Gia đình ông Trần Văn Hạnh ở thôn 6 xã Thạch Sơn, có 8 sào đất bãi ven Sông Lam chuyên trồng rau màu các loại, vụ đông năm nay gia đình ông chủ yếu trồng các loại: rau cải, mướp đắng, đậu bắp…Nhờ dự đoán được khí hậu năm nay diến biến bất thường, mưa nhiều nên gia đình ông đã xuống giống sớm và hiện nay đã bắt đầu cho thu hoạch một số loại rau màu.
Ông Hạnh chia sẻ: "Để có sản phẩm rau sạch, an toàn tới người tiêu dùng, gia đình ông Hạnh không dùng các loại thuốc hóa học, mà sử dụng các biện pháp thủ công để bắt các loại sâu, do vậy sản phẩm làm ra luôn an toàn cho người sử dụng. Hiện tại, rau cải có giá từ 3- 5.000 đồng/bó, mướp đắng và đậu bắp 15.000 đồng/kg, mỗi tháng sau khi trừ chi phí cũng cho gia đình ông thu về 5 triệu đồng. Cùng với thu hoạch các loại rau màu lứa sớm, gia đình ông cũng làm đất để xuống giống các loại rau màu chính vụ và phục vụ thị trường Tết như xu hào, bắp cải…"
Bà con nông dân Anh Sơn làm đất để xuống giống các loại rau màu chính vụ và phục vụ thị trường Tết. |
Là một trong những địa phương có diện tích trồng rau vụ đông lớn trong huyện, thời điểm này, bà con nông dân xã Cẩm Sơn đang tích cực chăm sóc, trồng mới các loại cây rau màu vụ đông để kịp thời cung cấp nguồn rau xanh phục vụ thị trường.
Đang ra đồng để xuống giống 3 sào rau màu, chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hội Lâm xã Cẩm Sơn chia sẻ: “Trước đây, gia đình chị chưa chú trọng đến sản xuất vụ đông hàng hóa, chủ yếu theo hình thức tự cung cấp cho gia đình. Nhưng ba năm nay, gia đình đã thực sự quan tâm đến sản xuất cây vụ đông hàng hóa vì đây là vụ mang lại thu nhập cao và ổn định trong năm. Hiện nay gia đình chị đang tập trung phủ bạt ni lông để xuống giống các loại rau màu gồm các loại bầu, bí, xu hào, bắp cải... cho kịp thời vụ".
Những ngày này, bà con tích cực ra đồng chăm sóc các loại cây trồng. |
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết: "Xã Cẩm Sơn từ lâu có truyền thống sản xuất chuyên canh cây rau màu ở huyện Anh Sơn. Phát huy lợi thế này, vụ đông năm nay xã đang tập trung sản xuất đa dạng các loại rau màu với hơn 40 ha tại các cánh đồng chuyên canh ở thôn Hội Lâm, 1/5, Cẩm Thắng, Hạ Du. Hiện nay, thời vụ trồng cây vụ đông vẫn còn, xã đang vận động nhân dân triển khai trồng các cây trồng ngắn ngày đồng thời tìm nguồn giống để trồng lại một số cây truyền thống như dưa chuột, đậu cô ve, sup lơ. Phân công cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn vận động bà con tranh thủ thời gian, tích cực chuẩn bị tốt mọi điều kiện để sản xuất vụ đông kịp thời vụ; hướng dẫn, khuyến cáo người dân chủ động chăm sóc diện tích cây vụ Đông đã gieo trồng; vận động người dân mở rộng diện tích; lựa chọn các loại cây trồng có giá trị kinh tế và đáp ứng được nhu cầu thị trường trước và sau Tết Nguyên đán. Khuyến khích người dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ."
Bà con chăm sóc các loại cây màu trong thời vụ. |
"Theo đề án sản xuất cây trồng vụ đông năm 2021, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện Anh Sơn là 3.014 ha. Trong đó ngô Đông 2.550 ha; Rau đậu, bầu, bí các loại 400 ha; Khoai lang, khoai tây 64 ha. Để đạt kết quả cao cả về diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế, ngay từ đầu vụ huyện Anh Sơn đã chỉ đạo các địa phương tập trung sản xuất vụ Đông cả trên đồng, trên bãi, đồi vệ; căn cứ vào điều kiện đất đai, mục đích sử dụng, kinh nghiệm của bà con nông dân để lựa chọn giống phù hợp, trên cơ sở đó bố trí cơ cấu các loại cây trồng và thời vụ hợp lý theo đề án sản xuất của huyện, đảm bảo an toàn hiệu quả. Riêng đối với các loại rau đậu các địa phương cần tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích, trong đó chú trọng phát triển rau đảm bảo ATTP, có giá trị cao để tăng hiệu quả kinh tế. Huyện cũng khuyến kích các địa phương đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đồng thời tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo để phát hiện sớm và phòng trừ có hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại góp phần sản xuất thắng lợi vụ đông 2021" - Ông Đặng Đình Luận trưởng phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn trao đổi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin