Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tương Dương phục hồi và phát triển giống xoài bản địa quý hiếm

16:45, 04/06/2021

Không ai biết xoài bản địa Tương Dương có từ bao giờ, nhưng đến nay, loại quả này đã trở thành “đặc sản” nức tiếng của núi rừng miền Tây xứ Nghệ và trở thành thương hiệu riêng của huyện vùng cao Tương Dương. Tuy nhiên, do người dân chưa quan tâm đầu tư phát triển xoài Tương Dương thành sản phẩm hàng hóa, vì vậy năng suất, sản lượng, cũng như giá trị kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Từ thực trạng đó, huyện Tương Dương đã triển khai thực hiện dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ xây dựng mô hình phục hồi và phát triển giống xoài bản địa Tương Dương”.

 “Đặc sản” núi rừng miền Tây xứ Nghệ  

Hiện nay, xoài Tương Dương được trồng tập trung tại các xã như Xá Lượng, Tam Thái và thị trấn Thạch Giám với tổng diện tích gần 30 ha. Mặc dù, việc chăm sóc chưa được các hộ gia đình chú trọng nhưng các cây xoài trồng trên địa bàn huyện Tương Dương đều sinh trưởng, phát triển tốt. Do trồng từ hạt, nên các cây xoài đều rất cao, trung bình từ 10m trở lên, đường kính tán từ 10.0m - 13.2m. 

Chị Chu Thị Mùi, khối Hoà Nam, thị trấn Thạch Giám đang đóng gói xoài Tương Dương để vận chuyển đến tay người tiêu dùng.

Theo các hộ trồng xoài lâu năm ở Tương Dương như hộ bà Trần Thị Loan, Nguyễn Quốc Bắc, Chu Ngọc Đình.., giống xoài đặc sản Tương Dương hầu hết là cây cổ thụ, có độ tuổi từ 30-40 năm. Những cây xoài càng lâu năm quả càng tròn, có vị ngọt thanh và có mùi thơm đặc trưng. Đặc sản xoài Tương Dương có đặc điểm là quả nhỏ gọn, bề mặt quả hơi thô ráp, không trơn bóng như các loại xoài khác và có thể thu hoạch đem bán khi quả còn xanh, do ở thời kỳ này quả ăn rất dòn, không chua. Khi chín xoài có màu vàng nhạt, thịt quả màu vàng cam, bình quân đạt từ 4-5 quả/kg. Đây là chỉ tiêu rất quan trọng quyết định đến giá thành sản phẩm quả xoài bản địa Tương Dương khi thu hoạch. 

Bà Trần Thị Loan, khối Hòa Nam, thị trấn Thạch Giám cho biết: vườn xoài của gia đình bà được bố mẹ để lại đến nay đã có gần 40 năm tuổi. Trước đây vườn xoài có hơn 120 gốc, nhưng do giải phóng mặt bằng thi công cơ quan công an nên đến nay chỉ còn 22 gốc xoài cổ thụ. Bà Loan cho biết năm nay vườn xoài của gia đình được mùa hơn các năm trước. 

"Đặc sản" xoài Tương Dương có thể thu hoạch lúc quả còn xanh và có thể vận chuyển đi xa.

“Phải chịu khó đầu tư công sức chăm bón cho cây, tiến hành tỉa cành, tạo tán, bón phân cung cấp bổ sung dinh dưỡng cho cây sau khi thu hoạch, dùng vòi tưới nước cho các gốc xoài. Phun thuốc xử lý ra hoa, đậu trái và một số sâu bệnh hại vào từng giai đoạn của cây để tăng năng suất. Cây xoài Tương Dương có đặc điểm bắt đầu ra hoa tháng 11 và kết thúc ra hoa vào cuối tháng 1, thu hoạch quả vào tháng 5,6 và sau 2 tháng thu hoạch quả. Tuy nhiên, quá trình xoài ra hoa thì phải thường xuyên tưới nước cho hoa, tạo độ ẩm. Với 22 gốc xoài này dự kiến gia đình tôi sẽ thu hoạch từ 1,8-2 tấn quả” - bà Loan chia sẻ bí quyết.

Bà Loan cho biết thêm, xoài Tương Dương bán rất được giá, như năm ngoái, mỗi kg xoài bà bán tới 50 ngàn đồng. Còn năm nay, ngay từ đầu tháng 3 ÂL, khi các hộ trồng xoài khác chưa có quả bán thì gia đình bà đã thu hoạch bán với giá 30 nghìn đồng/1kg. Thời điểm này, xoài Tương Dương đã vào mùa thu hoạch rộ, giá bán có giảm hơn. Nhưng với mức giá 25 nghìn đồng/1kg thì mùa xoài năm nay gia đình bà cũng có thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng.

Ông Chu Ngọc Đình, khối Hòa Nam, thị trấn Thạch Giám đang thu hoạch xoài.

Còn vườn xoài 80 gốc của gia đình ông Chu Ngọc Đình, ở khối Hòa Nam, thị trấn Thạch Giám năm nay cũng cho thu hoạch hơn 2 tấn quả. Ông cho biết, vườn xoài của gia đình mình đã 30 năm tuổi, hai năm nay do sâu bệnh phá hoại nên gần như không có thu hoạch. Năm 2020, nhờ được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh nên năng suất xoài đạt cao hơn các năm trước.

“Nhờ năm nay làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nên năng suất vườn xoài của gia đình tôi cao hơn 20% so với những năm trước đây. Năm nay tôi được cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật phun kích thích ra hoa đậu quả, phun phòng trừ sâu bệnh đúng giai đoạn. Sau khi thu hoạch xong, chúng tôi làm cỏ cho xoài, tỉa bỏ các cành bị sâu bệnh, tạo thông thoáng cho gốc xoài, tiến hành bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây, để mùa sau năng suất được đạt cao hơn. Đặc biệt số cây xoài cổ thụ, chúng tôi tiến hành chặt hạ độ cao để cải tạo lại” - ông Đình trao đổi.

Giá trị kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng

Mặc dù đã trở thành “đặc sản” và có thương hiệu tuy nhiên, diện tích xoài Tương Dương trong những năm gần đây không có sự biến động. Trước năm 2019, người dân đã mở rộng diện tích trồng xoài Tương Dương bằng cây giống từ hạt, diện tích  24,2 ha với khoảng 4.852 cây. Ngoài ra, cây xoài cũng được trồng tại một số xã khác với diện tích thấp nhưng do điều kiện tự nhiên không thích hợp, điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên chất lượng quả kém. Độ tuổi trung bình của cây xoài 30 tuổi, vườn xoài có độ tuổi lớn nhất 40-42 tuổi, vườn xoài nhỏ tuổi nhất 20 tuổi. Do giống xoài đã được trồng từ lâu, quá trình chăm sóc không phù hợp; chưa được đầu tư thâm canh nên đã bắt đầu thoái hóa, năng suất trung bình của giống xoài này trong mấy năm gần đây chỉ đạt 9 tạ/ha (1ha có mật độ 200 cây), cho thu nhập khoảng 12 triệu đồng/ha.  

Thương hiệu xoài Tương Dương đã được người tiêu dùng nhiều nơi biết tiếng.

Hơn nữa, do cây xoài được người dân trồng chủ yếu trên các đồi thấp, và các vườn xung quanh nhà. Đất trồng xoài có độ dốc, đây cũng là khó khăn cho việc chăm sóc cây xoài như bón phân, làm cỏ và đặc biệt là việc giữ được sức bền vững của đất sản xuất qua các năm. Bên cạnh đó, do chưa có mô hình nhân giống xoài bản địa Tương Dương nên người dân đã đem một số giống xoài (xoài lai, xoài trứng) từ nơi khác về trồng làm cho việc lẫn tạp giống rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị của “thương hiệu” xoài Tương Dương.  

Đặc biệt, việc tìm hướng đi để đem quả xoài Tương Dương thành hàng hóa cũng chưa được nhiều hộ trồng xoài nơi đây quan tâm. Phần lớn hiện nay các hộ trồng xoài chỉ mới tính đến việc đem ra chợ bán hoặc bán cho những người đặt mua chứ không chú trọng đến việc kinh doanh theo thế mạnh của giống xoài này. Thị trường tiêu thụ của xoài Tương Dương hẹp, chủ yếu là chợ Hòa Bình, người dân mua dùng, làm quà, chưa vào được cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị. Lý giải nguyên nhân này là do sản lượng không đều, ít, không đủ nguồn cung, các sản phẩm sau thu hoạch chưa được bảo quản đúng cách, mẫu mã chưa bắt mắt. Chính vì thế năng suất, sản lượng cũng như giá trị kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của loại quả đặc sản này. 

Tương Dương có nhiều vườn xoài có độ tuổi  từ 40-42 năm tuổi.

Ngoài ra, những năm gần đây do thời tiết mưa nhiều, sâu bệnh hại và không được chăm sóc nên năng suất xoài giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của bà con nơi đây, một số hộ dân còn muốn chặt bỏ. Khi có người miền xuôi lên mua làm cây cảnh đã đào cả gốc bán với giá 400 ngàn đồng/cây, đó cũng chính là 1 trong những nguyên nhân làm giảm bớt số lượng cây xoài bản địa trên địa bàn Tương Dương.

Từ thực trạng trên, huyện Tương Dương đã triển khai thực hiện đề án nghiên cứu “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phục hồi và phát triển giống xoài bản địa Tương Dương”. Theo đó, đề án áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất góp phần bảo tồn và phát triển giống xoài bản địa Tương Dương. Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất xoài tập trung tạo sản phẩm hàng hóa để góp phần tái cơ cấu ngành trồng trọt, phát triển kinh tế - xã hội huyện Tương Dương, định hướng phát triển cây xoài tới các xã vùng lân cận để mở rộng vùng trồng Xoài Tương Dương.

Phục hồi và phát triển xoài bản địa Tương Dương

Triển khai thực hiện đề án, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tương Dương phối hợp với Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm rau, quả Gia Lâm, Hà Nội  đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng về giống xoài bản địa Tương Dương ở các xã Tam Thái, Xá Lượng, và thị trấn Thạch Giám. Qua điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất và tập quán canh tác giống xoài bản địa Tương Dương cho thấy có những ưu điểm như: khả năng chịu hạn, phát triển tốt trên đất dốc, dễ trồng, dễ chăm sóc. Đây là giống cây gắn liền với giá trị văn hóa người dân bản địa vì vậy có ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, các vườn xoài trên địa bàn huyện Tương Dương hiện đang trong thời kỳ kinh doanh, độ tuổi trung bình là 25 năm tuổi, vườn xoài lớn nhất 30-35 tuổi, vườn xoài nhỏ nhất 4-5 tuổi. Kỹ thuật trồng chăm sóc chủ yếu theo truyền thống và kinh nghiệm của từng hộ gia đình, mức đầu tư cho cây xoài thấp, làm cho năng suất thấp, chất lượng xoài ngày giảm sút.

Các hộ tham gia mô hình trồng xoài thương phẩm nhận giống cây Xoài ghép trồng.

Dựa trên hiện trạng khảo sát, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã bình tuyển cây ưu tú, cây đầu dòng để lấy mắt ghép. Theo đó, đã tuyển chọn được các cây ưu tú đạt tiêu chí: cây to khỏe, cho quả đều hàng năm, mang những đặc tính tốt, đặc trưng về hình thái. Các cây xoài được công nhận cây đầu dòng có tuổi 28-30 tuổi, năng suất đạt 90-100kg/cây, khối lượng trung bình quả trên 200gram/quả, tỷ lệ ăn được hơn 69%, quả ngọt thơm, độ Brix đạt hơn 19%, chủ yếu tại các vườn hộ tại khối Hòa Nam, thị trấn Thạch Giám. Bên cạnh đó, đã xây dựng mô hình nhân giống; mô hình trồng thâm canh cũng như phục hồi những cây xoài già cỗi, sinh trưởng, phát triển kém, năng suất thấp, chất lượng kém. Để phục vụ việc xây dựng mô hình trồng mới tại các xã Tam Thái, Xá Lượng và Thạch Giám, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tương Dương đã tiến hành cấp giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vào từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây cho các hộ nông dân tham gia mô hình với tổng số cây được trồng là 1.500 cây. 

Cây ghép xoài Tương Dương sau 15 tháng trồng.

GIa đình ông Lô Văn Thuyết ở bản Khổi, xã Tam Thái là 1 trong các hộ tham gia xây dựng mô hình trồng mới giống xoài bản địa Tương Dương, đã được hỗ trợ 500 cây xoài giống được nhân giống từ cây xoài đầu dòng XTD-01, hiện nay cây sinh trưởng và phát triển rất tốt, chiều cao cây đạt từ 1,6 - 2 mét.

“Qua quá trình thực hiện, đưa vào trồng thì cây cũng phát triển rất tốt. Hơn nữa do địa điểm trồng rất thuận lợi vì cạnh nguồn nước tưới, nước tự chảy. Sau một thời gian trồng thực hiện theo kỹ thuật của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp chuyển giao, gia đình tôi đã thường xuyên chăm bón cho cây và đến thời điểm này cây đã cho hoa và đã cho quả’’ - ông Thuyết cho biết thêm.

Ông Phạm Công Hạnh ở khối Hòa Nam, thị trấn Thạch Giám thực hiện kỹ thuật lấy mắt ghép, và thực hành ghép trực tiếp trên cây xoài.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cung cấp cây giống cho nhu cầu của người dân trong và ngoài huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã chọn hộ ông Phạm Công Hạnh ở khối Hòa Nam, thị trấn Thạch Giám xây dựng vườn ươm. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm, gia đình ông Hạnh đã xây dựng vườn ươm đúng quy mô, đúng tiến độ, đạt các yêu cầu, tiêu chuẩn để sản xuất cây giống như: có khung màn, lưới che, có hệ thống tưới phun chủ động…

“Để xây dựng mô hình vườn ươm này, gia đình chúng tôi được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ từ kinh phí, đầu tư phân bón, cây giống. Bên cạnh đó, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp cầm tay chỉ việc. Hiện tại vườn ươm đang có 1.800 cây gốc ghép, dự kiến ghép vào tháng 8/2021 và sẽ ươm thêm 1.200 cây gốc ghép vào tháng 8,9/2021, để cung cấp cây giống cho bà con quanh vùng và các xã” – ông Hạnh nói.

Ngoài làm vườn ươm, đến nay gia đình ông cũng đã trồng được vườn xoài hơn 40 cây từ cây gốc ghép. Hiện, vườn xoài 2 năm tuổi này đang sinh trưởng và phát triển tốt, đã bắt đầu cho thu hoạch quả bói, ông Hạnh cho biết thêm.

Hiệu quả bước đầu

Sau gần 2 năm triển khai dự án khoa học “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phục hồi và phát triển giống Xoài bản địa Tương Dương” đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Huyện đã tổ chức được 3 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đào tạo kỹ thuật nhân giống và trồng chăm sóc cho 4 cán bộ kỹ thuật, 25 hộ nông dân tham gia mô hình. Đồng thời, tuyển chọn 15 cây ưu tú, trong đó chọn được 10 cây đầu dòng đã được Sở NN&PTNT công nhận tại Quyết định số 928/QĐ-SNN.QLKTKHCN. Xây dựng được vườn ươm giống quy mô 800m2, sản xuất được trung bình 3000 cây/năm giống xoài bản địa Tương Dương và vườn cây mẹ với 40 cây để lấy mắt ghép nhân giống. Cùng với đó, đã tiến hành ghép được hơn 3600 cây giống xoài Tương Dương phục vụ cho nhân rộng mô hình trồng xoài. Cây giống sinh trưởng phát triển khỏe, đạt tiêu chuẩn xuất vườn sau ghép 4 tháng.

Vườn ươm giống quy mô 800m2, sản xuất được trung bình 3000 cây/năm giống xoài bản địa Tương Dương.

Đáng ghi nhận, đến nay đề án đã xây dựng thành công mô hình trồng giống xoài thương phẩm quy mô 3 ha với 1.500 cây, sau 14 tháng trồng đạt chiều cao 1,5-1,8 m, đường kính gốc 2-3 cm, đường kính tán trung bình 1,7 m. Ngoài diện tích mô hình thí điểm, đề án cũng đã mở rộng quy mô trồng xoài thêm 2 ha, trồng rải rác ở các hộ dân trên địa bàn. Đặc biệt, đã thực hiện có hiệu quả mô hình phục hồi, cải tạo 250 cây xoài Tương Dương 25-30 tuổi, trong đó 165 cây phục hồi, cho năng suất tăng 20% so với các cây xoài khác, 35 cây cải tạo, hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt, ra 3 đợt lộc/năm, 50 cây ghép cải tạo, hiện cây sinh trưởng tốt, cho 3 lứa chồi/năm. Hiện nay, tỷ lệ mất mùa xoài do sâu bệnh, thiên tai những năm qua đã giảm hẳn, các vùng thích hợp cho sự phát triển, đem lại năng suất, chất lượng quả cao cũng được xác định.

Ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương trình bày kết quả thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ xây dựng mô hình phục hồi và phát triển giống xoài bản địa Tương Dương” sau 2 năm triển khai.

Để “đặc sản” xoài Tương Dương có được một chỗ đứng vững chắc trên thị trường và phát huy được giá trị kinh tế, ngoài việc phải bảo tồn nguồn gen, tăng năng suất, chất lượng quả, thì việc xây dựng thương hiệu là điều hết sức quan trọng.

“Đề tài phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của huyện là bảo tồn, phát triển các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế. Vì vậy, đơn vị chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các mô hình phục hồi, cải tạo đã triển khai, đánh giá lại hiệu quả kinh tế để làm công tác tuyên truyền, hoàn thiện lại các quy trình kỹ thuật có xác nhận của cơ quan chuyển giao, làm tốt công tác phòng bệnh, quy hoạch vùng trồng xoài bản địa Tương Dương, mở rộng quy mô trồng mới xoài Tương Dương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm, quan tâm đến nhãn mác, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, quan tâm việc tiêu thụ và đưa sản phẩm xoài ra bên ngoài, có sự bảo hộ về pháp lý và những chỉ dẫn địa lý cụ thể để khách hàng mọi nơi có thể biết đến, tiến tới xây dựng sản phẩm xoài Tương Dương thành sản phẩm OCOP” – bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Tương Dương trao đổi.

Lãnh đạo Sở KH&CN và lãnh đạo huyện Tương Dương thăm vườn xoài thương phẩm của hộ ông Đinh Công Chính.

Từ thành công bước đầu, huyện Tương Dương kiến nghị Sở KHCN nghiệm thu kết thúc đề tài ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phục hồi và phát triển giống xoài bản địa Tương Dương. Tiếp tục tuyển chọn các cây xoài đầu dòng có năng suất ổn định, chất lượng tốt để làm nguồn vật liệu phục vụ sản xuất giống và ghép cải tạo vườn xoài năng suất thấp. Hỗ trợ nghiên cứu biện pháp cắt tỉa, liều lượng bón phân, chế độ tưới nước, thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng các loại kích thích sinh trưởng trong việc ổn định và nâng cao năng suất xoài trồng mới và ghép cải tạo sản xuất theo hướng hữu cơ. Hỗ trợ xây dựng mô hình trồng xoài thương phẩm với quy mô 5 ha và xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm xoài Tương Dương.

Với hiệu quả bước đầu của đề án và nếu được đầu tư đúng mức, tin rằng, trong tương lai không xa, “đặc sản” xoài mang thương hiệu Tương Dương sẽ được người tiêu dùng khắp nơi trong cả nước biết đến và cây xoài sẽ trở thành cây làm giàu cho người dân huyện miền núi vùng cao Tương Dương.

Hiến Chương

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm