Kinh tế

Tăng giá trị chè xuất khẩu ở Nghệ An

09:50, 09/06/2021

Thời điểm này, người dân trồng chè ở Nghệ An đang vào mùa thu hoạch, lại phải chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 nên xuất khẩu càng gặp khó. Là địa phương có sản lượng chè xuất khẩu lớn, nhưng khoảng 90% chè ở Nghệ An đều xuất khẩu ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu. Hiện nay, tình trạng cung vượt cầu, nếu không nâng cao giá trị xuất khẩu, ngành chè Nghệ An còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.


Bất cập trong sản xuất, chế biến

Chè là một trong những mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19. Tại Nghệ An, trên vùng chuyên canh sản xuất chè nguyên liệu rộng lớn phục vụ chế biến như vùng chè Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông…khoảng trên 12.000ha, với năng suất đạt 130 tấn/ha, 130 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt 156.000 tấn (tương đương 31.200 tấn chè khô). Tuy nhiên, mới chỉ có một số nơi hình thành vùng trồng chè theo chuẩn VietGAP với quy mô nhỏ ở các huyện như Thanh Chương và Anh Sơn. 

Người dân Hạnh Lâm, Huyện Thanh Chương (Nghệ An) thu hoạch chè.
Người dân Hạnh Lâm, Huyện Thanh Chương (Nghệ An) thu hoạch chè.

Tuy nhiên, khác với các vùng chè sản xuất ra tiêu thụ nhiều ở thị trường nội địa như Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang…chè Nghệ An sản xuất ra chủ yếu để xuất khẩu. Theo số liệu thông kê của ngành Công thương Nghệ An sản lượng chè khô tỉnh này mỗi năm đạt 12.000 -14.000 tấn, và xuất khẩu trên 10.000 tấn chè khô sang thị trường các nước Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan…mang giá trị khoảng trên dưới 20 triệu USD/năm. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên lượng chè tồn kho tại các cơ sở chế biến hiện nay tồn kho khoảng trên 3.500 tấn, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn thêm vào đó các chuyên gia kỹ thuật của các đối tác không trực tiếp kiểm tra chất lượng tại các cơ sở sản xuất chế biến nên việc xuất khẩu chè đã khó nay lại càng khó hơn.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp Nghệ An, hầu hết nguyên liệu chè cung cấp cho các nhà máy chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Hiện, có tới 70% giống chè của Nghệ An chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, tỷ lệ giống cho chế biến chè xanh và các chè khác chỉ chiếm 30%. Thế nên chè đen vẫn là sản phẩm chủ lực xuất khẩu của địa phương, hơn nữa chỉ xuất khẩu chè đen dưới dạng nguyên liệu thô, giá bán thấp. Thêm vào đó, việc sản xuất manh mún cũng ảnh hưởng lớn tới chất lượng sản phẩm. Diện tích trồng chè, lại không đống đều chủ yếu ở các hộ khiến cho chất lượng sản phẩm không đồng đều, rất khó để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.

Thời điểm này, dù vụ mùa thu hoạch chè tại các vùng nguyên liệu chè đã gần qua, tại huyện Con Cuông hiện có gần 400 ha chè, trong đó trên 300 ha đã cho thu hoạch tập trung ở các xã Bồng Khê, Yên Khê, Chi Khê. Ông Trần Thanh Bình. Chủ tịch UBND xã Yên Khê (Huyện Con Cuông) cho biết, ở Con Cuông trước có mấy nhà máy chè chế biến nhỏ nhưng đều chết yểu, dẫn đến hệ quả, dân trồng và bán tự do. Các doanh nghiệp (DN) lúc cần thì mua, không thì dừng, mua nguyên liệu không theo phẩm cấp phân loại và không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu đầu vào. Tình trạng thu gom nguyên liệu qua nhiều khâu trung gian không những làm tăng giá đầu vào mà còn kéo dài thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng nguyên liệu, tăng chi phí đầu tư, nhân công trong khâu chế biến, giảm chất lượng chè thành phẩm....

Bà Vi Thị Nga ở thôn Tân Lập xã Bồng Khê gắn cho biết, gia đình bà có gần 1,5ha chè thương phẩm đang thu hoạch gần xong thế nhưng “chưa có năm nào giá chè lại rớt thê thảm như năm nay”…vụ đầu năm nay, bán với giá 3.600 đồng/kg, nhưng lứa chè thứ 2 này chỉ bán được 1.500 đồng/kg. Mỗi sào chè, gia đình bà chi phí mất trên dưới 2 triệu đồng, giờ thu hoạch nếu bán cho doanh nghiệp chỉ thu về chưa đầy 1 triệu đồng. Chưa kể, nếu không có doanh nghiệp đến mua, chè quá lứa ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng…

Chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hương, chủ xưởng chè Hương Đường ở Hạnh Lâm (Thanh Chương) cho rằng, muốn nâng cao chất lượng sản phẩm phải hình thành được các vùng sản xuất tập trung, đưa người dân vào sản xuất trong mối liên kết có tổ chức như hợp tác xã, tổ hợp tác. Một số địa phương như Hà Tĩnh, Lào Cai, Lai Châu, Lâm Đồng...đã tiến hành chia vùng nguyên liệu chế biến cho các DN, nhờ vậy ở một số mô hình giữa DN và người nông dân chặt chẽ. Từ đó DN có vùng nguyên liệu ổn định, người dân yên tâm về đầu ra và được hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để sản xuất ra chè đạt chất lượng cao…

Đơn cử, như ở vùng trồng chè Thanh Chương, dù việc xuất khẩu bị ngưng trệ song các chủ xưởng chế biến đã năng động kết nối với các nhà máy, công ty trong nước để tiêu thụ chè; ngoài thị trường truyền thống đã chuyển hướng sang các thị trường mới. Bà Hương cho biết thêm: “Dịch bệnh nên việc xuất khẩu chè bị ngưng trệ, lượng chè năm ngoái còn tồn kho và hiện đang bước vào vụ chè mùa nên trong kho vẫn đang còn hơn 100 tấn. Công ty đã phải liên hệ với các bạn hàng ở Phú Thọ, Lâm Đồng… tìm đầu ra cho chè thành phẩm, vay vốn ngân hàng để thu mua chè nguyên liệu cho bà con; chia sẻ khó khăn với bà con trong bối cảnh dịch bệnh, giá chè xuống thấp bằng cách cho ứng phân bón, tiền để đầu tư, chăm sóc cho lứa chè sau...”.

Tăng giá trị chè xuất khẩu ở Nghệ An

Xưởng chế biến chè tại xã Thanh Mai (Thanh Chương) bao tiêu chè búp tươi cho người dân, nhưng đang rất khó đầu ra.
Xưởng chế biến chè tại xã Thanh Mai (Thanh Chương) bao tiêu chè búp tươi cho người dân, nhưng đang rất khó đầu ra.

Để gỡ khó trước mắt, nhiều xưởng chè chấp nhận bán “hòa vốn” hoặc lãi ít cho các DN lớn trong nước để thu hồi vốn. Đây là những đơn vị có vốn nhiều nên mua tích trữ, chờ thị trường ổn định sẽ xuất khẩu. Một số xưởng thì cùng liên kết lại chia sẻ thị trường cùng nhau, cùng chung nhau xuất khẩu các container chè chất lượng tốt, đồng thời, tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo như các chủ xưởng chè chia sẻ, để nâng cao giá trị cho chè xanh, tăng thu nhập cho người dân thì phải thay đổi tư duy sản xuất. Trước mắt, hình thành các vùng trồng chè theo chuẩn VietGAP, vùng nguyên liệu an toàn. Đồng thời, chế biến sâu thành nhiều sản phẩm khác từ chè xanh như, trà túi lọc, bột matcha, trà sữa hòa tan, trà thảo mộc…để tiêu thụ ở thị trường trong nước, cùng với đó chế biến sang chè khô chất lượng, sạch, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe từ các thị trường khó tính như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...

Nói về vấn đề này, ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, xu thế hiện nay, để phát triển bền vững cây chè, tránh tình trạng trồng rồi chặt bỏ thì phải mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng sản phẩm chế biến, muốn vậy thì phải có nguyên liệu sạch. Người dân thay đổi tư duy trồng trọt, doanh nghiệp, nhà nước cùng đồng hành, hỗ trợ…Tại huyện Thanh Chương (chiếm 60% diện tích chè toàn tỉnh) hiện đã triển khai trồng vùng chè nguyên liệu VietGAP ở Thanh Đức với quy mô gần 10ha. Vụ vừa qua, chè trồng theo chuẩn VietGAP cho năng suất cao hơn, dư lượng thuốc BVTV trong chè và tồn dư kim loại nặng đều ở dưới mức cho phép. Đây là yếu tố quan trọng để sản phẩm chè mở rộng thị trường xuất khẩu.

"Thời gian tới, chính quyền sẽ phối hợp cùng DN, các HTX mở rộng diện tích chè sạch, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP để cạnh tranh bình đẳng với chè trong nước và thế giới. Cùng với đó, khuyến khích các DN đa dạng hóa các sản phẩm từ chè, giúp người sản xuất và kinh doanh chè có thêm nhiều cơ hội gia tăng giá trị kinh tế" - ông Lê Đình Thanh cho biết thêm.

Hoàng Trinh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện