Nắm bắt được nhu cầu cũng như giá cả của các loại hải sản dịp Tết sẽ tăng, chị Vũ Thị Hiền - chủ cơ sở hải sản đông lạnh Thượng Hiền ở thôn 3, xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, đã nhanh tay gom hàng trước mấy tháng để có đủ hàng “trả” khách.
Dịp cuối năm, các cơ sở thu mua hải sản ở xã Sơn Hải phải thuê nhiều công nhân để đóng gói kịp giao cho khách. |
Chị Hiền cho biết: “Hải sản là món ăn không thể thiếu cho mâm cơm ngày Tết nên nhu cầu tiêu thụ các loại hải sản tăng cao. So với thời điểm năm ngoái, số lượng đơn hàng có giảm khoảng 20% nhưng so với trong năm, số lượng đơn hàng đặt vào những ngày cận Tết đã khởi sắc hơn nhiều”.
Cũng theo chị Hiền, những ngày gần đây, cơ sở nhận đơn hàng Tết liên tục. Khách hàng không chỉ mua về để sử dụng mà còn gửi đi các tỉnh làm quà biếu. Do vậy, cơ sở phải liên tục đặt hàng cho các tàu cá để có nguồn hàng tươi ngon.
“Thời điểm này, bình quân mỗi ngày, cơ sở chúng tôi thu mua hơn 1 tấn cá, chủ yếu là cá chỉ vàng, cá thu; khoảng 5 tạ tôm, mực và số lượng này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Dù thu mua gấp nhiều lần so với ngày thường nhưng cơ sở vẫn lo không đủ hàng để cung cấp cho khách trong dịp Tết Nguyên đán", chị Hiền chia sẻ thêm.
Sôi động thị trường hải sản dịp cuối năm. |
Vừa “chốt” xong 5 đơn hàng cho khách ở Hà Nội, chị Bùi Thị Chính - chủ cơ sở hải sản đông lạnh xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, lại tất bật với công việc thu mua, đóng thùng để đưa vào kho lạnh bảo quản.
Chị Chính cho biết: “Việc thu mua hải sản của cơ sở diễn ra quanh năm, nhưng vụ chính là vào tháng 12 Âm lịch. Nếu như ngày thường, cơ sở thu mua khoảng 5 tạ đến 1 tấn hải sản thì đến dịp Tết, số lượng có thể lên tới 5 - 7 tấn/ngày. Việc chủ động được nguồn hàng sẽ giúp cơ sở bình ổn được giá cả trong dịp Tết".
Cũng theo chị Chính, trong năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc tiêu thụ hải sản có nhiều thời điểm gặp khó khăn, hoạt động thu mua của cơ sở bị chững lại. Tuy nhiên, từ tháng 10 đến nay, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng chống dịch COVID-19, việc thu mua, xuất bán hải sản của cơ sở đã diễn ra thuận lợi hơn.
Hải sản được người bán lựa chọn, sơ chế, tiện cho việc chế biến, làm quà biếu. |
Theo một số tiểu thương từ đầu năm đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid 19 nhưng giá các mặt hàng hải sản cao bằng dịp giáp tết năm ngoái. Cụ thể: Giá cá chỉ vàng loại 1 khoảng 180.000 đồng/kg, cá thu tươi 230.000 đồng/kg, cá thu nướng 250 – 260.000 đồng/kg, cá hố 150.000/kg, tôm he 400.000 đồng/kg, tôn nõn 650-700 ngàn đồng/kg, mực khô tùy loại giao động từ 700.000 - 1,6 triệu đồng/kg.... Mức giá này cao hơn ngày thường khoảng từ 20 - 40 nghìn đồng tùy từng loại.
Ông Hoàng Sơn – Phó chủ tịch UBND xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu) cho biết: Mặc dù tình hình khai thác cuối năm gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, sản lượng không cao nhưng bù lại các loại hải sản được giá nên bà con ngư dân rất phấn khởi. Hiện tại UBND xã cũng chỉ đạo thành lập một tổ buôn bán hải sản, tăng cường tuyên truyền đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ thị trường Tết.
Các cơ sở sản xuất nước mắm, ruốc trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu tất bật vào vụ Tết. |
Bên cạnh các mặt hàng hải sản, các cơ sở sản xuất nước mắm, ruốc trên địa bàn huyện cũng đang rộn ràng vào vụ Tết. Bắt đầu từ tháng 12 Dương lịch, các cơ sở sản xuất nước mắm ở các xã An Hòa, Quỳnh Thọ, Sơn Hải, Quỳnh Ngọc, Tiến Thủy... đã khẩn trương làm hàng Tết.
Với các loại hàng thủy hải sản phong phú, đa dạng và thị trường tiêu thụ sôi động, ổn định như hiện nay đã tạo niềm tin, phấn khởi để ngư dân yên tâm chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin