Khốn khó làng nghề
Huyện Quỳnh Lưu là một trong những địa phương có nhiều làng nghề nhất ở Nghệ An. Theo bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu, hiện huyện có 38 làng nghề, với các ngành nghề chủ yếu gồm mộc mỹ nghệ và dân dụng, chế biến hải sản, móc sợi, hương trầm, sản xuất miến… thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động nông thôn. Doanh thu hàng năm trong các làng nghề đạt xấp xỉ 300 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt từ 2,5-4,5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, trong số đó có 8 làng nghề hoạt động cầm chừng và có 10 làng nghề dừng hoạt động, chủ yếu là mây tre đan. Các làng nghề lâu nay đã khó lại càng khó thêm, khi dịch Covid - 19 kéo dài không chỉ ảnh ảnh hưởng đến sản xuất, doanh thu, mà còn ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm nghìn lao động nông thôn.
Quang cảnh đìu hiu vắng khách tại các cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ ở Quỳnh Hưng (huyện Quỳnh Lưu) |
Tại làng nghề mộc mỹ nghệ ở Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, chúng tôi cảm nhận được một không khí trầm lắng khác xa những lần ghé trước đây. Ngày trước, vào thời cao điểm của việc buôn bán hưng thịnh, dọc các con đường vào làng, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng đục đẽo, tiếng khoan, tiếng máy cưa, máy xẻ rộn ràng ngõ xóm. Còn hiện nay, các xưởng sản xuất cầm chừng, nhân công chỉ còn một vài người, thậm chí có xưởng phải tạm ngừng hoạt động.
Toàn xã Quỳnh Hưng hiện có 2 làng nghề mộc Nam Thắng và Thuận Giang với hơn 250 hộ dân tham gia làm nghề. Sản phẩm đặc trưng của làng nghề mộc xã Quỳnh Hưng bao gồm: Bàn ghế cao cấp Âu Á, tủ kệ, tủ quần áo, bàn thờ tổ tiên, ông tài ông địa…Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách đến mua hàng giảm từ 50-70%.
Theo nhiều chủ cơ sở mộc mỹ nghệ ở Quỳnh Hưng, cứ từ tháng 9 tháng 10 hằng năm, lượng khách đặt hàng tăng khoảng 2 lần so với thời điểm giữa năm. Bởi đây là mùa cưới hỏi, cũng là thời điểm các gia đình sắm sửa để đón chào năm mới. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Quỳnh Hưng đã kém nhộn nhịp lại càng thêm khó khăn do dịch bệnh kéo dài. Mọi hoạt động trở nên trầm lắng, bà con rơi vào tình trạng thất thu, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, các mặt hàng sản xuất đều bị ứ đọng, ế ẩm.
Thạch Lài là một trong những doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất gỗ ở Quỳnh Hưng đã tồn tại gần 50 năm. Chủ cơ cở, anh Nguyễn Văn Thạch cho biết, những năm trước đây gia đình anh và các chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ ở địa phương làm ăn thuận buồm xuôi gió, kinh tế khá giả. Nhưng nay, do nhiều nguyên nhân cộng thêm đó là tình hình dịch bệnh kéo dài. Thời gian gần đây, do phải nhập nguồn nguyên liệu gỗ với giá thành cao, nhưng sản phẩm làm ra lại không bán được, hàng hóa bị tồn đọng nên thường xuyên phải bù lỗ. Hàng tháng gia đình anh Thạch phải gánh số tiền lãi của khoản vay ngân hàng, chưa kể số tiền vốn đầu tư của gia đình.
Những sản phẩm đồ gỗ ở làng nghề mộc Quỳnh Hưng có giá trị cao nhưng bị " ế ẩm" không có người mua |
Tại cơ sở đóng tàu thuyền Tiến Xang, của gia đình ông Nguyễn Văn Xang ở xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu), ông Xang cho hay, các xưởng đóng tàu ở đây đang không có việc làm, thậm chí nhiều khách hàng còn nợ các chủ xưởng, chủ xưởng kéo tàu lên bến bán thu nợ mà cũng không được.
Theo ông Xang, những năm 2015-2017 khi có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền theo Nghị định 67 của Chính phủ, cơ sở của ông đã nhận đóng 12 tàu có công suất trên 800 CV và 14 tàu ngoài dự án. Những con tàu sau khi được đóng xong đã vươn khơi khai thác xa bờ và đều đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, cơ sở của ông chưa đóng mới được chiếc tàu cá nào, trên 50 thợ đóng tàu chỉ làm việc cầm chừng, chủ yếu là sửa chữa tàu theo định kỳ.
Đây cũng là tình trạng chung của 25 cở sở đóng tàu còn lại của tỉnh Nghệ An, một số hoạt động cầm chừng, số còn lại gần như bỏ không, lao động không có việc làm, máy móc thiết bị hoen rỉ…
Các làng nghề chế biến hải sản ở thị xã Cửa Lò cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, các hoạt động du lịch tạm thời ngưng trệ. Không có khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, sản phẩm nước mắm, hải sản khô… của các làng nghề chế biến hải sản ở Cửa Lò lâm vào ế ẩm. Bà Nguyễn Thị Lan - chủ cơ sở chế biến hải sản Lan Thạch - làng nghề chế biến hải sản khối Bình Minh, phường Nghi Thủy (T.X Cửa Lò) chia sẻ: “Hàng trăm tấn hải sản khô, hàng trăm nghìn lít nước mắm hiện đang bí đầu ra, khó tiêu thụ do không có khách du lịch. Nhiều hộ bảo quản không tốt đành để cá, mực, tôm tép ngả màu, kém chất lượng…”.
Là người buôn bán lâu năm tại đây, bà Lan cho biết thêm, chưa lúc nào làng nghề khó khăn như 2 năm qua. Khách du lịch không có nên việc buôn bán chỉ cầm chừng, số ít thì bán cho người dân địa phương, hàng hóa thì ế ẩm. Lượng hải sản khô buôn bán giảm 70% so với các năm. Lo ngại về tình hình dịch bệnh nên khách chủ yếu đặt hàng để mình gửi xe, ship đến tận nơi, nhưng số lượng cũng không đáng kể…
Cần sự hỗ trợ để vượt khó
Bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu - cho rằng, nhiều nguyên nhân dẫn đến các làng nghề bị mai một và dừng hoạt động đó là thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề còn bấp bênh. Mẫu mã sản phẩm đơn điệu, không thỏa mãn được thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác còn hạn chế. Vấn đề vệ sinh ATTP tại các làng nghề bún, bánh chưa được chú trọng…
Tại xưởng đóng tàu Tiến Xang ở Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu), để duy trì hoạt động, xưởng phải dựa vào việc sửa chữa vì cả năm không có khách đặt đóng tàu mới |
Bà Hằng cũng cho hay, việc phát triển làng nghề còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, trình độ, kiến thức về tổ chức sản xuất, quản lý doanh nghiệp, thị trường… của làng nghề còn hạn chế. Thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và làng nghề…
Thời gian tới, các cấp, ngành cần hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm công nghiệp làng nghề; quy hoạch khu vực giới thiệu sản phẩm làng nghề gắn với du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm làng nghề... hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ sản phẩm làng nghề; xây dựng các sản phẩm làng nghề tham gia chương trình OCOP, tạo mối liên kết bền vững giữa 3 bên đó là người lao động, chính quyền và doanh nghiệp…”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, sở đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn rà soát, lên danh sách các hộ bị ảnh hưởng, làm căn cứ thực tế để tham mưu UBND tỉnh phương án hỗ trợ. Trước mắt, các làng nghề vẫn phải phát huy nội lực để duy trì sản xuất. Trong đó, các hộ, cơ sở sản xuất cần chú trọng hoàn thiện sản phẩm theo hướng OCOP (mỗi xã một sản phẩm); chủ động trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, thích ứng với diễn biến dịch bệnh và biến động của thị trường.
"Hiện, Chi cục đang phối hợp với các ngành, địa phương, nắm bắt nhu cầu thị trường, kết nối tiêu thụ, tập trung vào nhóm sản phẩm làng nghề đạt chứng nhận OCOP, triển khai trang thương mại điện tử giới thiệu sản phẩm làng nghề... Đồng thời, phối hợp tìm kiếm các giải pháp huy động nguồn vốn cho các làng nghề khôi phục sản xuất, triển khai hiệu quả các chương trình: Hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ; đào tạo nghề, tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp và chính sách liên quan đến làng nghề…”, ông Nguyễn Hồ Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi Cục NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho hay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin