Ngày 17/2, Báo Giao thông đăng bài: “Cận cảnh dự án vừa triển khai đã bị đình chỉ vì sở ngành Nghệ An “bất nhất”, phản ánh việc khi chủ đầu tư Dự án quần thể khu vui chơi, giải trí và du lịch ven sông Lam tại phường Bến Thủy, TP Vinh, tỉnh Nghệ An triển khai thì liên tiếp bị Chi cục Thủy lợi Nghệ An, Hạt Quản lý đê Vinh (là đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT Nghệ An) lập biên bản vi phạm và đình chỉ xây dựng. Lý do: Vi phạm Điều 26 Luật Đê điều, Điều 21 Nghị định 104/2017.
Điều đáng nói, dự án trên đã được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận, phê quyệt; Sở TN&MT Nghệ An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Sở Xây dựng Nghệ An cấp giấy phép xây dựng…
Đặc biệt, chính Sở NN&PTNT Nghệ An cũng khẳng định khu vực đề xuất xây dựng dự án nằm phía ngoài tuyến đê Tả Lam hiện tại và nằm phía trong tuyến đê Tả Lam cũ, không ngập nước trong mùa lũ, không phải là bãi sông theo quy định của Luật Đê điều nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 26 của Luật Đê điều. Ngoài ra, việc xây dựng dự án sẽ không ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ sông Lam.
Khu vực dự án vừa triển khai đã bị Hạt quản lý đê Vinh đình chỉ |
Chúng tôi chỉ kiến nghị, còn chuyện khác không biết"
Đề cập đến sự "bất nhất" trên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An khẳng định: "Những nội dung trong Văn bản số 2804 do Giám đốc Sở NN&PTNT ký gửi UBND tỉnh và lý do đình chỉ dự án là không mâu thuẫn nhau".
Ông Thành phân tích: Sông Lam là sông liên tỉnh, thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đoạn đê thực hiện dự án là đê cấp II – Đê đặc biệt quan trọng. Tất cả mọi hoạt động liên quan đến lòng sông, bãi sông và hành lang bảo vệ đê đều phải xin ý kiến của Bộ NN&PTNT.
"Đoạn viết “Khu vực đề xuất xây dựng dự án nằm phía ngoài tuyến đê Tả Lam hiện tại và nằm phía trong tuyến đê Tả Lam cũ, không ngập nước trong mùa lũ, không phải là bãi sông theo quy định của Luật Đê điều nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 26 của Luật Đê điều.
Ngoài ra, việc xây dựng dự án sẽ không ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ sông Lam”, trong Công văn 2804 mà chúng tôi tham mưu cho anh Đệ - Giám đốc Sở ký gửi UBND tỉnh không phải là chúng tôi khẳng định, mà chỉ là kiến nghị", ông Thành nói.
Công văn 2804 do ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An nói rõ khu vực thực hiện dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 26 Luật Đê điều |
Gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ai chịu trách nhiệm?
“Tức là xét theo luật thì khu vực thực hiện dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 26, Luật Đê điều. Nhưng trên thực tế, khu vực thực hiện dự án có cao trình tương đương với cao trình mặt đê hiện tại, khi lũ lên đến mức báo động 3 cũng chưa ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ của lòng sông Lam.
Nên Sở NN&PTNT giải trình để đề nghị UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị với Tổng cục Phòng, chống thiên tai xem xét, giải quyết đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Điều 26”, ông Thành nói và cho biết thêm: Tổng cục Phòng, chống thiên tai chưa trả lời mà phải đi kiểm tra thực địa mới có quyết định.
Trước câu hỏi, khi chưa có quyết định của cơ quan cấp Bộ mà UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý cho cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp, phải chăng tỉnh đang nóng vội, ông Thành thoái thác: "Chuyện đó tôi không biết, chúng tôi chỉ nói là các anh cứ chờ ý kiến của Bộ.
Về nguyên tắc, Bộ vào kiểm tra mà vẫn nói vi phạm luật là vi phạm luật. Còn ai cấp phép, cấp phép rồi mà Tổng cục nói vi phạm, không thể xây dựng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ai chịu trách nhiệm thì tôi không biết…".
Tuy nhiên, biên bản vi phạm của Hạt Quản lý đê Vinh thì nói rõ là vi phạm Điều 26. Luật Đê điều |
Đình chỉ dự án ở Nghệ An vì sai với quy hoạch của… Hà Tĩnh
Trong quá trình trao đổi, ông Nguyễn Trường Thành cũng khẳng định: Việc Hạt quản lý đê Vinh lập biên bản, đình chỉ dự án là đúng với quy định pháp luật.
Lý do, sông Lam là sông liên tỉnh, thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Theo quy hoạch của Hà Tĩnh thì lòng sông là từ bờ tả đến bờ hữu. Đây là đê cấp II, xây dựng trên khu vực lòng sông bắt buộc phải xin ý kiến của Bộ NN&PTNT.
“Khu thực hiện dự án nằm giữa bờ tả và bờ hữu của sông Lam. Mà theo quy hoạch của Nghệ An thì không nói, nhưng theo quy hoạch của Hà Tĩnh mà Bộ NN&PTNT phê duyệt thì phần lòng sông được quy định từ đê bờ hữu sang đê bờ tả.
Nếu chiếu theo quy định như thế thì ở đây thuộc phần lòng sông. Vì vậy, theo quy định thì phải xin ý kiến của Bộ NN&PTNT.
Cấp phép như thế nào thì tôi không biết, nhưng xây dựng trong lòng sông mà không có sự cho phép của Bộ NN&PTNT thì chúng tôi đình chỉ.
Xin Bộ cấp phép rồi thì chủ đầu tư làm tiếp, nếu không được thì phải dừng lại, còn thiệt hại thì chúng tôi không biết", ông Thành tiếp tục khẳng định.
Không phải một lần khẳng định
Đem những giải trình Chi cục Thủy lợi sang làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An thì một cán bộ Sở này cho biết: "Chi cục Thủy lợi nói thế là vừa mâu thuẫn, vừa thiếu trách nhiệm. Chi cục được giao nhiệm vụ quản lý đê điều, anh phải nắm rõ thực địa đoạn đó như thế nào.
Trước đó trong văn bản của Sở NN&PTNT đã nói rất rõ khu vực đề xuất xây dựng dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 26 của Luật Đê điều.
Hôm sau anh lại đình chỉ dự án của doanh nghiệp vì vi phạm Điều 26 của Luật Đê điều. Điều này rõ ràng là đang mâu thuẫn, trước sau bất nhất; chưa kể văn bản trước cũng do chính Chi cục Thủy lợi tham mưu".
Bản vẽ mặt bằng hiện trạng và phạm vi ranh giới bảo vệ đê điều do Chi cục Thủy lợi và Hạt chuyên trách quản lý đê Vinh phối hợp với UBND phường Bến Thủy và đơn vị liên quan vẽ năm 2018 |
Cũng theo vị cán bộ này, không phải đến tháng 3/2021, Sở NN&PTNT có văn bản số 2804 khẳng định khu vực thực hiện dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đê điều mà từ ngày 10/8/2018, Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản số 1982 do ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT (nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An) ký gửi UBND tỉnh, kèm theo bản vẽ mặt bằng tỷ lệ 1/500 thể hiện rất rõ: Phần đất thực hiện dự án nằm ngoài phần “diện tích hành lang bảo vệ đê điều” và là “diện tích được phép quy hoạch xây dựng”.
Trong văn bản cũng nói rất rõ việc cắm mốc được thực hiện theo quy định và vị trí các mốc được định vi bằng hệ tọa quốc gia VN2000.
Đây là cơ sở để UBND tỉnh, Sở Xây dựng và các bên liên quan biết để làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch dự án.
Trong một diễn biến khác, sau khi Báo Giao thông phản ánh về sự việc, dư luận ở tỉnh Nghệ Án rất quan tâm. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cách làm việc “tiền hậu bất nhất” như trên đã ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp. Bởi đó không chỉ là tiền bạc, thời gian mà còn là cơ hội đầu tư của doanh nghiệp…
Để có cái nhìn khách quan hơn về vụ việc, PV đã trực tiếp qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An. Thế nhưng ông Đệ từ chối làm việc vì "dịch ở Nghệ An đang rất căng thẳng". |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin