Kinh tế

Nuôi vịt bầu cổ xanh, cánh xám thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng

10:05, 07/06/2021

Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết an toàn, bền vững, thời gian qua, xã Nghĩa Lợi huyện Nghĩa Đàn đã triển khai thành công mô hình chăn nuôi vịt bầu cổ xanh theo chuỗi liên kết khép kín, áp dụng tiêu chuẩn VietGap.

Với điều kiện địa bàn xã có ao, hồ  rộng, người dân có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi vịt, xã Nghĩa Lợi đã lựa chọn giống vịt bầu cổ xanh làm vật nuôi để phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết. Để thực hiện được mục tiêu này, vấn đề khó nhất là tìm mô hình để học tập và con giống. Qua tìm hiểu, cán bộ xã đã học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi vịt bầu cổ xanh thương phẩm tại tỉnh Thanh Hóa, đồng thời lấy con giống tại đây để nuôi thử nghiệm. 

Ông Dần chăm sóc đàn vịt bầu cổ xanh.
Ông Lê Văn Dần chăm sóc đàn vịt bầu cổ xanh.

Theo đó, mô hình liên kết nuôi vịt bầu cổ xanh được triển khai tại xóm Lung Hạ có 13 hộ tham gia. Gia đình ông Lê Văn Dần là một trong 13 hộ tham gia mô hình với 500 con giống. Ông Dần cho biết, ưu điểm nổi bật của giống vịt này là mẫu mã đẹp, khi đạt tiêu chuẩn xuất chuồng, vịt có bộ lông xám, ánh xanh lam, xanh lục, phần cổ chuyển sang màu xanh biếc rất đẹp. Đặc biệt, thịt vịt bầu cổ xanh có chất lượng thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng.

Để nâng cao chất lượng vịt cổ xanh, hạn chế vịt mắc bệnh, gia đình ông Dần đầu tư chuồng trại theo hình thức bán chăn thả.
Để nâng cao chất lượng vịt cổ xanh, hạn chế vịt mắc bệnh, gia đình ông Dần đầu tư chuồng trại theo hình thức bán chăn thả.

Để nâng cao chất lượng vịt cổ xanh, hạn chế vịt mắc bệnh, gia đình ông Dần đầu tư chuồng trại theo hình thức bán chăn thả. Chuồng nuôi được xây dựng kiên cố, sàn cách đất khoảng 50 - 60 cm, trải lưới bên trên nhằm hạn chế bệnh, do vịt tiếp xúc với mặt đất ẩm ướt, đồng thời dễ dàng vệ sinh, thu gom chất thải.. Cùng với đó, ông đầu tư máy thái rau để chế biến thức ăn cho vịt.

Trong quá trình nuôi, cứ mỗi một tuần ông Dần phun khử trùng, rắc vôi một lần xung quanh chuồng nên chuồng vịt lúc nào cũng sạch sẽ. Để cho chất lượng thịt thơm ngon, các tháng cuối khi xuất chuồng ông cho vịt ăn cám gạo hoặc cám ngô trộn với rau. Với cách làm này, không những vịt tăng sức đề kháng mà còn đảm bảo chất lượng thịt ngon hơn. Đặc biệt, để tháng nào cũng có vịt xuất bán ra thị trường, ông chia chuồng ra làm nhiều ngăn, nuôi vịt ở các lứa tuổi khác nhau.

Từ 20 ngày tuổi đến khi đạt tiêu chuẩn xuất chuồng ước tính mỗi con nặng từ 2,2 - 2,5 kg.
Từ 20 ngày tuổi đến khi đạt tiêu chuẩn xuất chuồng ước tính mỗi con nặng từ 2,2 - 2,5 kg.

Khác với những giống vịt nhập ngoại, thời gian nuôi chỉ khoảng 50 ngày, vịt bầu cổ xanh có thời gian nuôi 3 đến 3,5 tháng mới cho xuất chuồng kết hợp với việc được nuôi chủ yếu bằng các loại rau xanh, ngô, khoai, sắn.. hình thức nuôi bán chăn thả trên ao hồ nên thịt luôn thơm ngon, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo tính toán, mỗi con vịt cổ xanh từ 20 ngày tuổi đến khi đạt tiêu chuẩn xuất chuồng ước tính mỗi con nặng từ 2,2 - 2,5 kg, giá bán 60 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi con lãi từ 10-12 ngàn đồng. Với mô hình thử nghiệm 500 con ban đầu, gia đình ông Lê Văn Dần có thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng/3 tháng sau khi trừ chi phí.

Vịt bầu cổ xanh có thời gian nuôi 3 đến 3,5 tháng mới cho xuất chuồng kết hợp với việc được nuôi chủ yếu bằng các loại rau xanh, ngô, khoai, sắn.
Vịt bầu cổ xanh có thời gian nuôi 3 đến 3,5 tháng mới cho xuất chuồng kết hợp với việc được nuôi chủ yếu bằng các loại rau xanh, ngô, khoai, sắn.

Qua thử nghiệm cho thấy vịt cổ xanh có ưu điểm tiêu thụ ít thức ăn, phù hợp với các loại thức ăn sẵn có trên địa bàn, do đó vịt ít bệnh, phù hợp với điều kiện chăn nuôi nên người chăn nuôi không mất nhiều công chăm sóc. Công sức bỏ ra ít nhưng lợi nhuận thu về tương đối cao so với các loài vật nuôi khác. Vịt bầu cổ xanh là một trong những vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi – ông Dần cho biết thêm.

Không chỉ gia đình ông Dần mà các hộ tham gia mô hình đều nhận thấy hình thức nuôi liên kết hiệu quả cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống. Người chăn nuôi được hỗ trợ con giống, thức ăn, được tập huấn hướng dẫn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và được bao tiêu sản phẩm.

Cán bộ xã Nghĩa Lợi tham quan mô hình vịt bầu cổ xanh trên địa bàn.
Cán bộ xã Nghĩa Lợi tham quan mô hình vịt bầu cổ xanh trên địa bàn.

Ông Lê Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho biết thêm: “Để xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, thời gian qua, xã Nghĩa Lợi đã xây dựng mô hình vịt bầu cổ xanh theo chuỗi liên kết khép kín, áp dụng tiêu chuẩn VietGap. Bước đầu đã thành công, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập. Thời gian tới xã sẽ phối hợp xây dựng lò ấp, tạo con giống tại chỗ và làm nhà đông lạnh”.

Mô hình chăn nuôi vịt không phải là mới với người dân Nghĩa Lợi nhưng phương thức chăn nuôi theo chuỗi liên kết các nhà giúp người chăn nuôi phát triển sản xuất theo quy mô lớn. Từ đó, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện tăng thu nhập và giúp địa phương thực hiện hiệu quả tiêu chí giảm nghèo bền vững.


 

Minh Thái  

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện