên, xã Diễn Kim (Diễn Châu), nghề muối đã gắn bó với ông gần cả đời người. Ông tâm sự: “Mấy năm nay, giá muối xuống thấp, thương lái ép giá mua rẻ, dân thì họ chuyển ăn bột canh iốt, nên làm ra cũng không bán được nhiều. Muối dân làm ra chủ yếu là để bán cho chăn nuôi, hoặc để ướp hải sản, là muối sạch nhưng vẫn không có đầu ra...
Đời sống của người làm muối rất khó khăn vì có năm bán được có năm không, phụ thuộc vào thị trường. Cứ mùa muối làm ra nhiều lại không được giá, bà con lại phải mang đến tận nơi cho thương lái thu mua với giá thấp, đến mùa mưa khi muối làm không được bà con lại phải quay lại mua muối giá đắt của thương lái đi bán rong ở các huyện miền ngược tìm kiếm chút lời lãi… Bà con chỉ mong, hạt muối làm ra nếu được Nhà nước hỗ trợ giá, hoặc có công ty bao tiêu sản phẩm thì diêm dân cũng sống chết cùng nghề.
Làm việc giữa trưa nắng thiêu đốt, mồ hôi nhễ nhại thấm còn mặt hơn vị muối những người dân làm ra. Công sức bỏ ra cả một ngày trời này chỉ thu về được khoảng 20-30 ngàn đồng. |
Nỗi buồn của những diêm dân cũng là nỗi lo của những người quản lý, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Kim - ông Bùi Sơn Công - cho biết: Nghề của làm muối là nghề làm một ngày ăn cả đời nhưng bà con vẫn đói, cứ trời mưa mát thì ngồi nhà, trời nắng như đổ lửa thì kéo nhau ra ruộng... Hiện làm gì và làm thế nào để hỗ trợ bà con làm muối yên tâm gắn bó với nghề vẫn đang là bài toán khó đối với những hộ trồng muối mà còn với cả chính quyền địa phương. Đối với người làm muối ở Diễn Kim, dù đời sống và nghề muối còn nhiều bấp bênh, khó khăn, thăng trầm, nhưng họ vẫn muốn theo nghề, bám nghề. Bởi nghề muối đã gắn bó máu thịt với họ bao đời nay…
"Cả xã Diễn Kim có hơn 700 hộ dân làm muối. Tuy nhiên, hiện chỉ còn khoảng 200 hộ với hơn 400 lao động còn gắn bó với nghề này. Nhiều hộ bỏ nghề vì giá muối thấp quá. Một hộ ở đây trung bình mỗi năm làm được khoảng 3 tấn muối, nếu được giá thì cũng chỉ chưa đầy 5 triệu đồng. Mỗi năm được 5 triệu thì không thể sống nổi với nghề...", ông Công nói.
Giải pháp nào giúp người dân làm muối?
Theo người dân, phương thức làm muối ở huyện Diễn Châu bao đời nay vẫn được duy trì theo cách làm truyền thống. Để làm ra hạt nuối phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên phải ngâm cát vào nước biển sau đó đem cát đó phơi trên sân đất nện, khi cát khô sẽ kết tinh thành những hạt muối nhỏ. Dùng nước biển lọc qua cát đó sẽ được nước mặn hơn, rồi tiếp tục phơi cát và dùng nước mặn lọc qua cát đã phơi, sau gần 10 tiếng, nước biển bốc hơi để lại những hạt muối.
Làm muối phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, càng nắng to thì diêm dân càng thu được nhiều muối. Người làm muối ở đây chủ yếu vẫn làm muối theo phương pháp thủ công, nhỏ lẻ, manh mún nên chất lượng muối không cao, khó tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.
Do thu nhập thấp, nhiều hộ dân đã bỏ nghề muối và chuyển sang nghề khác để mưu sinh. |
Để tháo gỡ khó khăn cho nghề làm muối, ông Bùi Sơn Công cho rằng, cần phải chú trọng đến chất lượng muối, mở rộng những diện tích muối sạch. Hiện xã đang khẩn trương quy hoạch chi tiết những vùng sản xuất muối sạch, đồng thời tổ chức lại hợp tác xã sản xuất muối theo mô hình mới để hoạt động hiệu quả hơn.
Hiện nay các chính sách cho ngành muối còn ít và chưa đủ để giúp người dân yên tâm sản xuất. Mặt khác, nhiều hợp tác xã (HTX) không đủ năng lực cạnh tranh với tư thương trong hoạt động kinh doanh muối dẫn đến giá muối thấp. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ diêm dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất muối, hỗ trợ các HTX, đặc biệt là tăng cường mở rộng quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho ngành muối. Hiện HTX diêm nghiệp Kim Liên ở Diễn Kim đang trong công tác kiện toàn, cơ cấu lại, nhưng vẫn cần thời gian. Trước đây, cũng đã có những kế hoạch dài hơi, thể hiện tầm nhìn 10 năm sau cho nghề muối Diễn Kim, khi con em trong xã cũng trưởng thành lập nghiệp thành công bằng nghề muối, nhưng để họ quay lại đầu tư về làng làm muối cũng không phải là điều dễ dàng.
Không riêng gì Diễn Kim, ở xã Diễn Vạn cũng rơi vào cảnh tương tự, ngoài việc giá muối thấp đem lại thu nhập không cao, thì mỗi năm chỉ sản xuất được trong khoảng 3 tháng nắng nóng, sau đó lại để hoang nên các ô kết tinh, ô chạt lọc, thậm chí là cát biển lọc nước cũng bị hư hỏng hết, buộc phải đầu tư lại khi bước vào vụ mới, khiến cho chi phí sản xuất bị đội lên.
Ông Hoàng Ngọc Biên - Chủ nhiệm HTX muối Vạn Nam xã Diễn Vạn, Diễn Châu (Nghệ An) - cho biết, diện tích của 2 HTX là Vạn Nam hơn 50ha và Vạn Đông khoảng 20ha, nhưng năm nay dự tính chỉ sản xuất được khoảng 30ha. Vụ muối năm nay, ở xã diện tích bỏ hoang còn nhiều là vì giá muối quá thấp. Những năm gần đây, muối ở miền Nam chuyển ra nhiều và giá bán rất thấp chỉ 600 - 700 đồng/kg, đã bao gồm chi phí vận chuyển tận nơi. Vì thế muối của người dân địa phương nơi đây rất khó cạnh tranh.
"Những năm gần đây, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân cải tiến các ô chạt lọc, phủ bạt kết tinh... thế nhưng do giá muối quá thấp, lại khó cạnh tranh nên nhiều người đã bỏ nghề muối. Đối với những diện tích làm muối kém hiệu quả bị bỏ hoang, như ở Diễn Kỷ, Diễn Vạn nay đã được quy hoạch chuyển sang mục đích khác như nuôi trồng thủy sản nhưng do vốn đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao nên nhiều hộ dân vẫn còn e ngại, không dám đầu tư, dẫn đến diện tích ruộng muối bỏ hoang vẫn còn rất lớn...", ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu cho biết.
Hy vọng sau những khó khăn, sự ra đời của các HTX diêm nghiệp Kim Liên, Vạn An… sẽ là luồng gió mới thúc đẩy sự phát triển của nghề muối truyền thống nơi đây. Và trong thời gian không xa, hạt muối của bà con làm muối Diễn Châu sẽ tạo nên được thương hiệu riêng để người làm muối có thể gắn bó hơn với nghề, sống được bằng nghề và làm giàu bằng chính nghề truyền thống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin