Tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa. Ảnh minh họa: TTXVN |
* Hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BTC ngày 8/2/2022 hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa và chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.
Theo Thông tư 05, việc tái cơ cấu doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc: phương án tái cơ cấu được thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp tái cơ cấu với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mua bán nợ Việt Nam (Công ty Mua bán nợ Việt Nam) và/hoặc các chủ nợ tham gia tái cơ cấu (lập biên bản thỏa thuận giữa các bên). Công ty Mua bán nợ Việt Nam được quyền chủ động đàm phán mua nợ với các chủ nợ và đề xuất phương án tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp tái cơ cấu có trách nhiệm thực hiện xử lý số cổ phần không bán hết theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP và Thông tư số 32/2021/TT-BTC. Trong đó:
Trường hợp không bán hết số cổ phần cho các nhà đầu tư theo phương thức thỏa thuận sau khi bán đấu giá công khai không thành công hoặc không bán hết số cổ phần chào bán của cuộc đấu giá công khai theo quy định thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu xem xét, quyết định chào bán cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ theo nguyên tắc thỏa thuận và giá bán cổ phần không thấp hơn mệnh giá.
Trường hợp Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ vẫn không mua hết số cổ phần chào bán quy định thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ để chuyển doanh nghiệp tái cơ cấu thành công ty cổ phần trước khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1/4/2022.
* Hướng dẫn giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT ngày 14/2/2022 hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Thông tư này quy định về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Việc giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Về đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài, Thông tư quy định nội dung đánh giá kết thúc gồm: Tiến độ góp vốn điều lệ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, vốn pháp định, góp vốn đầu tư của dự án có vốn đầu tư nước ngoài; việc huy động và sử dụng vốn huy động theo quy định của pháp luật; tiến độ thực hiện dự án so với tiến độ được quy định; việc sử dụng đất, sử dụng lao động của dự án; việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, các nguồn lực đã huy động, tiến độ thực hiện, lợi ích dự án…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022.
Gạo Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN |
* Nhập khẩu 300.000 tấn gạo từ Campuchia với thuế suất ưu đãi đặc biệt
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-BCT ngày 28/2/2022 quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất từ Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2021 và 2022.
Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư 06/2022/TT-BCT quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt khi nhập khẩu vào Việt Nam năm 2021 và 2022.
Đối tượng áp dụng là các thương nhân nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo đó, tổng lượng hạn ngạch năm 2022 đối với mặt hàng gạo là 300.000 tấn, nếu là thóc thì tỷ lệ quy đổi là 2kg thóc = 1kg gạo; số lượng của năm 2021 cũng là 300.000 tấn. Đối với mặt hàng lá thuốc lá khô là 3.000 tấn mỗi năm.
Điều kiện để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do Bộ Thương mại Campuchia hoặc cơ quan được ủy quyền cấp theo quy định của phía Campuchia và làm thủ tục hải quan nhập khẩu tại các cặp cửa khẩu quy định.
Riêng đối với mặt hàng lá thuốc lá khô, thương nhân nhập khẩu phải có giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan do Bộ Công Thương cấp theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP.
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô quy định tại Thông tư này được điều hành theo phương thức trừ lùi tự động tại cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 15/4/2022 đến hết 31/12/2022.
* Sửa quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 24/2021/TT-NHNN ngày 31/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư 24/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 1 về phạm vi điều chỉnh như sau: Thông tư này quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Việc kiểm toán độc lập tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 147 và Điều 151a Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) và việc kiểm toán độc lập tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để phục vụ yêu cầu thanh tra, giám sát ngân hàng theo quy định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và phải tuân thủ các Điều 11, 12, 13, 14 Thông tư này.
Thông tư 24/2021/TT-NHNN cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 về nội dung kiểm toán độc lập như sau: Kiểm toán độc lập hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối thiểu các nội dung sau đây:
a- Kiểm toán hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trong đó bao gồm các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ) tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, quy định của Ngân hàng Nhà nước về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đối với những nội dung của hệ thống kiểm soát nội bộ đã được kiểm toán tuân thủ mà không có sự thay đổi thì không phải kiểm toán lại nội dung đó;
b- Kiểm toán hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính;
c- Ngoài nội dung kiểm toán quy định tại điểm a và điểm b khoản này, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện kiểm toán hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ đối với nội dung đánh giá nội bộ về mức đủ vốn của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hệ thống kiểm soát nội bộ.
Kiểm toán hoạt động đối với hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này nhằm bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a- Hiệu quả và an toàn trong hoạt động; bảo vệ, quản lý, sử dụng an toàn, hiệu quả tài sản và các nguồn lực;
b- Hệ thống thông tin tài chính và thông tin quản lý trung thực, hợp lý, đầy đủ và kịp thời.
Ngoài ra, Thông tư 24/2021/TT-NHNN cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10 về kết quả kiểm toán độc lập.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 15/4/2022./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin