Nghị quyết về cơ chế đặc thù: Cơ hội để Nghệ An bứt phá

19:19, 14/11/2021
Cùng với Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị ban hành năm 2013, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù tỉnh Nghệ An. Đây được coi là cơ hội rất lớn để tỉnh có thể phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Chỉ sau hơn 1 năm triển khai, dự án Khu đô thị Hoàng Sơn đang dần trở thành một điểm nhấn cho bộ mặt đô thị của huyện Diễn Châu. Tuy vậy, để được phê duyệt, chuyển đổi 11,5 ha đất lúa phục vụ dự án, nhà đầu tư đã phải mất 10 năm hoàn thiện các thủ tục và giải phóng mặt bằng. Câu chuyện này chắc chắn sẽ không còn lặp lại bởi trong Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù, Quốc hội đã giao thẩm quyền nhiều hơn cho Nghệ An; phân cấp, tạo không gian rộng hơn cho tỉnh khi quyết định các vấn đề về đất đai, đầu tư.

Dự án Khu đô thị Hoàng Sơn đang dần trở thành một điểm nhấn cho bộ mặt đô thị của huyện Diễn Châu.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Thạch Chí Khang - Giám đốc Maketing dự án KĐT Hoàng Sơn: “Tôi hy vọng các cơ chế, chính sách sắp tới khi đã được Quốc hội thông qua cho Nghệ An sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư như chúng tôi thuận lợi hơn trong quá trình đầu tư. Đồng thời cũng là bước tiếp nối tạo đà để Nghệ An phát triển”.

Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tỉnh cả về nguồn lực và quy trình thủ tục hành chính. Nhưng nếu không quyết liệt, thiếu tham vọng lớn thì việc khai thác cơ chế, chính sách đặc thù khó đạt hiệu quả tối đa. 

Hoạt động xuất nhập khẩu tại Cảng Cửa Lò.

Đơn cử, nếu không kịp thời đầu tư hệ thống cảng biển, cửa khẩu đường bộ để thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu thì cơ chế được bổ sung không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu (không bao gồm thuế giá trị gia tăng) chỉ đem lại cho tỉnh nguồn lực không đáng kể.  

“Đến hiện tại, Cục Hải quan Nghệ An thu được trên 1.500 tỷ thì cũng chỉ có trên 130 tỷ thuế xuất nhập khẩu, còn lại là thuế GTGT và các sắc thuế khác không nằm trong quy định của Nghị quyết. Chúng tôi cũng đề nghị tỉnh phải có giải pháp thu hút đầu tư hệ thống cảng biển, cửa khẩu để khai thác tốt hơn nguồn thu thuế xuất nhập khẩu”, ông Hồ Sỹ Thắng - Trưởng phòng nghiệp vụ Cục Hải quan Nghệ An chia sẻ thêm.

Linh hoạt hơn, chủ động và nhanh hơn trong việc đưa ra các thẩm định, quyết định sẽ tạo lợi thế riêng của một địa phương có cơ chế, chính sách đặc thù.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Nghệ An không có nhiều lợi thế về hạ tầng, vị trí địa lý để thu hút đầu tư. Nếu cộng thêm những bất lợi về quy trình cấp phép, ra quyết định càng giảm cơ hội đón nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn đến với tỉnh. Vì vậy, đi kèm với việc được phân cấp, phân quyền lớn hơn, tỉnh sẽ phải nỗ lực lớn hơn nữa trong cải cách hành chính để nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Linh hoạt hơn, chủ động và nhanh hơn trong việc đưa ra các thẩm định, quyết định sẽ tạo lợi thế riêng của một địa phương có cơ chế, chính sách đặc thù.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: “Nghệ An phải tạo ra được lợi thế về thủ tục hành chính, về tính tự chịu trách nhiệm, về cơ chế ra quyết định nó phải tốt không thua kém các tỉnh khác nếu không nói là phải thuận lợi hơn. Nghệ An cần nhanh hơn, thuận lợi hơn”.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Sau gần 8 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Nghệ An đã đạt được những kết quả nhất định trên lĩnh vực kinh tế. Với những cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội vừa thông qua, đặt ra những yêu cầu quyết liệt hơn cho tỉnh trong việc xây dựng mục tiêu cho từng giai đoạn, những giải pháp cấp bách và lâu dài để có thể tranh thủ tối đa các cơ chế, phát triển bứt phá, trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng và của cả nước./.

Xuân Hướng - Chu Quý

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện