Theo chia sẻ của bà con nông dân xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, bí xanh vụ xuân được trồng từ cuối tháng 12. Đến thời điểm hiện tại, bí đã cho thu hoạch. Ngoài việc cung cấp cho các vùng trong và ngoài huyện, bí xanh nơi đây còn được thương lái ở các tỉnh khác như Thanh Hóa, Ninh Bình… về thu mua.
Theo tính toán của người dân, với mỗi hecta bí xanh sớm với chi phí đầu tư khoảng 60 - 70 triệu đồng cho thu về khoảng 250-300 triệu đồng. |
Theo tính toán của người dân, với mỗi hecta bí xanh sớm, người dân đầu tư chi phí hết khoảng 60 - 70 triệu đồng, nhưng có thể thu về khoảng 250 - 300 triệu đồng. Đặc biệt, năm nay giá bí xanh cao nhất từ trước đến nay, lên đến 20 nghìn đồng/kg.
Nhiều địa phương huyện Nghĩa Đàn đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng bí xanh. |
Những năm qua, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của cây bí xanh, UBND xã đã vận động bà con chuyển đổi cây trồng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Vụ xuân năm nay, ngoài các cây trồng chủ lực là lúa, mía, cây ăn quả, xã Nghĩa Mai đã chuyển đổi được hơn 15 ha cây bí xanh.
Ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai cho biết thêm: “Để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, xã Nghĩa Mai đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Thời điểm này cây bí đã cho thu hoạch, năng suất cao, giá bán từ 13 - 20 ngàn/kg, người dân rất phấn khởi. Thời gian tới, chúng tôi khuyến khích người dân trồng theo quy trình VietGAP để có thể xuất bán vào các siêu thị, với giá cao hơn”.
Hiệu quả từ bí xanh tạo động lực thúc đẩy vùng sản xuất cây trồng hàng hoá gắn với yếu tố thị trường của nông dân huyện Nghĩa Đàn. |
“Từ hiệu quả cây bí xanh mang lại, để các cánh đồng trồng bí xanh phát triển theo hướng bền vững. Ngoài tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng bí xanh, Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức cho bà con nông dân về cách trồng, chăm bón, phòng bệnh và sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao”, ông Phan Thế Phương, Chủ tịch Hội nông dân huyện Nghĩa Đàn cho biết.
Trồng bí xanh là hướng chuyển đổi nhanh nhạy, điều tiết cung ứng sản phẩm hàng hoá có lợi và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt với nông dân. Với một vụ trồng vừa được mùa, được giá như hiện nay đã tác động đến tư duy hạch toán, làm ăn theo hướng mới của bà con, tạo động lực thúc đẩy vùng sản xuất cây trồng hàng hoá gắn với yếu tố thị trường; góp phần tăng thu nhập kinh tế hộ, cũng như tăng bình quân thu nhập đầu người.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin