Gia đình anh Trần Bá Cường ở xóm Hồng An xã Nghĩa Hồng có 1ha đất trồng cam. Đây là vườn cam được huyện và xã đánh giá có sự đầu tư, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Mấy năm về trước, đầu ra của cây cam khá thuận lợi, chưa đến vụ, thương lái đã đến cọc tiền. 2 năm nay, do dịch bệnh Covid-19, cam đến vụ thu hoạch nhưng sản phẩm chủ yếu được cắt bán lẻ tại các chợ huyện. Anh Cường cho biết: “Hiện một số nhà vườn ở Nghĩa Hồng đã cắt cam bán với giá 5.000 đồng/kg. Gia đình chưa bán vì giá quá thấp”.
Cam hiện đang bước vào mùa thu hoạch. |
Xã Nghĩa Hồng có hơn 160 ha đất trồng cây có múi; trong đó có 60ha cam. Theo khảo sát của xã, do ảnh của dịch Covid-19, nhiều hộ trồng cam ở Nghĩa Hồng lo lắng tìm đầu ra cho nông sản dù mới trong giai đoạn đầu mùa. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo Ban nông nghiệp xã tìm cách tiêu thụ qua các kênh thông tin, mạng xã hội. “Thực tế hiện nay đầu ra của cây cam rất khó. Để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, Ban Nông nghiệp xã đã đứng ra tuyên truyền, liên kết để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân nhưng chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm. Bà con vẫn đang tự bán lẻ cam với giá bấp bênh từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Một số tư thương vào tận vườn đặt mua nhưng ép giá quá thấp”- ông Nguyễn Văn Thuyết, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồng cho biết.
Cam được mùa nhưng lượng tiêu thụ chậm. |
Cũng giống như gia đình anh Cường, gia đình chị Nguyễn Thị Hoan ở xóm Lê Lợi xã Nghĩa Hiếu có hơn 1,5ha đất trồng cam. Để tránh tình trạng được mùa mất giá, gia đình đã trồng xen nhiều loại cam trên cùng một diện tích. Những năm trước, thời điểm này thương lái có đến thu, nhưng năm nay do dịch bệnh, nên việc tiêu thụ có phần chậm hơn. Chị Hoan chia sẻ: "Năm nay cam bán chậm hơn so với mọi năm. Giá cam có xuống đôi chút, nhưng cam lại ngon và ngọt hơn. Cam chủ yếu bán cho khách nhỏ lẻ. Tuy vất vả nhưng giá bán cao hơn so với bán cho thương lái”.
Theo khảo sát tại các nhà vườn, hiện nay giá cam được cắt bán tại vườn dao động ở nhiều mức khác nhau, nhưng không cao. Do tiêu thụ chậm nên nhiều nhà vườn cắt cam đóng thùng bán lẻ tại các chợ trong và ngoài huyện. Bà Lê Thị Lài, thương lái chuyên chở trái cây đi tiêu thụ tại các chợ Vinh, Diễn Châu cho biết, hiện cam đang vào mùa thu hoạch nhưng lượng tiêu thụ giảm. Nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 và thời điểm này, cam ở nhiều nơi đổ về các chợ.
Các nhà vườn chủ yếu bán lẻ cho khách hàng. |
Tổng diện tích cam trên địa bàn huyện hiện hơn 1.000 ha, trong đó 2/3 diện tích đã bước vào thời kỳ thu hoạch, nhiều diện tích được bà con trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP... “Việc vận chuyển cam đi lại khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và từ đó cũng tác động đến vấn đề giá thành, sức tiêu thụ”, ông Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết thêm.
Hiện nay, ngoài kêu gọi tiêu thụ sản phẩm cho bà con, huyện Nghĩa Đàn cũng đẩy mạnh tuyên truyền người dân không trồng theo phong trào, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để đảm bảo chất lượng, giữ thương hiệu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin