Đẩy mạnh du lịch cộng đồng
Nghệ An có tiếng là vùng đất có nhiều sản vật, đa dạng hệ sinh thái, đa dạng văn hóa, làng nghề… Đó là nền tảng, lợi thế, giá trị khác biệt, là cơ hội phát triển nếu khai thác đúng tiềm năng.
Nhiều điểm du lịch cộng đồng ở Nghệ An ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Trong đó, phải kể đến bản du lịch cộng đồng bản Nưa, bản Phả, bản Khe Rạn (Con Cuông); bản Hoa Tiến (Quỳ Châu), bản Minh Thái (Tân Kỳ), bản Lau, bản Mác, bản Quang Phúc (Tương Dương), bản Na Xái, Hủa Mường (Quế Phong).
Nhà sàn cổ là điểm nhấn cho du lịch cộng đồng ở bản Hủa Mương, xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) |
So với nhiều điểm du lịch khác, du lịch cộng đồng Con Cuông có nhiều lợi thế mà ưu điểm rõ nhất là sự thuần túy, tự nhiên, chưa bị “bê tông hóa”. Ở đây có thác Khe Kèm, sông Giăng, khu rừng Săng Lẻ, khe Nước Mọc, đập Phà Lài là những điểm nghỉ mát hoàn toàn tự nhiên.
Du khách khi đi thăm và ở lại các bản như bản Nưa, Bảo Thành, Thái Hòa, Làng Xiêng của 4 xã: Bồng Khê, Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn có cảm giác được hòa vào cuộc sống bình dị của đồng bào Thái, được nghe hát dân ca, uống rượu cần và thưởng thức các món ăn đặc sản. Khách du lịch, nhất là khách nước ngoài thích hình thức du lịch có những trải nghiệm thú vị.
“Điều đặc biệt hơn nữa, khách đến thăm nhà dân, được xem bà con dệt thổ cẩm, sử dụng những sản phẩm chăn, ga, gối đệm, trang phục Thái được làm từ vải thổ cẩm, cũng như tìm hiểu những nét đẹp bản sắc văn hóa, phong tục tập quán và cuộc sống của người dân địa phương”, bà Vi Thị Nguyệt, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Con Cuông chia sẻ.
Tại bản Nưa hiện có 3 mô hình homestay do dự án JICA (Nhật Bản) tài trợ từ năm 2011, mỗi cơ sở đều có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho 30 - 40 khách lưu trú qua đêm cùng lúc, rất tiện lợi. Trong số này, homestay của gia đình chị Lô Thị Hoa - Trưởng nhóm Du lịch cộng đồng bản Nưa được thiết kế dạng nhà sàn truyền thống. Nhà được bài trí giản đơn, mỗi vật dụng đều bật lên chất truyền thống của đồng bào Thái. Vườn nhà được gia chủ trồng đủ loại rau xanh, kết hợp một số cây ăn quả. Ngoài ra, công trình vệ sinh, hệ thống nước sinh hoạt… cơ bản được trang bị, xây dựng khang trang, kiên cố.
Chị Hoa hồ hởi, đến bản Nưa du khách được trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống thường ngày của đồng bào Thái. Được cấy lúa, nơm cá dưới khe, thưởng thức những món dân dã (lợn đen, gà thả đồi, rau rừng, rượu cần…) bình dị, mộc mạc thôi nhưng đầy lôi cuốn.
Du khách nước ngoài thích thú khi tham quan, du lịch tại bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu). |
Mỗi năm nhóm du lịch cộng đồng bản Nưa đón trên dưới 3.000 lượt khách trong và ngoài nước, con số này góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân bản địa. Mức thu nhập bình quân của thành viên trong nhóm du lịch cộng đồng rất khá, dao động quanh mức 4 triệu đồng/người/tháng, ổn định hơn nhiều so với trước kia.
“2 năm trở lại đây do dịch bệnh nên homestay hoàn toàn đóng cửa và chỉ mới mở lại từ ngày 15/3. Hai năm vừa qua, mình và các hộ làm du dịch ở đây chuyển hướng sang đan lát, dệt các sản phẩm thổ cẩm của làng nghề để đợt tới mở cửa có sản phẩm bán cho du khách làm quà mang về…”, chị Hoa vui vẻ nói.
Toàn huyện Con Cuông có 3 làng du lịch cộng đồng được công nhận đạt 3 sao OCOP, gồm Bản Nưa - xã Yên Khê, bản Khe Rạn - xã Bồng Khê cùng ở huyện Con Cuông.
Du lịch nông thôn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP
Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của từng địa phương cũng tạo nên sức hút cho các điểm du lịch, đồng thời, hoạt động du lịch cũng góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP. Đây là quan hệ mang tính tương hỗ, ngay từ khi thực hiện chương trình, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương đã xác định rõ và linh hoạt lồng ghép hiệu quả vào các chương trình du lịch nông thôn.
Sản phẩm OCOP hỗ trợ để chương trình du lịch nông thôn thêm hấp dẫn. |
Tại Nghệ An, mô hình du lịch nông thôn mới tại bản Nưa, bản Phả, bản Khe Rạn (Con Cuông), bản Hoa Tiến (Quỳ Châu), và các mô hình trang trại tại miền Tây xứ Nghệ cho thấy quá trình tham quan, khám phá, trải nghiệm du lịch nông nghiệp sẽ tạo ra hứng thú khi du khách được chứng kiến cuộc sống sinh hoạt người dân nông thôn, văn hóa vùng miền và được hòa mình với thiên nhiên.
Cùng với việc phát triển du lịch, sau gần 4 năm triển khai, đến nay tỉnh Nghệ An đã có 249 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, 4 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt cấp quốc gia 5 sao và 4 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ ba của cả nước (sau Hà Nội và Quảng Ninh). Nhiều sản phẩm OCOP ở Nghệ An đã được biết đến như: trà lá sen và hoa sen; cam Vinh, dược liệu Pù Mát, tương Sa Nam, trà túi lọc Giảo Cổ Lam, sản phẩm dệt thổ cẩm… được du khách ưa thích.
Ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư huyện uỷ huyện Con Cuông cho hay, Con Cuông đang là điểm du lịch hấp dẫn của miền Tây xứ Nghệ cũng như cả nước, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh sẽ là điều kiện thuận lợi để địa phương tạo điều kiện hơn nữa cho các sản phẩm OCOP Con Cuông được trở thành sản phẩm hàng hóa nông thôn tiêu biểu có giá trị.
Các sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Con Cuông được gắn liền với các sản phẩm du lịch của huyện và của tỉnh. Nhờ đó, trong những năm gần đây, các sản phẩm OCOP của huyện Con Cuông đã góp phần thúc đẩy du lịch của địa phương và của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành du lịch của tỉnh cũng góp phần tiêu thụ và thúc đẩy quá trình phát triển các sản phẩm OCOP của Con Cuông. Vì vậy, trong những năm qua, thu nhập của người dân Con Cuông trực tiếp sản xuất ra sản phẩm cũng không ngừng được nâng lên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin