Chiều 22/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét tờ trình của Chính phủ về phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021. Đây là nội dung được bổ sung vào chương trình phiên họp thứ ba của cơ quan thường trực Quốc hội.
Theo tờ trình của Chính phủ, tổng kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 là 14.620 tỷ đồng. Số tiền này gồm: 7.420 tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên, 4.200 tỷ giảm chi trả nợ lãi ngân sách và 3.000 tỷ đồng còn dư từ chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch theo Nghị quyết 42/2020.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, người thay mặt Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho biết ngân sách trung ương dự kiến phải chi 36.000 - 40.000 tỷ đồng cho phòng chống dịch trong thời gian tới.
Ông Phớc cho hay, nguồn lực trung ương có thể dành cho phòng, chống Covid-19 khoảng 54.110 tỷ đồng. Khoản này gồm các khoản đã bố trí trong dự toán ngân sách năm 2021, các khoản tích luỹ chuyển nguồn từ 2020 và đóng góp của doanh nghiệp, người dân.
8 tháng đầu năm ngân sách trung ương và địa phương đã dùng khoản dự phòng ngân sách, dự trữ tài chính để chi cho phòng, chống Covid-19 và các nhu cầu cấp thiết về quốc phòng, an ninh. Trong đó, nguồn lực trung ương đã chi 22.270 tỷ đồng, riêng chi cho phòng chống Covid-19 là 18.350 tỷ đồng.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. |
Trong khi đó theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm phòng vaccine Covid-19 cho khoảng 80 triệu dân số trong năm 2021, cần khoảng 28.500 tỷ đồng để mua 170 triệu liều vaccine. Sau khi trừ số đã chi 8.887 tỷ đồng mua vaccine và nguồn ngân sách địa phương dự kiến bố trí mua vaccine 3.540 tỷ đồng, nhu cầu còn lại trung ương phải chi thời gian tới khoảng 16.070 tỷ đồng.
"Trường hợp dịch kéo dài và phải tiêm vaccine nhắc lại hằng năm, nhu cầu kinh phí mua vaccine sẽ lớn hơn", Bộ trưởng Phớc cho biết.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Tài chính cho biết, theo phương án của Bộ Y tế, để đảm bảo công tác y tế với tình huống khi có 300.000 người nhiễm Covid-19 trong 28 ngày cần chăm sóc y tế, ngân sách nhà nước cần chi khoảng 60.570 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân sách trung ương dự kiến phải tăng chi và hỗ trợ cho các địa phương thời gian tới khoảng 20.000-24.000 tỷ đồng. Số tiền này dùng để mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch những tháng cuối năm.
"Như vậy, trung ương phải chi 36.000-40.000 tỷ đồng để mua vaccine và cho phòng, chống Covid-19 thời gian tới", ông Phớc cho biết.
Trong bối cảnh này, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng 14.620 tỷ đồng kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021. Số tiền này dành chi cho phòng, chống Covid-19.
Kế hoạch chi khoản tiền 14.620 tỷ đồng, theo Bộ trưởng Tài chính, trước mắt sẽ dùng 4.900 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 cho các bộ, ngành và địa phương. Cụ thể, Bộ Quốc phòng được chi 1.000 tỷ đồng, Bộ Công an 900 tỷ, TP HCM được hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh 500 tỷ đồng.
Giải thích thêm, ông Phớc cho biết, TP HCM, Bình Dương hay Đồng Nai là các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch thứ 4. Các địa phương này cũng đang phải tự lo toàn bộ chi phí phòng, chống dịch Covid-19. Song, do mức độ ảnh hưởng dịch bệnh quá lớn, địa phương đã cơ bản dùng hết các nguồn dự phòng ngân sách địa phương, Quỹ dự trữ tài chính, cắt giảm, tiết kiệm chi và các nguồn lực khác cho phòng, chống Covid-19, nên cần trung ương hỗ trợ thêm.
Ngoài ra, theo Nghị quyết số 30/2021 của Quốc hội và đề nghị của các địa phương, Chính phủ đang tổng hợp để báo cáo Quốc hội cho phép một số địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho phòng, chống dịch Covid-19.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng việc đưa khoản tiết kiệm chi thường xuyên, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 vào khoản dự phòng ngân sách để phục vụ cho phòng, chống dịch là hợp lý.
Cơ quan thẩm tra kiến nghị Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển 14.620 tỷ đồng dự phòng ngân sách trung ương để Chính phủ chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về tính tuân thủ, bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về nội dung này.
Tuy nhiên, ông Cường đề nghị Chính phủ làm rõ hơn căn cứ xác định đối tượng, mức phân bổ ngân sách của khoản tiền được bổ sung này.
Ông cho biết, trực tiếp làm việc với một số bộ ngành, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy nhiều địa phương khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và đang rất khó khăn trong cân đối nguồn lực chống dịch. Mặt khác, mức độ hỗ trợ với những người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có đội ngũ y, bác sỹ còn hạn chế.
Do đó, Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ tính toán, có phương án bố trí nguồn hợp lý, công bằng, kịp thời để bảo đảm động viên những người đã và đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chống dịch.
Riêng việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho phòng, chống Covid-19, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, cần Quốc hội cho phép.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành và các địa phương tổng hợp báo cáo kinh phí đã chi và nhu cầu nguồn vốn cho phòng, chống dịch Covid-19, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin