Ảnh minh họa. |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 45/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để trình Quốc hội theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật.
[NHNN đề xuất kéo dài thêm 3 năm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42]
Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực vào ngày 15/8 năm nay. Tuy nhiên, do lo ngại nợ xấu tăng cao ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, ngày 7/3, Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết này đến ngày 15/8/2025.
Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết sau gần 5 năm thực hiện, Ngân hàng Nhà nước cho biết quá trình xử lý nợ xấu đã đạt kết quả tích cực. Khách hàng tự nguyện, chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ tổ chức tín dụng.
Theo đó, báo cáo của các tổ chức tín dụng nêu rõ lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 30/11/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 373.300 tỷ đồng nợ xấu; trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 193.300 tỷ đồng, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 98.400 tỷ đồng...
Tổng số nợ xấu được xử lý trong thời gian áp dụng Nghị quyết 42 đạt trung bình khoảng 5.660 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.140 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng. Nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng liên tục từ năm 2020 đến nay, đến cuối tháng 11/2021 tăng cao ở mức trên 2%.
Trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty quản lý nợ và tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 7,42%. Như vậy, chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn, đáng quan ngại./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin